Trading theo phân tích kỹ thuật và những điểm nhấn trong năm 2012
Vốn được thiết kế để sử dụng trong những trường hợp bất ngờ nên chiến lược trading theo Gap của candlesticks phát huy hiệu quả lớn trong năm 2012, khi mà thị trường có nhiều xáo trộn.
Năm 2012 là một năm biến động và có rất nhiều sự kiện bất ngờ xảy ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này phần nào ảnh hưởng và ở một khía cạnh nào đó làm đảo lộn những chiến lược thông thường của giới đầu tư.
Nhóm MA không còn thực sự hiệu quả. Đây là nhóm chỉ báo luôn được giới phân tích đánh giá cao về khả năng dự báo thị trường, nhưng trong năm 2012 chưa đưa ra tín hiệu mua bán thực sự hiệu quả.
Nhóm chỉ báo này chỉ thực sự hiệu quả khi giá dịch chuyển ”từ từ” và không quá bất ngờ. Còn nếu có những phiên sụt giảm bất ngờ (thrust down) thì khả năng nhóm này báo hiệu trễ là rất cao, ngay cả khi chúng ta sử dụng các nhóm MA có số kỳ tính toán rất ngắn như MA 5 ngày, MA 10 ngày...
Quan sát 2 trường hợp điển hình vào tháng 05/2012 và tháng 08/2012, sự rơi mạnh đột ngột của VN-Index khiến cho tín hiệu bán của MA xuất hiện khá trễ; và nếu như nhà đầu tư bán ra theo tín hiêu này trong các phiên sau thì sẽ khó có thể đạt được hiệu quả cao.
Chiến lược trading theo Gap của candlesticks phát huy thế mạnh. Vốn được thiết kể để sử dụng trong những trường hợp bất ngờ nên chiến lược này phát huy hiệu quả lớn trong năm 2012 khi mà thị trường có nhiều xáo trộn.
Dựa trên nguyên tắc đi theo xu hướng thị trường ngay khi có các khoảng trống (gap) xuất hiện như runaway gap, breakaway gap..., chiến lược này thường xuyên cho ra các tín hiệu mua bán mang tính hiệu quả tức thời đi kèm với những ngưỡng cắt lỗ/mua lại cổ phiếu rõ ràng.
Nếu xuất hiện khoảng trống đi lên (up-gap) thì sẽ cho ra tín hiệu mua và ngưỡng cắt lỗ sẽ là cận dưới của khoảng trống. Nếu giá giảm trở lại và phá vỡ cận dưới này thì nên cắt lỗ.
Nếu xuất hiện khoảng trống đi xuống (down-gap) thì sẽ cho ra tín hiệu bán và ngưỡng mua lại cổ phiếu sẽ là cận trên của khoảng trống. Nếu giá tăng trở lại và phá vỡ cận trên này thì nên mua lại cổ phiếu để tránh bỏ lỡ cơ hội kiếm lời.
Thông thường, các khoảng trống sẽ xuất hiện khi có những biến động hoặc thông tin quan trọng phát sinh (breaking news). Vì vậy, gap trading đảm bảo cho nhà đầu tư không bị chậm trong việc ra quyết định mua bán.
Thanh khoản luôn báo hiệu trước sự phục hồi. Đây là một nguyên tắc khá cổ điển và được ứng dụng rộng rãi trên thế giới nhưng ít được giới đầu tư chú ý trong những năm trước đây.
Trong năm 2012, nguyên tắc này đã phát huy hiệu quả cao trong việc báo hiệu những đợt phục hồi quan trọng của thị trường.
Chúng tôi thường sử dụng EMA 20 ngày của khối lượng để nhận biết những tín hiệu cảnh báo sớm về sự thay đổi trong động lực tăng trưởng của thị trường. Khi khối lượng khớp lệnh vượt lên trên EMA 20 thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo cho một đợt tăng trưởng mới.
Trong hình bên dưới của VS 100, chúng ta có thể nhận thấy khối lượng đã gia tăng liên tục và cảnh báo từ rất sớm các đợt phục hồi của giai đoạn tháng 01-05/2012 và tháng 12/2012.
Vẫn là bài học cắt lỗ. Đây là nguyên tắc đã được nhắc lại nhiều lần qua các năm nhưng vẫn rất dễ phạm phải sai lầm.
Giới đầu tư chứng khoán nhiều kinh nghiệm thường xác định ngưỡng cut loss trước khi mua cổ phiếu; chứ không phải nghĩ đến giá sẽ lên cao đến mức nào và chờ thu hoạch.
Việc phòng ngừa rủi ro, cụ thể là một chiến lược cắt lỗ hợp lý khi những dự đoán trước khi mua bị đảo lộn là hết sức cần thiết.
Nguyễn Quang Minh, Phòng Nghiên cứu Vietstock
FFN
|