Vị đắng lợi nhuận cổ phiếu mía đường
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành mía đường, bánh kẹo được nhà đầu tư khá trông đợi. Tuy nhiên, với lợi nhuận 9 tháng công bố hầu hết đều giảm khiến cổ phiếu mía đường không“ngọt” như kỳ vọng.
Mía đường hết ngọt
Là một đơn vị mới niêm yết trên HNX vào tháng 10 vừa qua, Mía đường Sơn La (SLS) có kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm khá khả quan với doanh thu thuần 545 tỷ đồng và lãi ròng 66.5 tỷ đồng, vượt trội so với thực hiện cả năm 2011 (365 tỷ đồng và 35 tỷ đồng), tỷ suất lợi nhuận gộp lên đến 20%.
Dường như SLS chỉ là điểm sáng duy nhất khi các đàn anh trên sàn còn lại đều không có sự tăng trưởng lợi nhuận, thậm chí còn sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ, đặc biệt là các công ty mía đường dưới “mái nhà” Thành Thành Công của gia đình bà Huỳnh Bích Ngọc và ông Đặng Văn Thành.
Cụ thể, Đường Biên Hòa (BHS) và Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC) tuy doanh thu tăng nhưng lãi ròng của cả hai công ty lại giảm 9% và 34%, lần lượt ghi nhận hơn 70 tỷ đồng và 60 tỷ đồng lợi nhuận. Mía đường Lam Sơn (LSS) có doanh thu, lãi ròng giảm mạnh nhất với 29% và 67% so cùng kỳ trước, đạt lần lượt 1,034 tỷ đồng và 152 tỷ đồng.
Với Đường Bourbon Tây Ninh (SBT), đơn vị được nhiều người kỳ vọng nhưng lợi nhuận 9 tháng lại giảm đến 36%, tức giảm hơn 140 tỷ đồng so với cùng kỳ bất chấp doanh thu thuần tăng nhẹ 3%, với 1,477 tỷ đồng.
Trong các doanh nghiệp mía đường kể trên, có 2 doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho tăng mạnh. NHS với lượng tồn kho lên đến 207 tỷ đồng sau 9 tháng, trong đó tồn kho thành phẩm 197 tỷ đồng. Tiếp sau đó là BHS với 476 tỷ đồng hàng tồn kho, tồn kho thành phẩm chiếm 35%.
Có thể thấy, tình trạng thiếu đường nguyên liệu dẫn đến giá cả tăng cao đã đẩy giá vốn hàng bán của các doanh nghiệp đường tăng đáng kể. Điều này giải thích vì sao doanh thu tăng nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp của hầu hết doanh nghiệp mía đường đều giảm, đặc biệt KTS giảm từ 33% xuống 19% trong 9 tháng đầu năm 2012, SBT từ 31% xuống 20%, BHS giảm chỉ còn 8%... Với trường hợp của SBT, BHS, NHS còn xuất hiện sự tăng vọt của chi phí bán hàng và quản lý.
Ngoài ra, giá giảm cũng là một nhân tố ảnh hưởng lớn. Đơn cử như KTS giá bán bình quân giảm đến 10% trong quý 3, từ 16,420 đồng/kg cùng kỳ năm ngoái xuống 14,784 đồng/kg, cả về sản lượng cũng giảm 26% và SBT giá đường giảm trung bình khoảng 2% so quý 3 năm trước, LSS giá cũng giảm 10-15% so cùng kỳ.
Bánh kẹo có hấp dẫn?
KDC chỉ vừa mới công bố BCTC quý 3, kết quả kinh doanh đúng như kì vọng khi mà mùa trung thu đã vượt 15% kế hoạch tiêu thụ bánh trung thu so với kế hoạch 2,100 tấn đề ra. Doanh thu thuần của công ty đạt 3,218 tỷ đồng, tăng 6% so cùng kỳ trước và lãi ròng 311 tỷ đồng tăng 22%.
BBC có lợi nhuận sụt giảm gây thất vọng cho nhà đầu tư. Tuy doanh thu thuần chỉ giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ nhưng lãi ròng lao dốc đến 66%, còn vỏn vẹn 8.4 tỷ đồng. Nếu so với kết hoạch cả năm thì BBC vẫn đang ở những bước đầu của chặng đường khi chỉ mới hoàn thành được 17%. Về phía công ty, BBC cho rằng kết quả kinh doanh này là do ảnh hưởng chung của nền kinh tế.
Đối với HHC, tình hình có khả quan hơn chút khi cả doanh thu và lãi ròng cùng tăng nhẹ. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 456 tỷ đồng, tăng 4% và lãi ròng 11 tỷ đồng, tăng 5% so cùng kỳ trước. Xét về tỷ suất lợi nhuận gộp không thay đổi nhiều so cùng kỳ, vẫn duy trì mức 15%.
Diễn biến giao dịch cổ phiếu mía đường và bánh kẹo
Theo thống kê của Vietstock, từ đầu năm 2012 đến nay, trong 7 doanh nghiệp mía đường niêm yết thì có đến 4 doanh nghiệp sụt giảm giá, mạnh nhất phải kể đến NHS giảm đến 61%, nay giá chỉ còn giao dịch ở 12,600 đồng; kế đó LSS giảm 26%; KTS và BHS cùng nhau giảm gần 17%.
Riêng SBT và SEC giá tăng thêm 31% và 13%.
Đối với SLS mới niêm yết giá cũng tăng 7.4% từ 26,900 đồng lên 28,900 đồng.
Về phía cổ phiếu bánh kẹo, thị giá đều tăng trưởng trên 20% với cả HHC, KDC và BBC |
Mỹ Hà (Vietstock)
FFN
|