Thứ Bảy, 08/12/2012 15:15

Cà phê: Thống kê xuất khẩu càng to, giá càng co?

Hình như đang quá bận rộn với thu hoạch, đồng áng nên nông dân chưa thực sự quan tâm đến chuyện bán cà phê ra. Vậy thì ai bán để giá sàn kỳ hạn rớt? Thống kê xuất khẩu của Tổ chức Cà phê Thế giới ra hàng tháng cho thấy con số vẫn còn lớn nên mất đà tăng chăng?

Giá robusta “cầm đèn chạy trước ô-tô”

Biểu đồ 1: Giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta London tuần qua (tác giả tổng hợp)

Thị trường cà phê nội địa vài nơi tại các tỉnh Tây Nguyên đã có dịp bùng lên cận mức 39.000 đồng/kg vào ngày thứ năm 6-12 khi sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE London cố gắng vượt qua mức 1.900 đô la/tấn từ mức thấp. Tuy nhiên, giá niêm yết sàn robusta đã co bớt lại vào khuya hôm qua thứ sáu 7-12. Giá đóng cửa cơ sở giao dịch tháng 1-2013 vào rạng sáng hôm nay chỉ ở mức 1896 đô la/tấn. Như vậy, so với cách đây một tuần, giá sàn robusta mất 18 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 1 phía trên). Nhưng ngược lại, cà phê nguyên liệu cuối tuần tại nhiều nơi chỉ còn mức 38.000-38.200 đồng/kg, bằng hay nhỉnh hơn tuần trước vài trăm đồng. Giá London rớt thế nhưng giá nội địa vững nói lên phần nào sức bán ra còn yếu từ Việt Nam như đã giải thích.

Trong tuần, Hội nghị Viễn cảnh Cà phê Quốc tế khu vực châu Á được tổ chức lần 18 tại TPHCM vừa bế mạc hôm qua thứ sáu 7-12-2012. Theo kinh nghiệm của một vài nhà xuất khẩu, họ cho rằng cứ mỗi lần có hội nghị là giá sàn giao dịch London khó có bất ngờ, thường đi xuống nhiều hơn đi lên. Giám đốc một công ty xuất khẩu lớn tại TPHCM giải thích rằng có thể do nhiều nhà kinh doanh xuất nhập khẩu và rang xay bận bịu tham gia, nghe ngóng tại hội nghị và chưa chịu mua bán.

Tuy nhiên, một nhà phân tích thị trường cho rằng đến nay ước chừng 60-65% vườn cà phê mới được thu hái, hầu hết nông dân đang “bận tay” với việc đồng áng nên chưa nghĩ đến chuyện bán ra. Như vậy, giá rớt trên sàn kỳ hạn robusta có khả năng do sức bán ra các hợp đồng kỳ hạn “hàng giấy” của lực lượng đầu cơ. “Những tay này đã mua hàng giấy trên sàn chứ không phải hợp đồng mua bán hàng thực (physicals), nay bán ra” tạo sức ép giảm giá mạnh hơn, nhất là khi chỉ có ít người mua trên sàn. Ông ta giải thích như vậy.

Vả lại, mấy hôm nay, cứ arabica chưa kịp xuống, là giá robusta đã tháo chạy như muốn “cầm đèn chạy trước ô-tô”. Dù giá niêm yết sàn arabica tuần qua tăng trên 3 cts/lb, tức chừng 70 đô la/tấn nhưng giá London lại đi nghịch chiều.

Trong kinh doanh cà phê, có một số người chỉ mua bán kỳ hạn, tức mua bán hàng giấy trên mạng. Những người thường tham gia thị trường bằng cách nghiên cứu các biểu đồ kỹ thuật và thanh lý hợp đồng mua bán trên mạng chỉ bằng tài chính và giấy tờ nên được gọi là hàng giấy (papers), họ không hề dính dáng gì đến hàng thực (physicals). Trong khi đó, một số người khác lại mua bán hàng thực tức có giao nhận các lô hàng cà phê hẳn hoi.

Số liệu xuất khẩu càng to, giá càng đáng lo

Báo cáo phát hành hàng tháng mới nhất của Tổ chúc Cà phê Thế giới (Internetional Coffee Organization – ICO) cho rằng trong tháng 10-2012, các nước thành viên đã xuất khẩu tổng cộng 8,8 triệu bao cà phê, tăng 17% so với cùng kỳ cách đây 1 năm. Điều đáng chú ý là chủng loại tăng mạnh nhất chính là robusta, đạt 3,54 triệu bao, tăng 52,7% trong khi arabica đạt 4,33 triệu bao, chỉ tăng 1,6%.

Tổng cục Thống kê nói rằng trong 2 tháng đầu niên vụ 2012-13, tức tháng 10 và 11-2012, ước nước ta xuất khẩu chừng 212.300 tấn cà phê, tăng so với cùng kỳ năm 2011 chỉ đạt 102.900 tấn, tăng 51,5%. Như vậy, tỉ lệ tăng của ICO và Tổng cục Thống kê khá trùng khớp dù ICO chưa báo kịp tháng 11.

Tồn kho robusta được sàn kỳ hạn Liffe NYSE chứng nhận chất lượng (certs) tính đến hết ngày 26-11-2012 theo báo cáo 2 tuần 1 kỳ giảm chỉ 90 tấn, đến nay còn 108.490 tấn, so với mức đỉnh kỷ lục thiết lập vào đầu tháng 7-2011 là 417.420 tấn. Qua các con số, tuy mới đầu vụ, có thể nói rằng do xuất khẩu robusta tăng mạnh trong những tháng đầu niên vụ 2012-13, tồn kho của sàn robusta London vì thế cũng đang giảm ít đi vì các hãng rang xay đã có thể mua được hàng trực tiếp từ các nước sản xuất, không thông qua sàn kỳ hạn.

Biểu đồ 2: Tồn kho cà-phê toàn nước Nhật (nguồn: NewE

Tồn kho cà phê trên toàn nước Nhật theo báo cáo mới nhất ra hàng tháng của Hiệp hội Cà phê Nhật, là nước tiêu thụ cà phê lớn nhất ở châu Á, tính đến cuối tháng 10-2012, giảm 5.831 tấn tức 4,5% chỉ còn 122.673 tấn. Nếu tính từ đầu năm 1994 đến nay, tồn kho cà phê nước Nhật có lúc ở mức thấp nhất vào tháng 1-1996 với chừng 50.000 tấn. Tồn kho đỉnh cao kỷ lục đạt mức chừng 155.000 tấn vào khoảng giữa năm 2011 (xin xem biểu đồ 2 phía trên).

Biểu đồ 3: Tồn kho arabica được sàn Ice New York chứng nhận (nguồn: NewEdge)

Trong khi đó, tồn kho được xác nhân arabica của sàn giao dịch Ice New York tăng hàng ngày. Tính đến sáng hôm qua, thứ sáu 7-12, tồn kho arabica này (certs) đạt 2.520.570 bao tương đương với 151.243 tấn (xin xem biểu đồ 3 phía trên). Từ mấy tuần nay, lượng tồn kho arabica được xác nhận luôn luôn tăng và ở mức cao hơn so với lượng tồn kho robusta được xác nhận.

Siêu bão Bopha đang tiến dần vào Việt Nam sau khi tàn phá miền Nam Philippines và đang trực tiếp đe dọa các vùng cà phê Việt Nam. Theo thông tin từ các nhà vườn, đến nay ước chừng 60-65% cà phê vụ mới đã được thu hoạch. Có nghĩa là vụ mùa mới đang trong giai đoạn đỉnh điểm của thu hái và phơi phóng. Nhiều người ngại nếu bão này chuyển sang áp thấp nhiệt đới, điều đó có thể ảnh hưởng xấu đến chất lượng, đặc biệt đến thử nếm.

Nguyễn Quang Bình

TBKTSG ONLINE

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp Việt giành lại vị thế về xuất khẩu cà phê (04/12/2012)

>   Giá gạo xuất khẩu giảm mạnh (04/12/2012)

>   Chưa tính đến việc cấp hạn ngạch nhập khẩu đường (30/11/2012)

>   Sản lượng lúa cả năm 2012 ước đạt 43,7 triệu tấn (29/11/2012)

>   Citigroup dự báo giá 17 hàng hóa quan trọng nhất thế giới năm 2013 (29/11/2012)

>   Hai khách hàng lớn của gạo Việt Nam muốn giảm nhập khẩu (28/11/2012)

>   Nông nghiệp: Mục tiêu tăng trưởng XK 8-10%/năm (28/11/2012)

>   Thị trường cà phê: Chưa muốn bán, chưa cần mua (28/11/2012)

>   Doanh nghiệp cà phê xin hỗ trợ (27/11/2012)

>   Giá cao su kỳ hạn Tokyo tăng mức cao nhất 4 tuần (27/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật