Thứ Hai, 19/11/2012 12:00

Vấn đề quản trị rủi ro tác nghiệp trong ngân hàng hiện nay

Để tăng cường quản trị rủi ro tác nghiệp, một mặt cần tăng cường đào tạo, huấn luyện cán bộ, đặc biệt liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng tác nghiệp. Mặt khác, cần xây dựng được đầy đủ các quy trình, quy chế đảm bảo minh bạch và tránh chồng chéo.

Rủi ro tác nghiệp – một nguyên nhân gây ra nợ xấu

Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, sức khỏe DN giảm sút, trong khi cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng gay gắt… nên không thận trọng sẽ dẫn đến rủi ro. Ngay như nợ xấu trong hệ thống ngân hàng hiện nay, có chuyên gia cho rằng, đóng góp rất nhiều vào “cục máu đông” này là do các sai phạm trong tác nghiệp của cán bộ ngân hàng.

Một số nghiên cứu tại các nước phát triển ghi nhận, rủi ro tác nghiệp (RRTN) có thể gây tổn hại khoảng 10% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Theo một khảo sát các CEO ngân hàng Mỹ thời điểm 2009 thì có 63% trả lời rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến khủng hoảng là quản lý RRTN kém. Một nghiên cứu bên Úc còn lượng hóa RRTN chiếm khoảng 20 - 23% tổng lượng rủi ro chung. Tại Việt Nam, hiện chưa có nghiên cứu hoặc số liệu mang tính lượng hóa nào về con số tổn thất do RRTN gây ra. Tuy nhiên theo một số chuyên gia, mức độ tổn thất do RRTN gây ra có thể còn cao hơn ở Úc.

Có ý kiến cho rằng, trong thời gian dài vừa qua, nhiều NHTM trong nước mới chủ yếu quan tâm đến rủi ro tín dụng, sau đó là rủi ro thị trường trong khi chưa mấy quan tâm đến RRTN.

Việc để xảy ra các RRTN không chỉ gây tổn thất cho ngân hàng về vật chất và nguồn nhân lực mà còn có thể khiến cho uy tín của ngân hàng bị ảnh hưởng. Chính vì thế mà vai trò của quản trị RRTN ngày càng có ý nghĩa quan trọng và cần thiết.

Rủi ro tác nghiệp đến từ đâu?

Theo TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính ngân hàng, RRTN xuất phát từ 4 nguyên nhân chủ yếu: Do con người gây ra; do lỗi hệ thống công nghệ thông tin (CNTT); do quy trình, quy chế; do các yếu tố khách quan khác. Như vậy, có thể nói RRTN liên quan đến tất cả các mặt hoạt động của ngân hàng, đặc biệt là yếu tố con người và chủ yếu ở các cấp thực thi.

Có nhiều lý do lý giải cho việc cán bộ, nhân viên ngân hàng vi phạm tác nghiệp. Trong đó, có nguyên nhất do chủ định, cố ý vi phạm, gian lận để mưu cầu lợi ích cá nhân của bản thân những người đó. Đây là vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp.

Một chuyên gia ngân hàng cho biết, một số ngân hàng đã đưa ra các chỉ tiêu, các bộ đạo đức nghề nghiệp nhưng việc thi hành và giám sát thì còn rất lỏng lẻo. Bên cạnh đó, có thể những khó khăn về kinh tế như lương thấp, cuộc sống vất vả cũng là áp lực khiến họ “làm liều”.

Tuy nhiên, cũng có thể do chính cơ chế dễ dãi, kiểm soát thiếu chặt chẽ… tạo cơ hội cho RRTN nảy sinh, phát triển. Muốn quản trị RRTN thì phải có cơ chế, quy định quản lý chặt chẽ thì mới có thể phát hiện và ngăn chặn những sai phạm ngay từ lúc phát sinh, tránh gây hậu quả lớn. Một chuyên gia lấy dẫn chứng, ở Việt Nam, nhiều trường hợp vi phạm nhưng rất lâu sau đó mới phát hiện, gây thiệt hại cả về vật chất và uy tín cho các ngân hàng.

Bên cạnh đó, các yếu tố như môi trường kinh doanh khắc nghiệt, phức tạp, áp lực kinh doanh lớn hoặc nhiều quy định hành chính khiến người ta nghĩ đến bài toán lách luật. Ví dụ, việc lãnh đạo ngân hàng đề ra chiến lược và mục tiêu quá hoài bão, “hoành tráng” mà không tính hết đến các rủi ro, khó khăn của nền kinh tế chắc chắn sẽ tạo ra áp lực đối với các cấp thực hiện. Và trong nhiều trường hợp, để hoàn thành được chỉ tiêu buộc họ phải “nhắm mắt làm liều”, vi phạm trong tác nghiệp.

