Cà phê giá thấp làm khó nhà vườn
Mùa thu hoạch cà phê tại 5 tỉnh Tây Nguyên đã sắp kết thúc nhưng các nhà vườn lại đứng trước hàng loạt nỗi lo. Từ giá cả, thời tiết thất thường, cây giống và cả cách chăm bón cho vụ tới.
Lợi nhuận thấp sẽ dẫn đến việc người dân bỏ bê vườn cây
|
Tổng hợp các nguồn tin cho thấy, diện tích cà phê cả nước (90% tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên) năm 2012 đã lên đến 614.545 ha so với 570.900 ha của năm trước và 500.000 ha theo định hướng quy hoạch đến 2015. Trong 11 tháng, toàn ngành đã xuất khẩu tổng cộng 1,6 triệu tấn, đem về kim ngạch 3,4 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Trồng cà phê sẽ lỗ?
Là nguồn thu nhập chủ lực, sự lên xuống của giá cà phê ảnh hưởng quyết định đến mọi sinh hoạt của người dân các tỉnh Tây Nguyên. Trong tháng 11, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được 122.000 tấn cà phê, thu về 261 triệu USD, tăng 19,6 % so với tháng 10 và tăng đến 71,8 % so với cùng kỳ năm trước.
Giá xuất khẩu cà phê vẫn được các doanh nghiệp ký theo hợp đồng kỳ hạn, ít nhất từ trước đó 3 tháng trở lên. Dù mức giá được xem là khá (trên 2.100 USD/tấn) song đáng buồn là từ giữa tháng 11, khi thu hoạch bắt đầu rộ thì giá thị trường thế giới cũng giảm. Đầu tháng 12, giá giao dịch tại thị trường London chỉ còn trên dưới 1.900 USD/tấn.
Trong nước, giá cà phê nhân của nhà vườn bán từ 40.000 đồng/kg đầu vụ, nay đang ở mức 38.000 - 38.500 đồng/kg (có ngày chỉ còn 37.200 đồng/kg). Giá này tương đương với mùa vụ năm 2010, nhưng số lượng xuất khẩu cho thấy, đa phần các hộ trồng cà phê đều bán nhanh. Lý do là bởi trước đó đầu tư cao nên nguồn vốn trong dân đã cạn, buộc phải bán để tái đầu tư. So với con số lạm phát năm 2011 xấp xỉ 20%, hiện đã được kéo xuống nhưng không nhiều, thì sản xuất cà phê đang cầm chắc từ hòa đến... lỗ.
Ngày 18/11, một trận mưa lớn bất thường đã làm ngập các lòng hồ trung tâm Tp.Bảo Lộc nhưng suốt 15 ngày sau, tại vùng này lại không có lấy một cơn mưa. Trong khi đó, cây cà phê mới thu hoạch đang cần được tưới mát để đâm chồi và hai tháng nữa sẽ đơm hoa cho vụ mới.
Năm nay, tại khắp các vùng trồng cà phê của Tây Nguyên, thời tiết thất thường, lúc nắng lúc mưa. Hậu quả là cây cà phê hút phân bón không đều nên trong cùng một vườn, nơi thì trái đã chín nhưng nơi vẫn còn xanh. Công nhân thu hoạch không thể đi suốt trái một lần dẫn đến ngày công thu hoạch phải rải dài.
Ông Nguyễn Văn Đầm, một chủ vườn gần 10 ha năng suất cao ở vùng trồng cà phê tập trung giáp huyện Bảo Lâm cho biết, tiền công hái cà phê đã tăng vọt. Năm 2010 là 120.000 đồng/ngày thì nay lên tới 170.000 đồng/ngày. Trong khi đó, lượng phân bón vẫn đứng ở mức cao (Urê là 10.000 đồng/kg). Lợi nhuận thấp sẽ dẫn đến việc người dân bỏ bê vườn cây.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) đã dự báo, sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2012-2013 sẽ sụt giảm 30%. Nguyên nhân chính là 25% diện tích cà phê cả nước đã quá già cỗi, cần được tái canh. Người thiếu vốn sẽ không có tiền mua cây giống mới hoặc ghép chồi mới.
Cần chính sách ưu đãi
Chủ tịch VICOFA cho biết, chủ trương mỗi tấn cà phê xuất khẩu phải trích lại 2 USD cho Quỹ bảo hiểm cà phê nhưng chỉ một số doanh nghiệp thành viên thực hiện. Số tiền này được trích 50-70% để hỗ trợ tái canh, 30% hỗ trợ lãi vay tạm trữ. Khảo sát cho thấy, niên vụ qua có đến 600.000 tấn cà phê đã “chảy” vào các doanh nghiệp FDI không phải là thành viên VICOFA.
Lãnh đạo tỉnh Đak Lak, nơi có diện tích cà phê lớn nhất cho biết, đã chỉ đạo các ngân hàng chuẩn bị 15.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay với lãi suất 11-12%, mua trọn 380.000 tấn cà phê trong niên vụ mới. Tuy nhiên, điều kiện để các nhà vườn được dễ dàng vay vốn với lãi suất thấp vẫn còn bỏ ngỏ.
Hiện việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh cho cây cà phê đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích do giảm độc hại, tăng năng suất và tạo sự bền vững cho đất đai. Khoảng 10.000 ha ở các vùng cà phê đạt tiêu chuẩn 4C và các chứng nhận VietGAP đã minh chứng điều này song việc nhân rộng kỹ thuật canh tác này không đơn giản.
Ông Đoàn Nam Sinh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Cổ phần Tam Nông cho biết, những nơi mua nhiều phân hữu cơ vi sinh của đơn vị về chăm bón đều bị thanh tra bảo vệ thực vật liên tục kiểm tra, trong khi các loại phân hóa học thì được mua bán dễ dàng.
Tại huyện Krong Buk (Đak Lak), nhiều chủ vườn cà phê cho biết, nếu chủ động được nguồn nước, tưới tiêu theo lịch thì trái đậu quả, chín đều và đỡ tốn công thu hoạch. Do vậy, quy trình kỹ thuật chăm sóc cây cà phê đang cần được đổi mới. Trong khi hoạt động khuyến nông, ngân hàng, đầu tư hạ tầng điện nước, sân phơi, thiết bị... chưa tương xứng với những thành quả mà người trồng cà phê mang lại thì những khó khăn của họ đang cần sự hỗ trợ đồng bộ của Nhà nước và doanh nghiệp.
Hưng Văn
tbktvn
|