Nông sản chưa khai thác được thị trường Hàn Quốc
Mặc dù Hàn Quốc - một nước bảo hộ mạnh mẽ nền nông nghiệp trong nước - đã mở cửa cho một số mặt hàng rau quả của Việt Nam, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được hiệu quả.
Tại một hội thảo hôm 12-12 ở TPHCM do Ủy ban quốc gia Hợp tác kinh tế quốc tế và Trung tâm hỗ trợ hội nhập WTO TPHCM tổ chức, ông Chu Thắng Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), cho biết Hàn Quốc là nước có xu hướng bảo hộ nền nông nghiệp trong nước, nên quy định khá chặt chẽ về kiểm dịch rau quả tươi. Do đó, nước này chỉ cho phép nhập khẩu hoa quả tươi theo từng nước và xét theo từng loại quả, ngoài ba mặt hàng được cho phép nhập khẩu từ tất cả các nước trên thế giới, là dừa, dứa và chuối.
Tuy nhiên, với ba loại quả trên, trên thực tế, Việt Nam hầu như chưa xuất khẩu được sang Hàn Quốc do gặp khó khăn trong việc đảm bảo sự đồng đều về chất lượng của sản phẩm. Trong khi đó, một số nước và vùng lãnh thổ, như Philippines và Đài Loan, lại xuất khẩu mạnh các mặt hàng này sang thị trường thị trường Hàn Quốc.
Đối với các loại hoa quả khác, các nước muốn được cấp phép xuất khẩu sang Hàn Quốc phải trải qua 7-8 bước, chẳng hạn như cơ quan phụ trách của Hàn Quốc phải đến nước đó để kiểm tra nguyên liệu, các dịch bệnh trên hoa quả,….
Mục tiêu giữa Việt Nam và Hàn Quốc là đưa thương mại song phương lên 20 tỉ đô la trước năm 2015, nhưng mục tiêu này dự kiến có thể đạt được trong năm nay hoặc năm tới. Trong 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại song phương hai nước đạt trên 17,1 tỉ đô la Mỹ, trong khi đó cả năm 2011 là 17,8 tỉ đô la Mỹ, theo Tổng cục Hải quan.
Việt Nam và Hàn Quốc khởi động đàm phán FTA song phương tại Hà Nội vào ngày 6-8-2012 và đàm phán phiên thứ nhất vào ngày 3 đến 4-9 tại Seoul, Hàn Quốc.
Tính đến ngày 20-10-2012, Hàn Quốc là nước có đầu tư lớn thứ hai vào Việt Nam, sau Nhật Bản, với 3.134 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 24,4 tỉ đô la Mỹ. |
Hiện đã có thêm hai mặt hàng hoa quả Việt Nam được phép vào Hàn Quốc là thanh long (cấp phép trong năm 2011), và xoài (vào tháng 10-2012).
Đối với mặt hàng thanh long, sau 4-5 năm xem xét hồ sơ, Hàn Quốc cho phép Việt Nam xuất khẩu sản phẩm này sang thị trường Hàn Quốc, nhưng với điều kiện sản phẩm phải qua quá trình xử lý nhiệt. Yêu cầu này đã đội giá thành thanh long lên gấp 3-4 lần. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam hiện giờ vẫn đang cố gắng tìm cách thức phù hợp để tiếp cận thị trường Hàn Quốc.
Với mặt hàng gạo, Hàn Quốc được phép áp dụng hạn ngạch cứng. Hiện hạn ngạch này là 250.000 - 300.000 tấn/năm, nhưng hơn số lượng 200.000 tấn gạo trong hạn ngạch được dành cho một số nước, như Trung Quốc, Thái Lan, số còn lại được đưa ra đấu thầu.
Doanh nghiệp Việt Nam gặp khó với quy định về đấu thầu của Hàn Quốc. Quy định này yêu cầu đối tượng tham gia dự thầu là doanh nghiệp Hàn Quốc hoặc chi nhánh của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Các nhà đầu thầu của nước khác muốn tham gia phải thông qua các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Thêm vào đó, tỷ lệ đặt cọc thực hiện hợp đồng là 10% giá trị hợp đồng, trong đó doanh nghiệp Hàn Quốc chịu 3%, doanh nghiệp Việt Nam chịu 7%, nên gây rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu. Điều kiện giao nhận hàng cũng rủi ro. Ngoài ra, không phải doanh nghiệp nào của Việt Nam cũng đáp ứng được quy cách chất lượng gạo dự thầu theo yêu cầu của Hàn Quốc.
Từ hai năm trở về trước, Việt Nam không xuất khẩu gạo sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong năm 2011, 2012 đã có doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu được một lượng ít gạo sang thị trường này.
