Nữ doanh nhân dùng “bẫy tín dụng” chiếm đoạt 70 tỉ đồng
Trong vai nữ doanh nhân thành đạt, Lê Thị Mai Anh (ảnh) đứng ra thu nhận "sổ đỏ" của người dân để vay tiền của các ngân hàng. Do thiếu hiểu biết, rất nhiều gia đình đã rơi vào cái bẫy ủy quyền sổ đỏ để vay vốn. Với sự tiếp tay của cán bộ ngân hàng, Lê Thị Mai Anh đã chiếm đoạt được hàng chục tỉ đồng và bỏ trốn, để lại hậu quả cho hàng chục gia đình trước nguy cơ… bỗng nhiên mất nhà!
Cơ quan CSĐT (PC46) Công an TP Hà Nội vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, làm thủ tục truy nã đối với Lê Thị Mai Anh (52 tuổi), Phó giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản Kim Ngọc (gọi tắt là Công ty Kim Ngọc), về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tháng 4/2012, Ngân hàng Thương mại cổ phần kỹ thương Việt Nam (Techcombank) có đơn tố cáo Lê Thị Mai Anh, Phó giám đốc Công ty Kim Ngọc chiếm đoạt số tiền vay 32 tỉ đồng. Kết quả điều tra xác định Công ty Kim Ngọc có trụ sở tại 21 Ấu Triệu, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ năm 2009 do Trần Thanh Hằng (con dâu bà Mai Anh) làm giám đốc.
Thực chất Công ty Kim Ngọc không có hoạt động kinh doanh gì. Bản thân giám đốc Trần Thanh Hằng sau này cũng thừa nhận chỉ đứng tên giám đốc công ty theo sự nhờ vả của mẹ chồng. Việc điều hành hoạt động của công ty ra sao do bà Mai Anh với tư cách là Phó giám đốc chịu trách nhiệm.
Với mục đích thành lập công ty để làm "bình phong" cho hoạt động lừa đảo sau này nên bà Mai Anh đã làm giả báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh các năm của Công ty Kim Ngọc, làm giả tờ khai thuế và hóa đơn GTGT của công ty nhằm mục đích vay vốn ngân hàng. Để được Ngân hàng Techcombank giải ngân số tiền vay 32 tỉ đồng, Lê Thị Mai Anh đã giả chữ ký của chủ sở hữu trong các hợp đồng thế chấp tài sản.
Đó chỉ là một trong nhiều vụ lừa đảo "ngoạn mục" mà nữ doanh nhân này đã gây ra khiến nhiều gia đình điêu đứng và đang có nguy cơ mất trắng nhà khi rơi vào bẫy "tín dụng" cho vay tiền bằng thế chấp sổ đỏ mà Lê Thị Mai Anh gây ra.
Trong đơn tố cáo gửi đến cơ quan điều tra, 8 gia đình ở các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã rơi vào bẫy lừa của Lê Thị Mai Anh cho biết, từ năm 2009 đến năm 2011, do có nhu cầu vay tiền để kinh doanh, thông qua các mối quan hệ, họ được giới thiệu gặp bà Mai Anh, một nữ doanh nhân thành đạt, có nhiều mối quan hệ thân thiết với các ngân hàng. Trước khi gặp bà Mai Anh, các gia đình cũng đã đến ngân hàng hỏi thủ tục vay tiền bằng thế chấp sổ đỏ nhưng không thể nào đáp ứng hết các tiêu chuẩn mà ngân hàng đặt ra.
Thế nên khi bà Mai Anh trong vai "Mạnh Thường Quân" đến làm quen, giới thiệu là chủ một doanh nghiệp lớn, có thể giúp các gia đình vay vốn theo lãi suất ngân hàng thì với họ quả là vận may lớn. Bởi vay tiền ngoài ngân hàng bao giờ lãi suất cũng cao, chưa nói đến những mức lãi suất ngày "cắt cổ".
Một nạn nhân của bà Mai Anh là ông Lê Anh T., ở phố Quán Thánh (Hà Nội) đang đứng trước nguy cơ bị ngân hàng thu nhà cho biết, cần vay mấy trăm triệu đồng để kinh doanh, ông mang sổ đỏ đến các ngân hàng hỏi thủ tục vay tiền không được. Trong lúc đang loay hoay không biết vay tiền ở đâu thì ông được một người quen là cán bộ ngân hàng giới thiệu gặp bà Lê Thị Mai Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần HMA (địa chỉ tại ngõ 331 Trần Khát Chân). Theo giải thích thì cá nhân muốn vay tiền ngân hàng rất khó, phải thông qua doanh nghiệp như bà Mai Anh đứng ra vay hộ.
Ông T. được gọi ra ký vào một văn bản có tên là "Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của bên thứ ba để vay vốn ngân hàng". Theo hợp đồng này, bên vay là Công ty Việt Thành, địa chỉ tại phố 8/3 phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bên nhận thế chấp là Vietinbank - Chi nhánh Hà Nội. Sau đó, ông T. được bà Mai Anh cho vay 850 triệu đồng. Bẵng đi một thời gian, đến tháng 2/2012, ông T. rụng rời chân tay khi nhận được thông báo của Vietinbank Chi nhánh Hà Nội về việc phát mại ngôi nhà của ông.
Thông báo ghi rõ: "Yêu cầu ông, bà có mặt tại nhà vào lúc 9 giờ, ngày thứ Ba, ngày 7/2/2012, để làm việc về việc phát mại tài sản bảo đảm mà ông bà thế chấp cho ngân hàng để đảm bảo cho các khoản vay của Công ty Việt Thành". Tìm hiểu tại ngân hàng, ông T. mới biết Công ty Việt Thành đã dùng sổ đỏ của gia đình ông thế chấp vay 3,9 tỉ đồng. Ông T. chính là người bảo lãnh thế chấp. Bỗng dưng đứng trước nguy cơ mất trắng ngôi nhà trị giá 4-5 tỉ đồng chỉ với khoản vay 850 triệu đồng, ông T. chỉ còn biết trông chờ vào cơ quan pháp luật bởi bà Mai Anh đã "biến mất".
Các gia đình bị rơi vào bẫy vay tiền bằng thế chấp sổ đỏ của Lê Thị Mai Anh cho biết, khi tiếp xúc với họ, điều kiện bà Mai Anh đưa ra rất đơn giản, gia đình chỉ cần đưa sổ đỏ làm tin hoặc đưa sổ đỏ để ngân hàng xét duyệt khoản vay. Khi đã cầm sổ đỏ, bà Mai Anh bố trí họ đến một số văn phòng công chứng để ký vào những giấy tờ đã được soạn thảo trước và giải thích đó chỉ là hạn mức vay. Còn gia đình muốn vay bao nhiêu phải phụ thuộc vào việc xét duyệt của ngân hàng.
Thủ đoạn của bà Mai Anh là bố trí người có sổ đỏ đến ký các giấy tờ (sau này mọi người mới biết đó là hợp đồng ủy quyền, thế chấp sổ đỏ) tại các văn phòng công chứng vào thời điểm cuối giờ làm việc để giục họ phải ký nhanh, nếu không sẽ hết giờ, không hẹn được công chứng viên. Do chưa tiếp xúc với thủ tục công chứng bao giờ, nhận thức đơn giản nên họ đã ký mà không thể biết được hậu quả xảy ra sau này.
Tới khi ngân hàng có giấy thông báo tới các gia đình về việc vay nợ quá hạn, 8 gia đình nêu trên mới biết Lê Thị Mai Anh đã sử dụng sổ đỏ của họ để thế chấp vay của nhiều ngân hàng với tổng số tiền gần 32 tỉ đồng. Trong khi đó, bà ta chỉ cho các gia đình có sổ đỏ vay 2,3 tỉ đồng. Thậm chí bà Nguyễn Thị Nguyệt ở huyện Thanh Trì bị Lê Thị Mai Anh mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng lấy gần 2,8 tỉ đồng nhưng không được vay lại đồng nào.
Theo tố cáo của những người bị hại, hành vi lừa đảo của Lê Thị Mai Anh có sự tiếp tay của một số cán bộ ngân hàng và công chứng viên. Như khi tới các gia đình để thẩm định tài sản, cán bộ ngân hàng đi cùng bà Mai Anh không hỏi thăm, không nói mục đích nên họ lầm tưởng đó chỉ là bạn bè đi cùng. Đến khi ký hợp đồng thế chấp sổ đỏ cho bên thứ ba (là bà Mai Anh) vay tiền ngân hàng, cán bộ ngân hàng cũng không một lời giải thích.
Khi họ thắc mắc và được bà Mai Anh lừa nói đó chỉ là hạn mức vay tiền, cán bộ ngân hàng có mặt tại đó cũng không có ý kiến gì. Chính sự "im lặng" của cán bộ ngân hàng khiến các chủ sổ đỏ chủ quan, hoàn toàn tin tưởng vào những lời giải thích của bà Mai Anh. Tại các văn phòng công chứng cũng vậy. Cán bộ phòng công chứng không hề giải thích quyền lợi, nghĩa vụ của họ khi ký vào các bản hợp đồng ủy quyền, thế chấp sổ đỏ. Thậm chí có trường hợp bà Mai Anh cho người mạo danh ký, điểm chỉ vào hợp đồng và cán bộ công chứng vẫn xác nhận.
Điều tra viên Đội 9, Phòng PC46 Công an Hà Nội, chỉ với danh nghĩa Công ty Kim Ngọc và Công ty HMA, tính sơ bộ số tiền mà Lê Thị Mai Anh đã chiếm đoạt khoảng 70 tỉ đồng. Tại thời điểm Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Thị Mai Anh về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nữ doanh nhân này đã "biến mất" khỏi nơi cư trú tại tổ 2 phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. Hiện Cơ quan điều tra tiếp tục làm thủ tục truy nã đối với Lê Thị Mai Anh.
H.Vũ
CAND
|