Ngoài ra, nhiều khi các RRTN xảy ra không phải do cán bộ, nhân viên ngân hàng cố ý làm mà chỉ vì họ còn non về nghiệp vụ hoặc lơ là, đơn giản trong thực hiện các công việc hàng ngày. Đơn cử, nếu chẳng may trong khâu nhập liệu đầu vào người làm đưa nhầm số tiền VND thành USD thì thao tác nhầm “đơn giản” ấy với sự “trợ giúp” của công nghệ có thể sẽ mau chóng lan thành một tổn thất lớn và mất nhiều thời gian để khắc phục. Một ví dụ khác cho thấy sự đơn giản, “coi thường” với RRTN là việc các nhân viên có thể tin tưởng giao cho nhau password, username hiện khá phổ biến ở một số phòng giao dịch hiện nay.

Tăng cường quản trị

Để tăng cường quản trị RRTN, một mặt cần tăng cường đào tạo, huấn luyện cán bộ, đặc biệt liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng tác nghiệp. Mặt khác, cần xây dựng được đầy đủ các quy trình, quy chế đảm bảo minh bạch và tránh chồng chéo. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần xây dựng chiến lược và chính sách quản lý riêng cho từng loại rủi ro, trong đó có RRTN; đồng thời cần có các chế tài xử phạt nghiêm đối với các lỗi vi phạm. Việc đầu tư cho hệ thống CNTT cũng rất quan trọng, nhất là khi chúng ta muốn có các căn cứ đầy đủ cho đánh giá cũng như lượng hóa RRTN trong tương lai.

Một yếu tố không kém phần quan trọng là cần tạo được văn hóa tuân thủ quản trị RRTN trong toàn bộ hệ thống ngân hàng, từ trên xuống dưới. Cần làm sao đưa vấn đề quản trị RRTN trở thành công việc của tất cả mọi người chứ không phải của riêng một bộ phận nào. Khi mọi người ý thức về vấn đề RRTN tốt hơn thì tự khắc họ cũng sẽ hành động một cách đúng đắn và cẩn trọng hơn.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề tăng cường kiểm soát chéo cũng rất cần thiết trong phòng tránh và giảm thiểu RRTN. Một lãnh đạo ngân hàng nhận xét, nếu để tình trạng một người có thể vừa đá bóng, vừa thổi còi thì RRTN vẫn rất dễ xảy ra.

Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia tài chính ngân hàng chia sẻ: “Nếu để một ông giám đốc chi nhánh làm một giao dịch khống rồi tự ký vào đấy mà không phải qua khâu kiểm soát chặt chẽ nào nữa rất dễ dẫn đến rủi ro”. Ngay cả khi kỹ thuật tiên tiến và công nghệ hoàn hảo rồi thì vấn đề kiểm soát chéo này vẫn luôn luôn phải có. Có thể nói, RRTN sẽ giảm thiểu rất nhiều nếu có ít nhất 2 người cùng kiểm soát một giao dịch, vị chuyên gia này nói.

Cần minh bạch và lượng hóa rủi ro

RRTN, chiếu theo Basel II, là một trong ba rủi ro lớn mà ngân hàng phải quản lý. Dù RRTN là loại rủi ro mà chúng ta khó nhìn thấy hàng ngày, nhưng khi xảy ra cũng có thể gây tổn thất rất lớn cho ngân hàng. Nguyên nhân RRTN liên quan trực tiếp đến con người, quy trình và cả vấn đề đào tạo nữa bởi nhiều khi người ta không cố ý tạo ra rủi ro, nhưng cũng có khi là do không ý thức hết những việc đó có thể gây ra RRTN.

Để quản lý RRTN, tôi cho rằng nguyên tắc đầu tiên và cơ bản nhất là bất kỳ một hoạt động nào của ngân hàng cũng cần phải được kiểm soát chéo. Ví dụ, khi một người làm thanh toán thì phải có một người khác duyệt chứ không thể để một người làm nhiều nghiệp vụ khác nhau, vừa làm vừa kiểm soát luôn.

Thứ 2, cần minh bạch hóa rủi ro này. Ví dụ, nếu trong một hệ thống có những khoản lỗ phát sinh do RRTN thì cần được đưa vào trong báo cáo chung để Ban điều hành biết và giám sát được RRTN xuất phát từ bộ phận, cá nhân nào, nguyên nhân gốc rễ do đâu… Từ đó kịp thời khắc phục và chấn chỉnh ngay, đồng thời “nêu gương” để những người khác, bộ phận khác tránh vi phạm. Do đó, chính việc minh bạch những RRTN sẽ giúp phát hiện những lỗ hổng trên hệ thống để kịp thời lấp lại.

