Xử lý nợ xấu: Không dồn hết cho Chính phủ
Dù việc thành lập một cơ quan xử lý nợ xấu chuyên biệt trực thuộc Chính phủ là cần thiết, cơ quan này sẽ chỉ xử lý một phần nợ xấu của các nhà băng.
Từ chuyên biệt…
Khi đưa ra gợi ý trên, PGS-TS Tô Ngọc Hưng trong bài viết mới đây cho rằng, cơ quan xử lý nợ xấu chuyên biệt trực thuộc Chính phủ (có thể ủy quyền cho NHNN quản lý) nên tập trung vào xử lý nợ xấu của các tập đoàn, DNNN tại các NHTM. Ở hướng này, việc xử lý có thể được thực hiện theo phương thức đầu tiên là xóa nợ thông qua việc thay thế bằng các trái phiếu do Chính phủ phát hành.
Dẫn mô hình của Hungary, vị giám đốc Học viện Ngân hàng (HVNH) cho rằng, NHNN có thể cho phép các NH chuyển các khoản nợ xấu hoặc nợ cũ sang trái phiếu kỳ hạn 20 năm. Cơ quan chuyên biệt xử lý nợ sẽ dùng trái phiếu Chính phủ để đổi lấy các khoản nợ xấu được coi là các khoản nợ lớn và quan trọng. Cơ quan này có quyền bán các khoản nợ xấu hoặc tham gia vào quá trình tái cấu trúc các DN không có khả năng trả nợ.
Ở phương thức thứ hai, TS Tô Ngọc Hưng cho hay, có thể thực hiện hoán đổi các khoản nợ của tập đoàn kinh tế và DNNN với các NHTM cho vay (gồm cả các NHTM cổ phần và NHTM có vốn Nhà nước chi phối) thành vốn cổ phần. Sở hữu Nhà nước theo đó sẽ gia tăng trong một số NHTM. “Điều này tuy tốn chi phí, nhưng sẽ tạo thuận lợi cho NHNN trong chỉ đạo việc hợp nhất, sáp nhập các NHTM phục vụ quá trình tái cơ cấu hệ thống NH” – tác giả bài viết đưa quan điểm.
Dù có hai phương thức xử lý, nguồn vốn của cơ quan quản lý nợ xấu chuyên biệt trên nên hình thành từ việc phát hành trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh. Đề cập đến tính khả thi trong việc hoàn trả các khoản nợ trái phiếu được bảo lãnh bởi Chính phủ theo gợi ý trên, tác giả cho rằng, thực tế hoạt động của NHTM nếu được tái cấu trúc thành công và kinh doanh trong một môi trường thuận lợi sẽ tạo lượng lợi nhuận rất lớn và điều này được chứng minh trong giai đoạn từ 2005 đến 2009.
…đến từng nhà băng
Ngoài một cơ quan chuyên biệt, các cơ quan quản lý tài sản của các NHTM cũng có thể chủ động xử lý các khoản nợ xấu của mình, với điều kiện có tài sản đảm bảo. Đưa ra khuyến nghị này, PGS-TS Tô Ngọc Hưng dẫn cơ sở các NHTM hiện trích lập dự phòng tín dụng 70.000 tỉ đồng, trong đó 84% số nợ xấu có tài sản đảm bảo với giá trị tài sản đảm bảo tương đương 130% giá trị các khoản nợ và đa phần là bảo đảm bằng BĐS.
Song để thực hiện đường hướng xử lý này, cần có một cơ chế hợp lý mà theo tác giả đề xuất, phải đảm bảo được 5 nguyên tắc chính. Theo đó, các NHTM bắt buộc phải sử dụng dự phòng để xử lý những khoản vay đối với các DN tư nhân mà không có tài sản bảo đảm hoặc có tài sản bảo đảm nhưng sụt giảm nghiêm trọng giá trị hoặc tranh chấp pháp lý quá phức tạp. Đảm bảo nguyên tắc tách biệt hoạt động xử lý nợ xấu và hoạt động kinh doanh, tất cả các NHTM có nợ xấu bắt buộc phải thành lập Cty quản lý nợ (AMC).
Các AMC trực thuộc NHTM theo đó sẽ mua lại toàn bộ các khoản nợ xấu và căn cứ theo mức độ rủi ro của các khoản nợ, giá trị thực của tài sản bảo đảm để phát hành ra các loại trái phiếu. Khi phát hành, AMC có thể chia trái phiếu thành các loại khác nhau tương ứng với các nhóm nợ 3, 4 hay 5 và mỗi loại có mức lãi suất khác nhau, nhưng tối thiểu phải cao hơn lãi suất tiền gửi cùng kỳ hạn. Số tiền thu hồi sẽ được chuyển cho NHTM để phục vụ việc cho vay các hoạt động kinh doanh, sản xuất.
PGS-TS Tô Ngọc Hưng cho hay, đây là một dạng của phương thức chứng khoán hóa các khoản vay có bảo đảm. Song để thực hiện được việc này, Chính phủ nên thực hiện bảo lãnh với các trái phiếu trên, đồng thời thành lập cơ quan quản lý bất động sản trực thuộc Chính phủ để quản lý các bất động sản trong trường hợp Chính phủ phải thực hiện chi trả bảo lãnh cho các trái phiếu. “Chỉ với sự bảo lãnh của Chính phủ, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế mới thấy được sự hấp dẫn từ các loại trái phiếu trên” - Giám đốc HVNH nhìn nhận.
Theo TS Tô Ngọc Hưng, việc xử lý nợ xấu vận dụng các kinh nghiệm quốc tế, nhưng cũng phải tính đến điều kiện của VN trong giai đoạn hiện nay là (1) kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định; (2) hoạt động cho vay phần lớn dựa trên tài sản bảo đảm là bất động sản, trong khi thị trường bất động sản chỉ có thể phục hồi trong trung hạn; (3) xử lý nợ xấu không được gây tổn thất quá lớn cho Chính phủ và bản thân các NHTM.
|
Văn Nguyễn
lao động
|