Thứ Sáu, 16/11/2012 10:57

Dấu hỏi ở ngân hàng Navibank

Bản giải trình về việc công bố có lãi, nhưng kết quả thanh tra làm rõ thực tế là lỗ, thậm chí không còn vốn điều lệ của Navibank còn những điểm chưa thực sự sáng tỏ.

Theo Thanh tra NHNN, vốn chủ sở hữu thực của NVB chỉ còn lại 2.513 tỷ đồng

Ngày 14/11/2012, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công khai bản giải trình của Ngân hàng TMCP Nam Việt (NVB) trước việc báo chí đưa tin ngân hàng này báo cáo có lãi, nhưng qua kết quả thanh tra làm rõ thực tế là lỗ, giảm vốn điều lệ, thậm chí không còn vốn điều lệ. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh và bản giải trình của NVB còn những điểm chưa thực sự sáng tỏ.

Theo báo cáo tài chính quý III/2012 của NVB, tính đến 30/9, NVB có vốn điều lệ 3.010,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới đây, theo kết quả thanh tra từ Ngân hàng Nhà nước thì NVB nằm trong danh sách các ngân hàng có vốn điều lệ dưới mức quy định tối thiểu (3.000 tỷ đồng). Cụ thể, sau khi yêu cầu NVB phải trích lập dự phòng rủi ro bổ sung vì nợ xấu tăng, tài sản đảm bảo chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, dự phòng các khoản tiền gửi liên ngân hàng…, vốn chủ sở hữu thực của NVB chỉ còn lại 2.513 tỷ đồng.

Trong giải trình ngay sau đó, Tổng giám đốc NVB Nguyễn Giang Nam không phủ nhận con số này. Tuy nhiên, theo NVB thì Ngân hàng đã có hướng khắc phục và cải thiện dần tình trạng hiện nay. Cụ thể, NVB đã triển khai các giải pháp như giảm được một số khoản nợ xấu nhờ tăng cường thu nợ, phối hợp với khách hàng hoàn tất thủ tục pháp lý liên quan đến tài sản đảm bảo, yêu cầu khách hàng bổ sung thêm tài sản đảm bảo, mời đơn vị định giá độc lập để định giá lại tài sản đảm bảo làm căn cứ và trích lập dự phòng rủi ro bổ sung… Kết quả, số dự phòng rủi ro bổ sung của NVB đã giảm so với số dự phòng rủi ro theo kết luận của Cơ quan Thanh tra, giám sát và vốn chủ sở hữu của Ngân hàng đến 30/9/3012 là 3.027 tỷ đồng, cao hơn 27 tỷ đồng theo vốn pháp định tối thiểu. Con số mà Tổng giám đốc NVB đưa ra trong bản giải trình này có chuẩn xác hay không? Ai có đủ thẩm quyền xác nhận con số này là thực vẫn còn là câu hỏi ngỏ khi kết luận của Cơ quan thanh tra được đưa ra trước đó ít ngày đã không ghi nhận con số này.

Trong một lo ngại khác, NVB là 1 trong 4 ngân hàng trong diện phải tái cơ cấu trong năm nay vì quy mô nhỏ bé và thanh khoản yếu kém. Theo Ngân hàng thì NVB sẽ tự tái cấu trúc chứ không sáp nhập với ngân hàng nào. Đến nay, phương án tái cấu trúc của NVB vẫn trong vòng bí mật, chưa có thông tin gì được hé lộ. Mới đây, trong giải trình liên quan đến câu chuyện vốn, lãnh đạo NVB cũng chỉ cho biết chung chung là NVB đã lập đề án tự tái cấu trúc trình Ngân hàng Nhà nước và trình Chính phủ phê duyệt.

Nhìn trên BCTC thì kinh doanh của NVB chủ yếu dựa vào hoạt động tín dụng, chiếm hơn 99% tổng thu nhập. Thu nhập lãi thuần trong 9 tháng 2012 của NVB vẫn tiếp tục tăng trưởng. “Điểm sáng” này ở NVB cho thấy sự phụ thuộc của NVB vào hoạt động tín dụng. Ngoài ra, khi tín dụng là hoạt động chính, lại chủ yếu cho các tổ chức kinh tế vay, thì rủi ro nợ xấu rất cao. Theo thuyết minh BCTC quý III/2012 thì nợ xấu chiếm 2,5% tổng dư nợ cho vay khách hàng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Nợ quá hạn trên 3 tháng cũng chiếm 3,9% tổng cho vay. NVB đã phải tiếp tục trích dự phòng rủi ro tín dụng hơn 31 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, nhưng con số này có sát với thực trạng nợ xấu tại NVB không, vẫn là một ẩn số.

Trong khi đó, tiền gửi của khách hàng ở NVB đến chủ yếu từ khách hàng cá nhân. Hoạt động vay lại từ các tổ chức tín dụng khác của NVB đã sụt giảm mạnh hơn 98% so với đầu năm. Nếu NVB bất ngờ cần lượng tiền lớn thì với quy mô vốn nhỏ, hoạt động tín dụng là chủ yếu, lại khó xoay sở vốn từ thị trường liên ngân hàng, NVB rất dễ gặp rủi ro thanh khoản. Xét hiệu quả kinh doanh, ROA và ROE trong 9 tháng đầu năm nay chỉ đạt lần lượt là 0,4% và 3,2%, trong khi các ngân hàng niêm yết khác có ROA từ 0,4 - 0,6%, và ROE từ 4 - 9%.

NVB lên sàn niêm yết ngày 13/9/2010, hiện có giá 6.700 đồng/CP. Trong mục tiêu bảo vệ nhà đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng, khi cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước có kết luận khác với những gì NVB vừa giải trình với công chúng, vai trò của cơ quan tổ chức thị trường (Sở GDCK Hà Nội, UBCK) cần được thể hiện rõ để minh định, thực hư sức khỏe tài chính của DN niêm yết này ra sao.

Ngọc Thủy

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   SJM: Giải trình lợi nhuận hợp nhất quý 3 lỗ hơn 3 tỷ đồng (16/11/2012)

>   TIG: Hợp nhất 9 tháng lỗ ròng gần 2 tỷ đồng (16/11/2012)

>   “Doanh nghiệp” TTCK Việt Nam: Thực trạng đang như thế nào? (16/11/2012)

>   TTF: Lãi hợp nhất quý 3 tăng đột biến 10 lần cùng kỳ (15/11/2012)

>   VNF: Hợp nhất quý 3 lỗ 2.4 tỷ đồng (16/11/2012)

>   VTC: Lỗ hợp nhất 4 quý liên tiếp hơn 10 tỷ đồng (15/11/2012)

>   Vị đắng lợi nhuận cổ phiếu mía đường (16/11/2012)

>   HJS: Giải trình chênh lệch LNST Quý 3 năm 2012 (15/11/2012)

>   VSH: Lãi ròng hợp nhất quý 3 giảm 20% cùng kỳ, đạt 45 tỷ đồng (16/11/2012)

>   VNE: Thu nhập ròng 9 tháng gần 50 tỷ đồng (15/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật