Nợ xấu là một trong những vấn đề được dư luận và cả nền kinh tế quan tâm nhất hiện nay. Trên các phương tiện thông tin truyền thông, chủ đề về nợ xấu và tái cấu trúc ngân hàng xuất hiện dày đặc. Và cả trong các phát biểu của các quan chức và tại Quốc hội, nợ xấu cũng thường xuyên được nhắc đến trong suốt một thời gian dài.
Để có cái nhìn toàn cảnh về vấn đề nợ xấu và cô đọng lại những diễn biến trong thời gian qua, mời các nhà đầu tư cùng độc giả đón đọc chuỗi bài viết phản ánh hiện trạng, nguyên nhân của nợ xấu hiện nay; những khó khăn trong việc xử lý vấn đề này và những đề xuất về mô hình quản lý nợ xấu đối với Việt Nam.
Kỳ 3:
Những rào cản trong việc xử lý nợ xấu ở Việt Nam
Chỉ có xử lý nợ xấu một cách rốt ráo và tái cấu trúc lại toàn bộ hệ thống tài chính mới có thể khơi thông được dòng chảy tín dụng và giúp cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu là một vấn đề hết sức phức tạp. Phức tạp không chỉ ở vấn đề kỹ thuật mà còn ở chỗ Việt Nam liệu đã sẵn sàng xử lý nợ xấu hay chưa.
Hiện tại, Việt Nam đã có công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC). Đây là công ty thuộc Bộ Tài chính và chức năng chính của nó là xử lý nợ xấu cho các doanh nghiệp nhà nước. Tính đến ngày 31/12/2010, DATC có vốn chủ sở hữu là 2,616 tỷ đồng. Từ năm thành lập 2004-2011 DATC chỉ xử lý được tổng khoản nợ theo giá trị sổ sách của các khoản nợ là 7,427.9 tỷ đồng. Trong số đó đến nay mới thanh lý và thu được một phần trong khoản nợ trị giá 2,323 tỷ đồng. Mới đây cơ quan thanh tra của Chính phủ cho rằng DATC “trốn mua nợ”, mang 2,000 tỷ đồng gửi ngân hàng, không những vậy nhiều khoản nợ của DATC đứng trước nguy cơ mất vốn.
Như vậy, với kết quả nghèo nàn đó thì việc xử lý nợ hàng trăm nghìn tỷ đồng là nhiệm vụ bất khả thi đối với DATC. Ngoài DATC thì hiện tại rất nhiều ngân hàng thành lập công ty xử lý nợ xấu cho riêng mình. Tuy nhiên, kết quả xử lý nợ xấu của các công ty trực thuộc ngân hàng hết sức khiêm tốn. Do vậy, có thể nói với năng lực hiện tại của DATC và các công ty mua bán nợ xấu của các ngân hàng sẽ không đủ khả năng xử lý số nợ xấu hiện nay đã lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Vào đầu tháng 11, NHNN cho biết là sẽ trình Chính phủ đề án thành lập một Công ty quản lý tài sản (AMC - Asset Management Company) nhưng cho đến nay đã qua thời hạn nêu trên mà vẫn chưa có đề án xử lý nợ nào được đệ trình. Còn, nếu tính từ khi ý tưởng thành lập đề án xử lý nợ xấu thì cho đến nay đã hơn một năm. Điều này cho thấy việc thành lập một công ty mua bán nợ không hề dễ dàng.
Về mặt kỹ thuật, Việt Nam có thể học hỏi từ các nước đi trước tuy nhiên do tính đặc thù xử lý nợ xấu đối với Việt Nam sẽ gặp vô vàn khó khăn phải vượt qua. Những rào cản này có thể xét đến như sau:
1. Thiếu khung pháp lý tạo điều kiện cho việc xử lý nợ
Một trong những rào cản lớn đối với việc xử lý nợ xấu là Việt Nam đang thiếu một khung pháp lý hoàn thiện cho việc mua bán và xử lý nợ. Hiện nay, các khung pháp lý cho hoạt động của một công ty mua bán nợ vẫn hết sức “sơ khai”. Để công ty xử lý nợ hoạt động rất có thể Quốc hội phải thông qua một bộ luật liên quan, hoặc ít ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải thông qua Pháp lệnh để làm khung pháp lý cho việc xử lý nợ.
Tuy nhiên, ngay cả khi có có khung pháp lý thì còn các rào cản khác, chẳng hạn như hệ thống tòa án hiện nay làm việc kém hiệu quả làm cho việc kiện tụng tranh chấp kéo dài và chi phí tốn kém. Do vậy, chủ nợ rất khó thu hồi nợ và chi phí vô cùng tốn kém.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần thêm một loạt các quy định kèm theo như việc khung pháp lý cho việc định giá các khoản nợ, chứng khoán hóa các khoản nợ, hoạt động của thị trường mua bán chứng khoán nợ. Việc thiếu các khung pháp lý cơ bản khiến cho một công ty mua bán nợ rất khó hoạt động với quy mô lớn.
2. Thiếu nguồn nhân lực phục vụ cho việc xử lý nợ
Việc xử lý nợ đòi hỏi trước hết phải định giá được các khoản nợ, sau khi mua phải lên các phương án xử lý như bán tài sản thế chấp hay tiếp tục bơm vốn giúp doanh nghiệp hoạt động và thu hồi nợ sau đó… Để làm được điều này đỏi hỏi phải có một đội ngũ chuyên gia hùng hậu để tham gia vào tất cả các quá trình trên.
Hiện nay, nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài chính và quản trị của Việt Nam khá lớn tuy nhiên nhân sự cấp cao thì vẫn “như lá mua thu”. Không những vậy việc tập hợp nguồn nhân lực chất lượng cao này thành một “đội” cũng không hề dễ dàng.
Như vậy, Việt Nam có thể học hỏi từ kinh nghiệp và mô hình xử lý nợ xấu ở nước ngoài. Tuy nhiên, nguồn nhân lực để thực thi các công việc lại không hề dễ dàng.
3. Nhóm lợi ích khó chấp nhận “mất của”
Theo báo cáo của NHNN thì tài sản thế chấp có giá trị bằng 135% giá trị khoản nợ. Tuy nhiên, ngân hàng không thể bán lại khoản nợ bằng đúng giá trị sổ sách. Kinh nghiệm thực tế ở các quốc gia cho thấy công ty mua bán nợ thường chỉ mua lại khoản nợ với giá bằng 20-50% giá trị sổ sách tùy thuộc vào chất lượng nợ và chất lượng tài sản thế chấp.
Hiện nay, phần lớn ngân hàng không báo cáo trung thực về tình hình nợ xấu và cũng chưa trích lập dự phòng đầy đủ các khoản nợ xấu. Do vậy, khi bán nợ ngân hàng sẽ bị thua lỗ rất lớn. Chẳng hạn với nợ xấu 202 nghìn tỷ đồng, thì với tỷ lệ chiết khấu 50% thì ngân hàng chỉ bán được với giá 101 nghìn tỷ đồng. Hệ thống ngân hàng sẽ mất đi 101 nghìn tỷ đồng - Con số này lớn gấp đôi với lợi nhuận của hệ thống ngân hàng năm 2011. Như vậy, nếu bán nợ đồng nghĩa với nhiều ngân hàng sẽ thua lỗ và mất vốn.
Đây là một cái giá rất khó chấp nhận đối với các ông chủ ngân hàng, cổ đông …. Ông chủ có thể mất kiểm soát ngân hàng của mình và có thể mất luôn cả những doanh nghiệp liên quan. Đối với NHTM nhà nước thì nếu thua lỗ lớn nhiều khoản vay sẽ bị phanh phui, sinh mệnh nhiều lãnh đạo ngân hàng bị tiêu tan. Các nhóm lợi ích ngân hàng cũng khó chậm nhận sự mất mát này.
Đối với doanh nghiệp phải thanh lý, phải phá sản cũng là một quyết định không dễ dàng. Đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhà nước, thậm chí tập đoàn và công ty phải chấp nhận thanh lý tài sản bị phá sản đồng nghĩa với chấp nhận sự thất bại. Con đường sự nghiệp của những người “quan chức” pha lẫn doanh nhân, thậm chí cả những người cấp cao hơn họ cũng tiêu tan. Đây là một cái giá quá đắt khó chấp nhận và cũng là rào cản lớn nhất đối với quá trình xử lý nợ xấu ở Việt Nam.
4. Tiền đâu xử lý nợ xấu?
Một rào cản khá lớn khác là nguồn tài chính tài trợ cho công ty mua bán nợ. Con số ước tính của NHNN cho thấy có thể cần 100,000 tỷ đồng để mua nợ xấu. Cũng có con số lạc quan cho rằng chỉ cần 20,000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa ai trả lời được việc lấy nguồn tiền này từ đâu?
Giải pháp khả dĩ nhất là tiền từ ngân sách. Tuy nhiên, với số tiền quá lớn đó thì chắc chắn phải thông qua sự phê chuẩn của Quốc hội. Để được Quốc hội thông qua thì là là một điều không dễ dàng vì thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong nhiều năm qua đã quá lớn. Việc chứng minh sự hiệu quả, công bằng, minh bạch và cần thiết để bỏ ra hàng chục nghìn tỷ đồng mua nợ là một nhiệm vụ rất khó đối với Chính phủ.
Giải pháp được nhiều người đề cập là bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước để lấy tiền xử lý nợ. Đây là một giải pháp đúng đắn về mặt kinh tế và có thể rất hiệu quả. Ngoài ra, giải pháp này cũng được nhiều nhà kinh tế ủng hộ. Tuy nhiên, đặt trong mối quan hệ tổng thể tình hình hiện nay thì đây là một giải pháp rất khó được thực hiện.
Tóm lại: Trên đây là một số rào cản đối với việc xử lý nợ xấu của Việt Nam. Vượt qua được những rào cản này là một vấn đề không dễ dàng trong bối cảnh hiện này. Trong đó rào cản lớn nhất đó chính là “nhóm lợi ích”. Đây là rào cản của mọi rào cản. Chính có một quyết tâm chính trị đủ lớn, đủ mạnh thì Việt Nam mới xử lý được nợ xấu.
Đọc thêm:
* Kỳ 1: Nợ xấu Việt Nam: Những con số đầy ma thuật
* Kỳ 2: Tại sao nợ xấu của Việt Nam ở mức cao?
* Kỳ 4: Đề xuất mô hình xử lý nợ cho Việt Nam (Đón đọc)
Huỳnh Bá (Vietstock)
ffn
|