Hiện Việt Nam cũng xuất khẩu sắn lát sang Hàn Quốc. Tuy nhiên đây là mặt hàng mà Hàn Quốc bảo hộ chặt chẽ (thuế suất trong hạn ngạch 1-2 tấn/năm là 20%, ngoài hạn ngạch là 887,4%). Hàn Quốc cũng có cam kết hạn ngạch nhập khẩu sắn lát trong Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN – Hàn Quốc là 25.000 tấn sắn lát/năm.
Ngoài ra, nước này cũng có hạn ngạch quy định tự nguyện được điều chỉnh từng năm tùy theo nhu cầu thị trường trong nước. Lượng hạn ngạch này trong năm 2011 là 160.000 tấn và 200.000 tấn trong năm 2012. Hiện doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng hạn ngạch này, nhưng phải phụ thuộc nhiều vào đánh giá cung - cầu hàng năm của Hàn Quốc.
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sắn lát khô sang Hàn Quốc, trong khi sản phẩm có giá trị cao hơn là bột sắn thì Việt Nam chỉ xuất khẩu khoảng 1.000 tấn/năm – thấp hơn nhiều so với nhu cầu của Hàn Quốc. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Hàn Quốc với số lượng 148.538 tấn có giá trị trên 39 triệu đô la Mỹ.
Tại thị trường Hàn Quốc, hàng rau quả của Việt Nam cũng chịu cạnh tranh lớn từ Trung Quốc về giá. Do gần về khoảng cách địa lý, nên chi phí vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang Hàn Quốc thấp hơn.
Theo ông Trung, ngoài mặt hàng rau quả, doanh nghiệp Việt Nam cũng cho biết gặp khó khăn đối với thủy sản chế biến xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Cụ thể, đợt thanh tra trong tháng 2 và 3-2012 của Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (KFDA) cho thấy việc sản xuất cá bò khô tẩm gia vị nhập khẩu từ Việt Nam không đảm bảo chất lượng. Do đó, kể từ ngày 9-7-2012, chỉ còn 11/28 doanh nghiệp Việt Nam được tiếp tục xuất khẩu sản phẩm này sang Hàn Quốc.
Ông Trung cho biết thêm, thủy sản sẽ là một trong các mặt hàng ưu tiên trong đàm phán FTA song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã được bắt đầu vào tháng 9-2012 để có thể được hưởng ưu đãi hơn nữa. Hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đang lấy ý kiến của doanh nghiệp để đàm phán hiệp định.
Việt Nam cung cấp thủy sản chế biến lớn thứ hai vào Hàn Quốc
Việt Nam hiện xếp vị trí thứ hai trong số các nước trên thế giới xuất khẩu thủy sản chế biến sang thị trường Hàn Quốc và đứng thứ ba về xuất khẩu thủy hải sản, theo bà Trịnh Nam Phương, đại diện của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).
Trong năm 2011, Hàn Quốc nhập khẩu thủy sản chế biến với tổng giá trị trên 594 triệu đô la Mỹ, trong đó 145,5 triệu đô la Mỹ là nhập khẩu từ Trung Quốc, tiếp đến là Việt Nam với 90,2 triệu đô la Mỹ. Việt Nam đứng thứ ba trên thế giới về xuất khẩu thủy hải sản sang thị trường Hàn Quốc với tổng kim ngạch 477 triệu đô la Mỹ trong năm 2011, sau Trung Quốc (1,17 tỉ đô la Mỹ), và Liên bang Nga (661 triệu đô la Mỹ).
Việt Nam là nước cung cấp cá ngừ lớn thứ hai cho Hàn Quốc, sau Đài Loan. Đây cũng là thị trường tiêu thụ lớn thứ hai mực – bạch tuộc của Việt Nam, sau Nhật Bản.
Theo vị đại diện của VASEP, trước những rào cản kỹ thuật khắt khe của ba nước nhập khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam là Mỹ, EU và Nhật Bản, thì Hàn Quốc nổi lên là thị trường đầy tiềm năng cho thủy sản Việt Nam.
Bà Phương cho biết, trước nhiều rào cản mới được dựng lên ở các thị trường lớn như việc Nhật Bản liên tục tăng tần suất kiểm tra kháng sinh đối với tôm nhập khẩu, và Mỹ siết chặt kiểm soát an toàn vệ sinh thủy sản nhập khẩu, nhiều công ty xuất khẩu tôm của Việt Nam đã tính đến việc đẩy mạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc. Hiện tôm là mặt hàng chính mà Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Tuy nhiên, tại thị trường Hàn Quốc, hàng thủy sản của Việt Nam bị cạnh tranh từ thủy sản chế biến của Trung Quốc có giá rẻ hơn, và sản phẩm của Thái Lan có mẫu mã bắt mắt hơn.
|
T.Thu
TBKTSG
|