Chưa tính đến việc cấp hạn ngạch nhập khẩu đường
Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, năm 2013 hạn ngạch đường nhập khẩu là 74.000 tấn. Tuy vậy, do sản lượng đường sản xuất trong niên vụ mía đường 2012-2013 đáp ứng nhu cầu trong nước nên hiện vẫn chưa tính đến việc cấp hạn ngạch nhập khẩu đường.
Nông dân đang thu hoạch mía
|
Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Cục chế biến thương mai nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển (NN&PTNT) cho biết, sớm nhất phải đến tháng 8-2013, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương sẽ căn cứ trên tình hình cung cầu trong nước rồi từ đó mới tính đến việc cho doanh nghiệp nhập khẩu đường theo hạn ngạch đã cam kết hay không.
Ông Hòa cũng cho rằng, hạn ngạch nhập khẩu 2013 là cam kết còn Việt Nam cho phép doanh nghiệp nhập về hay không là một chuyện khác.
Năm 2010, hạn ngạch nhập khẩu đường được cấp là 300.000 tấn nhưng trên thực tế lượng đường nhập gần 252.000 tấn. Năm 2011, hạn ngạch được cấp là 250.000 tấn còn doanh nghiệp nhập về là gần 207.000 tấn.
Tính đến tháng 4-2012, có 26 doanh nghiệp gửi công văn lên Bộ Công Thương xin nhập khẩu đường theo hạn ngạch. Tổng lượng đường những doanh nghiệp này kiến nghị là gần 389.000 tấn trong khi hạn ngạch theo cam kết WTO là 70.000 tấn.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, lượng đường RE (đường tinh luyện hảo hạng) vào thời điểm đó của các nhà máy có số lượng hơn 479.000 tấn, thừa cho nhu cầu của 26 doanh nghiệp.
Tại hội nghị hợp tác sản xuất và tiêu thụ đường niên vụ 2012-2013 tổ chức vào đầu tháng 10-2012, đại diện các doanh nghiệp tiêu thụ đường lý giải, do giá đường trong nước cao hơn thế giới và giá cả không ổn định qua mỗi tháng nên xin nhập đường thay vì mua trong nước.
Lo ngại các doanh nghiệp lại tiếp tục xin nhập khẩu đường, Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết, niên vụ 2012-2013 lượng đường RE vào khoảng gần 490.000 tấn trong số 1,5 triệu tấn đường dự kiến sản xuất ra, đáp ứng dư nhu cầu tiêu thụ đường RE của các doanh nghiệp tiêu thụ đường nên kiến nghị cơ quan quản lý cần phải hạn chế nhập khẩu đường.
Tính đến 15-11, theo Cục chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối đã có 19 nhà máy đường đi vào sản xuất và sản xuất được 98.700 tấn đường, tăng 23.600 tấn so với cùng kỳ năm trước. Lượng đường tồn kho tại các nhà máy là 87.300 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước là 55.200 tấn.
Ngọc Hùng
tbktsg
|