“Nửa giải Nobel” và trách nhiệm điều hành
TS Phạm Đỗ Chí – nguyên chuyên gia cao cấp của IMF đã dành riêng cho DĐDN cuộc trao đổi độc quyền về một số thông tin mà Thống đốc NHNN vừa trả lời trước QH.
* Thống đốc Ngân hàng 'xin nhận một nửa giải Nobel'
Biểu đồ tăng trưởng GDP , chỉ số lạm phát, biến động tỷ giá VND/USD từ 2009-2011
|
“Theo phát ngôn của Thống đốc NHNN, có thể thấy ông rất khiêm tốn khi chỉ muốn nhận một nửa Giải Nobel Kinh tế nếu xử lý được cùng lúc “bộ ba vấn đề bất khả thi” do ông nêu ra dưới đây. Tuy nhiên, ở góc nhìn chuyên gia thường xuyên thảo luận về kinh tế học vĩ mô, tôi hơi ngạc nhiên với bộ ba các vấn đề “bất khả thi” mà Thống đôc đã nêu, bao gồm 3 mục tiêu kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng và ổn định tỷ giá. Bởi lý thuyết bộ ba bất khả thi nổi tiếng mà các kinh tế gia Robert Mundell và Marcus Fleming phát triển trong những năm 1960 nguyên thủy là bao gồm ba mục tiêu khác hẳn: Ổn định tỷ giá cố định, Tự do hóa dòng vốn, và Chính sách tiền tệ độc lập – là những vấn đề nền tảng cho kinh tế học vĩ mô của một nền kinh tế mở - không thực hẳn tương đồng hay có hàm nghĩa tương đương với các vấn đề mà Thống đốc đã nêu, có thể do lầm lẫn lúc phát biểu.
Hơn nữa, 3 vấn đề tưởng chừng bất khả thi theo quan điểm của Thống đốc, trong thực tế, vẫn có thể được triển khai gần như song song trong bất cứ nền kinh tế nào, nhưng do những đặc thù nội tại của nền kinh tế VN, sẽ nên được tính toán trong trung hạn với lộ trình khoảng 2-3 năm để đạt đến mục tiêu.
Cụ thể, để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô bao gồm đặc biệt việc kiềm chế lạm phát, điều đầu tiênThống đốc nên quyết liệt tránh việc tăng dàn trải khối tiền tệ tín dụng hàng năm, lập lại trật tự của hệ thống NH và thực thi chính sách tiền tệ trong định hướng ưu tiên tái lập cơ chế thị trường. Cần sớm bỏ trần lãi suất huy động và lãi suất cho vay để có tiếng nói thị trường thực sự và điều này hoàn toàn nằm trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của NHNN. Hiện, nợ xấu đang được xem là vấn đề số 1 cần được xử lý của hệ thống NH. Tuy nhiên, Thống đốc cần phải đặt ra câu hỏi và có đáp án chắc chắn rằng: Liệu thành lập một Cty Mua bán nợ cấp Quốc gia, trong tình trạng ngành kinh doanh NH đang nhiều rủi ro về đạo đức, số liệu ảo, sở hữu chồng chéo, sẽ có thể giải quyết dứt điểm vấn đề nợ xấu và vấn đề đó sẽ không trở lại trong vài ba năm tới? Nói cách khác, nợ xấu chỉ là “ngọn” của vấn đề. Cái “gốc” là các vấn đề quản trị rủi ro của hệ thống NH, sổ sách không minh bạch... thì giải quyết nợ xấu lúc này trước khi tái cơ cấu hệ thống NH, liệu sẽ đảm bảo giải quyết rốt ráo mọi vấn đề? Hơn nữa lạm phát chỉ có thể được giải quyết căn bản trên hoạt động của một hệ thống NH lành mạnh, một chính sách tiền tệ thực sự theo cơ chế thị trường, kết hợp với một chính sách tài khóa chặt chẽ phù hợp, hoàn toàn nhất quán với một mục tiêu lạm phát kỳ vọng chỉ bằng ½ mục tiêu chúng ta đang đặt ra hiện nay.
Trở lại vấn đề vĩ mô, do áp lực phải kiềm chế lạm phát nên tăng trưởng của nước ta đang tương đối chững lại trong hai năm qua. Nhưng để một nền kinh tế có thể lấy lại tăng trưởng và bền vững ở mức 7-8%, trong khi lạm phát chỉ dưới 6% như trước 2007, căn bản chính sách tiền tệ vẫn phải có mục tiêu điều hành hợp lý. Hiện nay, trong chính sách điều hành tiền tệ cuối năm 2012 và đầu năm 2013 như loan báo, NHNN chưa nhắc đến một chính sách tiền tệ cụ thể và thích hợp để vừa kiềm chế lạm phát, vừa cởi trói cho hoạt động sản xuất, giảm hàng tồn kho, tăng khả năng tiếp cận tín dụng và quan trọng là hỗ trợ nâng cao vai trò khu vực tư doanh – động cơ của sản xuất và chiếm hơn 50% GDP của nền kinh tế. Ở đây, việc ấn định tốc độ tăng trưởng tiền tệ và tín dụng hợp lý tính ra từ các mục tiêu tăng trưởng GDP, lạm phát và cán cân thanh toán cho năm 2013 cần được tính toán và thông báo, song song với hoạt động điều hành theo cơ chế thị trường sẽ tạo ra hệ quả mong đợi là ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo động lực cho tăng trưởng – 2 trong 3 vấn đề tưởng chừng bất khả thi.
Cuối cùng, vấn đề mà Thống đốc tưởng chừng bất khả thi thứ 3 về tỷ giá, từ sự ổn định và đã đạt được 2 mục tiêu nói trên, hoàn toàn có thể ổn định và tương hỗ cho nhau. Tại VN do lạm phát hàng năm, vẫn còn cao hơn nhiều một số đối tác thương mại trên trường quốc tế. Do đó, việc chấp nhận trượt giá đều đồng VN trong khoảng 1-3%/ năm là chấp nhận được (như đã làm trước 2007) như ổn định tỷ giá tương đối, qua đó cũng là để bảo vệ sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu. Điều này tưởng chừng liên quan đến thị trường vàng nhưng thực tế lại chưa hẳn. Nếu vĩ mô ổn định, không lạm phát cao, tăng trưởng bền vững, vàng hay ngoại tệ sẽ không còn là lựa chọn của người dân và theo đó vị thế đồng VN được nâng cao, đương nhiên tỷ giá sẽ ổn định mà không cần thiết phải “đóng khung” hành chính cho tỷ giá cố định như NHNN đang “mê say” theo đuổi với việc cho độc quyền vàng miếng SJC để “ổn định thị trường vàng” hay “bất chấp việc liên thông với giá vàng quốc tế” - một sự thay đổi 180 độ gây bao ngỡ ngàng so với chính sách mà chính NHNN tuyên bố chỉ cách đây vài tháng!!!
Nói một cách lạc quan trong mầu hồng như chính tinh thần của Thống đốc trong kỳ họp QH, chúng ta có quyền kỳ vọng những gì tưởng chừng bất khả thi về chính sách vẫn có thể khả thi trong hiện thực của ngày mai. Tuy nhiên, với những chính sách của thì hiện tại, chúng ta khoan mơ tới nửa giải Nobel Kinh tế mà chỉ cần thay đổi và áp dụng những chính sách tiền tệ và tài khóa căn bản của khóa học kinh tế nhập môn, đã đủ để đưa nền kinh tế đất nước vượt qua những khó khăn hiện tại. Mong lắm thay!”.
Lê Mỹ
diễn đàn doanh nghiệp
|