Bên cạnh đó, từ lãnh đạo đến nhân viên ngân hàng cần tránh hiện tượng “đơn giản hóa” trong tác nghiệp hàng ngày. Cùng với đó, muốn quản trị tốt thì cần phải lượng hóa được rủi ro này. Chúng ta cần nắm được trong tháng, trong quý, trong năm ngân hàng đã bị tổn thất bao nhiêu do RRTN để đưa ra cách thức quản lý cho phù hợp. Còn nếu cứ nói phải quản trị RRTN nhưng đến cả năm không biết rủi ro này dẫn đến tổn thất thế nào và vì những lý do gì thì rất khó quản trị.

Ngoài ra, bản thân người đứng đầu của ngân hàng cần ý thức được tầm quan trọng của rủi ro này, từ đó tạo thành một văn hóa để quản trị RRTN.

Ông Phạm Hồng Hải - Phó Tổng giám đốc HSBC Việt Nam

Nguyên tắc "bốn mắt" trong quản trị RRTN

Hiện các ngân hàng đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến RRTN, nhưng rõ ràng trong quá khứ không được quan tâm đầy đủ. Chính vì thế đã dẫn đến nhiều sai phạm và thường là những sai phạm ở cấp dưới rất nhiều. Nguyên nhân theo tôi một phần là vì các ngân hàng đã trao quá nhiều quyền lực và dẫn đến không kiểm soát được hết hoạt động của các chi nhánh. Điều này dường như đi ngược lại với thông lệ quốc tế. Ở bên Mỹ chẳng hạn, các chi nhánh rất ít quyền lực, không được phép cấp các khoản tín dụng lớn. Nhiệm vụ chính của chi nhánh chỉ là huy động tiết kiệm, mở tài khoản thanh toán hay nhiều lắm cũng chỉ là cho vay những món vay nhỏ lẻ, hoặc cho vay tiêu dùng. Còn các khoản tín dụng lớn, ngay như mở tín dụng thư, là phải chuyển hết về hội sở.

Trong khi đó ở Việt Nam nhiều ngân hàng cho phép các chi nhánh làm cả tín dụng “to”, cả tín dụng “nhỏ”, rồi cả bảo lãnh nên rất dễ tạo cơ hội cho những nhân viên, cán bộ “làm bậy”. Tuy nhiên, điều này cũng có thể hiểu và thông cảm được vì hệ thống ngân hàng của Việt Nam còn rất non trẻ và việc các ngân hàng thường để cho chi nhánh của mình thực hiện nhiều nhiệm vụ một phần cũng bởi các chi nhánh là nơi có thể tiếp xúc với dân chúng, với DN một cách sâu sát nhất. Họ cũng là các đầu mối có thể hiểu được văn hóa, nhu cầu làm ăn kinh doanh của khách hàng tại địa phương tốt nhất. Nhưng khi nền kinh tế đã được tổ chức quy củ, việc hội nhập toàn cầu sâu rộng cũng như việc tiếp cận các thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế tốt hơn thì cũng cần giảm bớt quyền lực của các chi nhánh.

Để tăng cường quản trị RRTN thì quan trọng nhất là bộ máy nhân sự ngân hàng (từ lãnh đạo đến nhân viên cấp dưới) phải được tái tổ chức và đào tạo lại, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang quyết liệt công cuộc tái cấu trúc hiện nay. Khi chúng ta nói tới vấn đề tái cơ cấu thì không những mô thức hoạt động của ngân hàng phải thay đổi, mà những con người làm việc trong bộ máy ấy cũng cần được tổ chức lại. Các vấn đề về công nghệ, kỹ thuật, thông tin… cũng cần được đầu tư nâng cấp và cải thiện.

Một yếu tố quan trọng khác là cần duy trì thật nghiêm nguyên tắc “bốn mắt” trong quản trị RRTN. Tức là cần duy trì và tăng cường việc kiểm soát chéo trong tất cả các giao dịch của ngân hàng. Đồng thời có cơ chế quản lý, kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn và giảm thiểu các RRTN có thể xảy ra.

TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng


Đỗ Lê

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Năm 2013: Tăng tín dụng, không quên xử lý nợ xấu (19/11/2012)

>   'Tín dụng đến cuối năm chỉ tăng 5%' (19/11/2012)

>   Giảm lãi suất trước mùa cao điểm (19/11/2012)

>   Sức ép tốc độ gia tăng nợ xấu (19/11/2012)

>   “Nửa giải Nobel” và trách nhiệm điều hành (18/11/2012)

>   Thống đốc hiểu chưa chính xác... (17/11/2012)

>   Navibank và WesternBank “dính nợ” gần 3,000 tỷ đồng với hai công ty của ông Đặng Thành Tâm (17/11/2012)

>   Nợ xấu, những mảng màu không dễ nhận diện (17/11/2012)

>   Kiều hối sẽ đạt 10 tỉ USD (16/11/2012)

>   Techcombank: Huỷ mã ngân hàng của Ngân hàng TMCP Nông thôn Hải Phòng (13/06/2001)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật