12% lợi và hại
12% là mức lãi suất cho vay tối đa vừa được Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đề xuất trong báo cáo ngày 3.12. Theo Ủy ban, đây là lúc Chính phủ có thể hạ lãi suất huy động thêm 1 điểm phần trăm và khống chế trần cho vay đối với doanh nghiệp không vượt quá 150% lãi suất cơ bản - tức mức lãi suất 8% (hiện giờ vẫn là 9%).
Theo quy luật cung cầu, hệ quả của việc áp trần lãi suất cho vay là ngân hàng sẽ giảm lượng cho vay và lượng doanh nghiệp được vay cũng giảm đi.
|
Trước đó một tuần, báo cáo từ cuộc họp thường kỳ của Chính phủ cũng đã cho thấy định hướng xử lý lãi suất mới trên thị trường tài chính: áp trần lãi suất cho vay.
Trước đó, thông tư 14/2012 của Ngân hàng Nhà nước đã quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 4 lĩnh vực ưu tiên - nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, và cả ngành công nghiệp hỗ trợ. Lãi suất cho vay tối đa bằng trần lãi suất huy động cộng thêm 3 điểm phần trăm. Ngân hàng Nhà nước còn quy định thêm việc đưa các khoản vay cũ của các ngân hàng về mức 15% trong bối cảnh trần lãi suất huy động đã giảm đi khá nhiều.
Ông Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc Ngân hàng Eximbank, trong phát biểu trên một tờ báo kinh tế, cho biết ông ủng hộ việc áp trần lãi suất cho vay thay vì lãi suất huy động.
Trao đổi với NCĐT, Tiến sĩ Kinh tế Lê Hồng Giang cho biết, khi áp trần cho vay, các ngân hàng buộc phải chọn lựa kỹ khách hàng để giảm thiểu rủi ro. Vì họ không thể cho vay quá mức trần với những khoản vay có mức rủi ro cao. Về lâu dài, họ cũng đều phải cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động để duy trì lợi nhuận trong bối cảnh cạnh tranh về lãi suất đầu vào và cố định lãi suất đầu ra. Kết quả: chi phí trung gian - có thể xem như chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và lãi suất đầu ra - sẽ giảm dần, có lợi cho nền kinh tế.
Ý kiến của ông Giang chỉ đúng khi có 2 điều kiện. Thứ nhất, xác định được mức độ rủi ro của các khoản vay. Như vậy các ngân hàng phải có một hệ thống quản trị rủi ro nội bộ gắt gao và Ngân hàng Nhà nước phải giám sát nghiêm ngặt hoạt động cho vay của họ.
Điều kiện thứ hai là Ngân hàng Nhà nước không phân biệt đối xử đối với các ngân hàng thương mại. Mặt khác, theo quy luật cung cầu, hệ quả của việc áp trần lãi suất cho vay là ngân hàng sẽ giảm lượng cho vay và lượng doanh nghiệp được vay cũng giảm đi. Đây cũng là nhận định của nhóm công tác ngân hàng tại Diễn đàn doanh nghiệp 2012, khi bàn về việc áp trần lãi suất cho vay theo thông tư 14/2012. Theo nhóm này, đây chỉ là biện pháp hành chính, dễ dẫn đến rủi ro. Lý do là ngân hàng “sẽ ít khả năng thu được đủ mức lợi nhuận tương ứng với mức rủi ro phải gánh chịu”. Nhóm còn cho rằng thông tư trên đã khiến cho các ngân hàng không thể thực hiện được việc định giá khoản vay theo mức rủi ro tương ứng.
Vì vậy, nếu trần lãi suất cho vay được áp dụng và thực hiện một cách nghiêm túc, sẽ chỉ có những dự án có mức rủi ro tương ứng với mức lãi suất thấp hơn 15% mới được vay.
Trong 3 năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước đã loay hoay với việc áp trần lãi suất. Và chính sách trần lãi suất dường như đã không có hiệu quả.
Cuối năm 2010, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư 02/2011 quy định trần lãi suất huy động ở mức 14%. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại nhỏ đã lách luật, huy động động cao hơn, khiến các ngân hàng khác cũng phải tham gia, dẫn đến việc lãi suất huy động có lúc đã lên đến mức 20%.
Hiện nay, các ngân hàng đã dư thừa tiền mặt, lãi suất huy động được neo ở mức 9%, nhưng lãi suất cho vay trung và dài hạn vẫn đang phổ biến ở mức 16,5% đối với ngân hàng thương mại nhà nước và 17,5% đối với ngân hàng thương mại cổ phần trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường. Sự chênh lệch khá cao này là lý do khiến Chính phủ đang cân nhắc thiết lập một mức trần cho vay, có thể sẽ thực hiện vào đầu năm 2013. Nhưng hiệu quả của trần lãi suất cho vay vẫn còn là một dấu hỏi.
Thanh Phong
Nhịp cầu đầu tư
|