Tàu 50.000 tấn sẽ vào được cảng TPHCM
Từ 2014 trở đi tàu hàng loại lớn 50.000 tấn (DWT) đầy tải hoặc 70.000 tấn giảm tải có thể đi thẳng vào cụm cảng Hiệp Phước TPHCM (huyện Nhà Bè), thay vì phải thả neo ở Vũng Tàu như hiện nay.
Đại sứ Bỉ Bruno Angelet, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công và Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân bấm nút phát lệnh khởi công giai đoạn 2 của dự án nạo vét sông Soài Rạp
|
Đây là kết quả của dự án nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 2, vừa khởi công sáng nay (24-11), mà hiệu quả kinh tế đáng chú ý nhất không chỉ là chuyện nâng tải trọng tàu mà còn khai thác được thủy lộ Soài Rạp ngắn và ít phức tạp hơn so với tuyến sông Lòng Tàu vẫn sử dụng lâu nay…
Trao đổi với TBKTSG Online tại bãi container của cảng SPCT trưa nay, ông Lê Hoàng Minh - Giám đốc Ban quản lý đầu tư dự án nạo vét luồng tàu biển Soài Rạp (giai đoạn 2), cho biết công trình này sẽ được tiến hành trên suốt chiều dài 54 ki lô mét của tuyến sông Soài Rạp; cụ thể là từ cửa biển Cần Giờ về tới cảng SPCT ở Khu Công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè).
Bản đồ cho thấy 2 con sông Soài Rạp (trái) và Lòng Tàu nối liền cụm cảng Hiệp Phước (TPHCM) với biển Đông
|
“Do đáy sông Lòng Tàu có những đoạn rất cạn và hải trình khá ngoằn ngoèo, phức tạp, nên lâu nay hệ thống cảng biển của TPHCM chỉ có thể đón tàu có trọng tải dưới 30.000 DWT. Khi dự án nạo vét Soài Rạp hoàn tất, dự kiến là vào tháng 2 -2012, luồng tàu này sẽ đạt đến độ sâu 9,5 mét với bề rộng từ 120 đến 160 mét. Lúc đó tàu 70.000 DWT giảm tải dễ dàng vào tận tổ hợp cảng Hiệp Phước để lên xuống hàng và hải trình rút ngắn được 31 ki lô mét”, ông Minh nói.
Với tổng mức đầu tư là 2.797 tỉ đồng – trong đó vốn vay ODA của Chính phủ Bỉ là 76 triệu euro (bao gồm 70 triệu euro cho việc thi công, xây lắp và 6 triệu euro là chi phí bảo hiểm), giai đoạn 2 của dự án nạo vét luồng Soài Rạp được tiến hành bởi liên danh giữa hai công ty Dredging International NV (DI - Bỉ) và Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng hàng hải (CMB - Việt Nam).
Theo kế hoạch, trong vòng 14 tháng nhà thầu này sẽ phải múc đổ hơn 11,5 triệu mét khối bùn đất, chưa kể khâu bảo dưỡng và lắp đặt, thay thế những thiết bị báo hiệu hàng hải dọc tuyến.
Kinh Luân
tbktsg
|