Hiệp lực khơi thông dòng chảy nền kinh tế
Hầu hết chuyên gia kinh tế đều nhận định, mặc dù năm 2012 có điểm sáng song kinh tế năm 2013 vẫn tiếp tục đối diện với nhiều thách thức. Nhằm vượt qua khó khăn đồng thời tạo tiền đề phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo, Việt Nam phải rốt ráo thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế.
Doanh nghiệp phải tự tái cơ cấu để tồn tại
trong thời kỳ kinh tế khó khăn
|
Nhiều thách thức và chông gai
Dựa trên nền tảng và kết quả kinh tế năm 2012, các chuyên gia kinh tế Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội quốc gia (NCEIF) đã đưa ra 3 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2013.
Theo đó, kịch bản có khả năng xảy ra nhất và cũng là quan điểm của NCEIF đó là tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2013 sẽ là 5,68%; vốn trên GDP là 30,5%; tăng trưởng xuất khẩu 14,6%. Tuy nhiên, kịch bản này chỉ thực hiện được khi kinh tế thế giới sáng sủa hơn, nợ công ở khu vực đồng tiền chung châu Âu không còn là vấn đề lớn, nền kinh tế Mỹ được phục hồi khá, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản gần tương tự như năm 2012, thương mại thế giới tốt hơn năm 2012, luồng vốn FDI vào Việt Nam khả quan hơn.
Bên cạnh kịch bản trên, cũng có cảnh báo về kịch bản xấu hơn với mức tăng trưởng thấp khi GDP của Việt Nam được dự báo chỉ ở mức 5% so với năm 2012, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên GDP là 29%; tăng trưởng xuất khẩu là 12,8% và nhập siêu trên xuất khẩu là 2,4%. Lý giải về mức dự báo thấp trên, giới chuyên môn khẳng định ở kịch bản này nền kinh tế thế giới không tăng trưởng cao như mong muốn do bất ổn về tài chính tại nhiều nước.
Vấn đề đáng quan ngại nhất là hàng tồn kho tăng, nợ xấu chiếm tỷ lệ cao đang "ngâm” trong thị trường bất động sản vẫn không có cách tháo gỡ. Về lãi suất và nguồn vốn hỗ trợ DN trong năm tới, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright dự báo, nếu kỳ vọng lạm phát ở mức 5-6% thì lãi suất tiền gởi có thể đưa về mức 7%.
Song, sự khác biệt là có ngân hàng dư thanh khoản, có ngân hàng thiếu thanh khoản vì sự mất cân đối này cộng với trục trặc trong hệ thống ngân hàng nên chưa cho phép hạ lãi suất. "Bước sang năm 2013, tình hình sản xuất của các DN có thể nói là tiếp tục chông gai vì vốn chưa thể giải quyết nhanh được, chưa có những đóng góp nhằm tạo sự chuyển biến dễ hơn.
Riêng về lạm phát thì vẫn ở mức một con số (dự đoán lạm phát ở khoảng 8%), tăng trưởng cũng bình thường. Có thể nói năm 2013 kinh tế không có sự chuyển biến mạnh, không thay đổi được tình thế”, ông Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nhận định.
Tập trung tái cơ cấu nền kinh tế
Chính vì thế trong năm con rắn, việc tháo gỡ các nút thắt về tồn kho, nợ xấu và tái cấu trúc nền kinh tế vẫn được đặt lên hàng đầu. Năm nay, cần cứu DN nhỏ lẻ nhưng theo DN lớn cần phải tái cấu trúc.
"Ứng cứu theo kiểu bơm tiền là rất khó vì nên vay mượn tiền ở đâu? Vấn đề ở chỗ nên tập trung cho tái cấu trúc vì DN Việt vừa nhỏ vừa khó nhằm tạo môi trường hồi sinh cho các DN đang rất yếu, tạo động lực mới cho sự phát triển cơ bản hơn. Tránh thiên lệch mục tiêu sang cấp cứu vì không thể tung nốt tiền tốt so với tiền xấu”, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam giải thích.
Năm 2013 tình hình thế giới có thể có khôi phục nhẹ, nhưng kinh tế châu Á có thể chưa khởi sắc, nếu không nói là khó hơn như các nền kinh tế lớn Trung Quốc và Ấn Độ tăng trưởng thấp chưa từng có 10 năm nay. Do đó, kinh tế Việt Nam cũng không thể có bước phát triển đột phá.
Bàn về giải pháp cho nền kinh tế năm 2013, GS. TS Khoa học Nguyễn Quang Thái nhấn mạnh: "Kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn nên vấn đề còn lại phụ thuộc vào sự điều hành kiên quyết của Chính phủ, có sự phối hợp chặt chẽ và linh hoạt thích hợp để thực hiện đúng, sát hợp các chính sách đã được Quốc hội quyết định, nhất là đẩy mạnh đồng bộ hơn quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng”.
Thực tế cho thấy, tái cấu trúc nền kinh tế về mặt vĩ mô và tái cấu trúc cơ cấu vốn về mặt vi mô của các DN mới giải quyết được khó khăn. Trường hợp giảm lãi suất nhưng DN có dư nợ quá cao thì gánh nặng vẫn tồn tại dai dẳng.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, song song với việc tái cấu trúc nền kinh tế thì nhiệm vụ xác định và chuyển hướng vai trò chủ đạo nền kinh tế cần phải được xem lại.
TS Phạm Đỗ Chí, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: "Theo tôi cần phải giải quyết vai trò chủ đạo của nền kinh tế trong đó, DN nhà nước phải nhường vai trò còn lại cho DN tư nhân, giảm thuế cho DN để DN tư nhân tập trung sáng kiến để vực dậy trong cơn sống còn khi đó lòng tin cho thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản mới được thiếp lập. Chừng nào vẫn còn mắc kẹt vai trò chủ đạo thì còn bi quan về cách giải quyết những điểm xấu cho nền kinh tế. Vì vậy, cái cảnh bo bo dồn chúng ta vào cảnh khó khăn cần phải thay đổi thực sự vào năm 86 thì triển vọng đổ vỡ tài chính vào năm 2013 và 2014 sẽ dồn giới hữu trách vào con đường duy nhất là giải quyết vai trò chủ đạo của các DN nhà nước”.
Ông Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam:
Giải quyết tồn kho cần tập trung tăng sức mua, giảm chi phí giá thành, cải tiến điều hành cho cung cầu gặp nhau. DN cần phải cơ cấu lại tránh vi phạm điều kiện vay của ngân hàng, ngân hàng nên nới rộng tín dụng cho vay trong đó, cho vay tiêu dùng với lãi suất thấp. Vì thực tế, giải quyết được hàng tồn kho thì vốn mới vào hoạt động sản xuất và kinh doanh. Riêng về nợ xấu, hiện nay có nhiều con số nói đến nợ xấu nhưng để có một con số thực thì hoàn toàn chưa có. Thiết nghĩ, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là phải công khai minh bạch nợ xấu để biết được nợ xấu đang ở đâu: ở bất động sản, chi tiêu thiên tai, xây dựng cơ bản hay là chi tiêu công…ở mức độ nào? Nếu thực hiện đồng loạt các giải pháp trên thì đến năm 2015 nợ xấu chỉ còn 3-4% trên tổng số dư nợ.
GS. TS khoa học Nguyễn Quang Thái:
Lúc này cần có sự đồng tâm hiệp sức của toàn dân để cùng nhau vượt qua khó khăn, tiếp tục thực hiện thắng lợi ba đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về thể chế, thực hiện cải cách hành chính, chống tham nhũng, lãng phí, … đưa đất nước tiếp tục đi mạnh vào quỹ đạo phát triển bền vững, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh hơn những năm tiếp theo. Bi quan, tiêu cực, than vãn lúc này không giải quyết được vấn đề mà chỉ làm khó thêm cho bước phát triển hiện nay của đất nước. Mỗi người, mỗi nhà, mỗi DN và các giới đồng bào chúng ta cần tự tìm ra các giải pháp đa dạng, thích hợp với hoàn cảnh cụ thể trong khuổn khổ pháp luật và điều kiện sản xuất kinh doanh, công tác, học tập…, cùng nhau khắc phục khó khăn, đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Tâm Luân
|
Thanh Giang
Đại Đoàn Kết
|