Thứ Hai, 19/11/2012 16:16

Những tác động tích cực của diễn biến tỷ giá hiện nay

Một thành công nổi bật trong điều hành chính sách tiền tệ từ đầu năm 2012 đến nay đó là tỷ giá giữa đồng Việt Nam với các loại ngoại tệ chủ chốt nói chung và với Đô là Mỹ (USD) nói riêng là rất ổn định.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kể, nếu như năm 2008 giá USD (tỷ giá VND/USD) tăng 6,31%, năm 2009 tăng tới 10,07%, năm 2010 tăng 9,68% thì năm 2011 chỉ tăng có 2,2% và từ đầu năm 2012 đến nay giảm gần 1%. Cụ thể trong 10 tháng đầu năm 2012, thì có 5 tháng tỷ giá tăng nhẹ, còn 5 tháng giảm; tính chung 10 tháng tỷ giá giảm gần 0,88%. Dự báo với diễn biến hiện nay và mặc dù trong gần 2 tháng cuối năm thị trường ngoại tệ có thể biến động hơn nhưng tỷ giá cả năm tăng không quá 1,5%, nằm trong dự báo và định hướng điều hành của NHNN ngay từ đầu năm. Đây là một hiện tượng hiếm thấy về diễn biến tỷ giá trên thị trường trong nhiều năm qua, chính xác là kể từ năm 1993 đến nay.

Diễn biến tỷ giá nói trên có những tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội. Trước hết, tỷ giá ổn định đã tác động tích cực đến tâm lý của người dân, tâm lý của thị trường tài chính. Người dân, giới đầu tư tin tưởng vào sự ổn định của đồng Việt Nam, hay đồng Việt Nam được coi trọng. Điều này làm giảm hẳn tình trạng người dân lựa chọn việc cất trữ tài sản của mình bằng việc mua ngoại tệ, góp phần đẩy lùi tình trạng đô la hóa trong xã hội; hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ trên tài khoản của các doanh nghiệp.

Song tác động của thành công nổi bật hơn cả đó là thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát trong điều hành chính sách tiền tệ. Nói cụ thể hơn, đó là Việt Nam trong thời gian dài là nền kinh tế nhập siêu và nhập siêu ở mức lớn. Do đó, tỷ giá biến động theo hướng đồng Việt Nam giảm giá dẫn tới tình trạng “ nhập khẩu lạm phát” vào nền kinh tế nước ta trong một số năm qua. Điều này thấy rõ nhất trong các năm 2009 – 2010 khi giá cả nhiều mặt hàng chủ lực, chiến lược trên thị trường thế giới tăng mạnh, cộng với tỷ giá VND/USD cũng biến động lớn, dẫn tới tình trạng “nhập khẩu kép” lạm phát vào nền kinh tế nước ta. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng hàng đầu dẫn đến tình trạng lạm phát cao ở Việt Nam trong những năm gần đây. Khi tỷ giá ổn định, thì hàng hóa nhập khẩu ổn định, các mặt hàng sử dụng nhiều nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện nhập khẩu,... giá cũng ổn định. Ngoài ra, các mặt hàng nông sản, thủy hải sản,... thu mua cho xuất khẩu, đặc biệt là lúa gạo, cà phê, cao su, hạt điều, thủy sản,...cũng không biến động theo sự biến động của tỷ giá. Diễn biến đó thực tế cũng góp phần lớn vào việc ổn định chỉ số giá tiêu dùng trên thị trường xã hội trong năm 2012.

Cũng không phải vì tỷ giá ổn định, hay thậm chí đồng Việt Nam “ lên giá nhẹ” mà không khuyến khích xuất khẩu. Tính chung từ đầu năm 2012 đến nay, trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu truyền thống và xuất khẩu lớn của Việt Nam gặp nhiều khó khăn về kinh tế, giá một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam giảm nhưng tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước vẫn đạt 93,5 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2011.

Còn về nhập khẩu, tính chung 10 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 93,8 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2011.

Tỷ giá ổn định tác động đến xuất nhập khẩu và đương nhiên là tác động đến nhập siêu, ngược lại nhập siêu được hạn chế tác động lại việc thực hiện mục tiêu điều hành tỷ giá.

Theo các số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 10 tháng đầu năm 2012 Việt Nam chỉ nhập siêu khoảng 350 triệu USD. Cụ thể tỷ lệ nhập siêu 3 năm trở lại đây đều từ gần 10 tỷ USD trở lên; trong đó năm 2009 nhập siêu 12 tỷ USD, năm 2010 là 12,4 tỷ USD (đây cũng là năm NHNN phải điều chỉnh tỷ giá trên 3%) và năm 2011 là 9,8 tỷ USD. Song nhập siêu giảm cũng lại là nguyên nhân quan trọng làm cho tỷ giá ổn định.

Tiếp theo, một tác động quan trọng khác của tỷ giá là góp phần tạo điều kiện cho NHNN mua được một lượng lớn USD trên thị trường từ dân cư và các doanh nghiệp. Từ đó, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, làm tăng sức mạnh của quốc gia, đưa lượng dự trữ ngoại hối đến nay tương đương với trên 11 tuần nhập khẩu. Bên cạnh đó, làm giảm tình trạng "đô la hóa" của nền kinh tế vốn đã lớn và tăng lên trong mấy năm trước. Nhà nước đã huy động được một lượng ngoại tệ lớn trong dân vào đầu tư phát triển và điều hành chính sách tiền tệ. Ngược lại, nguồn quỹ dự trữ ngoại tệ do Ngân hàng Trung ương quản lý dồi dào cũng là cơ sở quan trọng cho bình ổn tỷ giá, sẵn sàng can thiệp, đóng vai trò người mua bán cuối cùng trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, chủ động đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu các mặt hàng chiến lược khi cần thiết và nếu có nhu cầu.

Hơn nữa, sự ổn định tỷ giá cũng tác động tích cực đến thị trường vàng. Cũng giống như các mặt hàng nhập khẩu khác, tỷ giá ổn định không làm cho giá vàng ở trong nước tính bằng VND bị tăng kép, vừa do giá vàng tính bằng USD tăng, vừa do tỷ giá VND/USD tăng. Khi tỷ giá VND/USD ổn định, giá vàng ổn định, sẽ có tác động ổn định tâm lý, làm giảm tâm lý lạm phát, bởi vàng và USD thường được chọn là nơi trú ẩn mỗi khi lạm phát cao. Cũng từ diễn biến đó tác động tích cực đến mục tiêu ổn định tỷ giá, giảm hẳn tình trạng người dân “đổ xô” đi mua vàng ở nhiều nơi, hạn chế việc mua vàng tích trữ, giảm nhu cầu ngoại tệ cho mua vàng. Thành công này còn do thực hiện có hiệu quả việc quản lý thị trường vàng theo chủ trương của Chính phủ, mục tiêu điều hành của NHNN.

Tỷ giá ổn định tác động tích cực đến nợ nước ngoài của Việt Nam nói chung và nợ công nói riêng. Bởi vì, nếu như tỷ giá chỉ cần tăng thêm 3-4% thôi thì mỗi năm số nợ của nước ta tính ra nội tệ tăng thêm hàng chục nghìn tỷ đồng, bằng số thu ngân sách một năm của trên 10 tỉnh miền núi.

Ts. Nguyễn Đắc Hưng

sbv

Các tin tức khác

>   Agribank cho vay gần 470,000 tỷ đồng (19/11/2012)

>   Vấn đề quản trị rủi ro tác nghiệp trong ngân hàng hiện nay (19/11/2012)

>   Năm 2013: Tăng tín dụng, không quên xử lý nợ xấu (19/11/2012)

>   'Tín dụng đến cuối năm chỉ tăng 5%' (19/11/2012)

>   Giảm lãi suất trước mùa cao điểm (19/11/2012)

>   Sức ép tốc độ gia tăng nợ xấu (19/11/2012)

>   “Nửa giải Nobel” và trách nhiệm điều hành (18/11/2012)

>   Thống đốc hiểu chưa chính xác... (17/11/2012)

>   Navibank và WesternBank “dính nợ” gần 3,000 tỷ đồng với hai công ty của ông Đặng Thành Tâm (17/11/2012)

>   Nợ xấu, những mảng màu không dễ nhận diện (17/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật