Thứ Bảy, 24/11/2012 15:50

Giúp “quả đấm thép” giảm gánh nặng nợ nần

Bức tranh tổng thể về “sức khoẻ” các tập đoàn, tổng công ty nhà nước - trụ cột của cả nền kinh tế trong năm 2011- vừa được Bộ Tài chính công bố cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của những “quả đấm thép” này tuy đã cải thiện, song chưa như mong đợi.

PVN đang “sở hữu” số nợ phải trả lên tới 286.817 tỷ đồng.

Báo cáo Tình hình tài chính và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà Bộ Tài chính vừa gửi các đại biểu Quốc hội cho thấy, so với năm 2010, năm 2011, tổng tài sản của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tăng 16%; vốn chủ sở hữu tăng 9,3% (tăng 61.738 tỷ đồng); doanh thu tăng hơn 25%; lợi nhuận trước thuế tăng 12%; nộp ngân sách nhà nước tăng hơn 10% (đạt 212.990 tỷ đồng)...

So với năm ngoái, Báo cáo năm nay có khá nhiều cái tên được nhắc đến như là điển hình của tinh thần vượt khó, phấn đấu tăng doanh thu như Becamex, Vinacafe, VRG, PVN, Viettel, VNPT, TKV, Vinachem... Hay đạt “lãi khủng” với con số tuyệt đối lên đến hàng ngàn, hàng chục ngàn tỷ đồng như PVN, Viettel, VRG, VNPT, TKV, Vinachem, Satra, Becamex, Saigon Tourist, Vinafood 1, Vinafood 2... Những số liệu này khẳng định, sau thời gian khá dài bị đánh giá là kém hiệu quả, không ít tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã dần lấy lại niềm tin của xã hội.

Tất nhiên, cũng như khu vực kinh tế khác, hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước không phải chỉ toàn màu hồng trong năm 2011. Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, tình trạng nợ nần, đặc biệt là nợ phải thu khó đòi đang trở thành gánh nặng thực sự. Và nếu không có các giải pháp hữu hiệu để xử lý thì gánh nặng nợ nần sẽ đẩy nhiều đơn vị vào tình cảnh phá sản, giống như những quân bài domino trong hiệu ứng dây chuyền.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, năm 2011, nợ phải thu của các tập đoàn, tổng công ty bằng 14,1% tổng tài sản, tăng 13,8% so với năm 2010; nợ phải thu khó đòi tăng 25% so với năm 2010. Mặc dù nợ phải thu khó đòi chỉ chiếm 1% tổng số nợ phải thu, song nhiều doanh nghiệp đang phải ôm “cục nợ” hàng trăm tỷ đồng như Cienco 1, Sông Đà, ACV, Xăng dầu Quân đội, Cienco 6... Ngay cả những “khuôn mặt tiêu biểu” của năm 2011 như PVN, TKV, Satra, Vinfood 1, Vinacafe, Viettel cũng đang là những “chủ nợ bất đắc dĩ”, với những khoản nợ phải thu, khó đòi hàng trăm tỷ đồng.

Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty không chỉ là chủ nợ mà còn là con nợ khổng lồ, trong đó chủ yếu là nợ các ngân hàng thương mại với tổng số nợ phải trả năm 2011 tăng gần 19% so với năm 2010. Một điểm đáng quan tâm nữa là những đơn vị hoạt động kinh doanh hiệu quả (doanh thu, lợi nhuận, đóng góp vào ngân sách nhà nước tăng) không chỉ là chủ nợ, mà còn là những “chúa chổm” như PVN đang “sở hữu” số nợ phải trả lên tới 286.817 tỷ đồng; TKV nợ 71.112 tỷ đồng, VNPT nợ 49.383 tỷ đồng. Những “gương mặt đình đám” khác như EVN nợ 275.278 tỷ đồng, Sông Đà nợ 69.577, Vinalines nợ 61.768 tỷ đồng, Vicem nợ 28.226 tỷ đồng...

Bức tranh nợ nần của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước năm 2011 cho thấy, gánh nặng nợ đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của những đơn vị này do phải trích lập dự phòng đối với khoản nợ khó đòi và phải chi phí trả lãi ngân hàng quá lớn. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước nói chung, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nói riêng, không những phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp được đặt ra trong Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015, mà cần có thêm giải pháp hữu hiệu để xử lý nợ xấu cững như việc Nhà nước nên “sòng phẳng” với doanh nghiệp khi thanh toán nợ nần.

Mạnh Bôn

đầu tư

Các tin tức khác

>   Dự án cảng biển tỷ đô có gây ô nhiễm? (24/11/2012)

>   Sai phạm hàng chục tỷ đồng ở dự án thủy điện Sê San 4 (24/11/2012)

>   Doanh nghiệp bị thâu tóm, nợ càng phình to (24/11/2012)

>   Thái Lan muốn rót gần 29 tỷ USD cho dự án lọc dầu tại Việt Nam (24/11/2012)

>   Tập đoàn mắc kẹt đầu tư ngoài ngành (24/11/2012)

>   Thủ tướng phê duyệt Đề án tái cơ cấu EVN (23/11/2012)

>   Tây Ninh tuồn hàng miễn thuế vào nội địa (23/11/2012)

>   Thủ tướng “sẽ sớm phê duyệt” đề án tái cơ cấu kinh tế Việt Nam (23/11/2012)

>   Tập đoàn lỗ khủng: Trăm sự tại khách quan? (23/11/2012)

>   Ai chịu trách nhiệm về sai phạm, thua lỗ của DNNN (23/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật