Ai chịu trách nhiệm về sai phạm, thua lỗ của DNNN
Theo bà Tống Thị Minh - Vụ trưởng Vụ Lao động – Tiền lương, “ban quản trị và ban điều hành đang “ăn chung mâm”, kiêm nhiệm nhiều vai khác nhau, việc quản lý Nhà nước còn chưa làm xong thì khó có thể giám sát hiệu quả. Trong khi đó, tổ chức Đảng, Đoàn thanh niên, và các tổ chức chính trị xã hội khác có khả năng giám sát rất cao nhưng chưa được phát huy.
Lãi ít, lỗ nhiều, nợ lớn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ sau lần trả lời chất vấn của Quốc hội về con số nợ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (TĐ, TCT) lại vừa thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký Báo cáo số 336/BC-CP gửi Cơ quan dân cử về tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của “khối DN chủ đạo” năm 2011. Một lần nữa bức tranh TĐ, TCT nhà nước lại hiển hiện với nhiều hạn chế: lợi nhuận rất thấp, lỗ lớn, nợ nhiều.
Báo cáo hợp nhất của các TĐ, TCT cho thấy, lợi nhuận trước thuế của các DN này chỉ đạt trên 135 nghìn tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận bình quân trên vốn chủ sở hữu năm 2011 của các TĐ, TCT là 18,57%, chỉ tương đương với lãi suất cho vay của ngân hàng trong năm 2011, năm có lạm phát cao và lợi nhuận tập trung ở một số DN mà đa số là chiếm vị thế độc quyền.
Nếu giám sát tốt, sẽ hạn chế những trường hợp như Vinashin, Vinalines.
|
Trong khi lỗ lũy kế theo báo cáo hợp nhất của 13 TĐ, TCT đến 31/12/2011 là 48.988 tỷ đồng. Lỗ nhiều nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam 38.104 tỷ đồng, tiếp theo là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam 5.738 tỷ đồng; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam 2.390 tỷ đồng; Tổng công ty Xăng dầu quân đội 566 tỷ đồng; Tập đoàn Sông Đà 625 tỷ đồng...
Đến cuối năm 2011, tổng nợ phải thu của TĐ, TCT là 296.541 tỷ đồng (bằng 14,1% tổng tài sản), tăng 13,8% so với năm 2010, trong đó nợ phải thu khó đòi là 3.753 tỷ đồng, chiếm 1,26% so với tổng nợ phải thu; tương tự thời điểm kế toán trên, tổng số nợ phải trả của TĐ, TCT là 1.292.400 tỷ đồng, tăng 18,9% so với năm 2010. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2011 là 1,77 lần.
Xét từng TĐ, TCT, có 30 TĐ, TCT, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Trong đó: có 8 TĐ, TCT trên 10 lần; có 10 TĐ,TCT trên từ 5 - 10 lần; có 12 TĐ, TCT từ 3 - 5 lần.
Một số TĐ, TCT đang có nợ quá hạn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam có số nợ quá hạn 10.149 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam nợ quá hạn 1.731 tỷ đồng (nợ của Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất - nhận bàn giao từ Vinashin); Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam nợ quá hạn là 467 tỷ đồng...
Nhưng vẫn “phình to”
Điều “trớ trêu” là cùng với quá trình cổ phần hóa tiếp tục “bế tắc”, quy mô của các TĐ, TCT liên tục phình to khiến đã có câu hỏi: Phải chăng, cải cách DNNN đang có chiều hướng “chạy theo” quy mô lớn?
Một điểm rất đáng chú ý là cho dù hiệu quả sử dụng vốn của DNNN không cao “Để tạo ra một đơn vị sản phẩm đầu ra, DNNN phải sử dụng số tiền cao gấp nhiều lần so với mức trung bình”, TS. Nguyễn Đình Cung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận xét.
Đã vậy, một số DN không bảo toàn được vốn chủ sở hữu do kinh doanh thua lỗ, không tự chủ được về tài chính nhưng nhiều TĐ, TCT đầu tư ngoài ngành, tăng vốn vào các lĩnh vực “nhạy cảm” như tài chính, chứng khoán, bất động sản.
Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến cuối năm 2011, các công ty mẹ đã đầu tư vào các lĩnh vực trên là 23.744 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2010 (tương đương tăng 3.056 tỷ đồng). Trong đó, tăng đầu tư lớn nhất là vào bất động sản (tăng 2.840 tỷ đồng).
“Ai phải chịu trách nhiệm trong các sai phạm, thất thoát, thua lỗ lớn của DNNN, trước hết là ở các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước quy mô lớn? Tại sao việc sử dụng kém hiệu quả một khối lượng tài sản lớn như vậy lại không được phát hiện sớm hoặc cảnh báo?”, CIEM đặt dấu hỏi trong báo cáo nghiên cứu về “Giám sát, đánh giá hoạt động của DNNN – thực trạng và kiến nghị đổi mới” được công khai ngày 22/11/2012.
DN không báo cáo – cơ quan nhà nước đành chịu?!
Câu trả lời, theo ông Phạm Đức Trung – Trưởng nhóm thực hiện nghiên cứu của CIEM, đó là ở cơ chế giám sát của Nhà nước và hiệu quả giám sát yếu.
Theo quy định DNNN phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin, nộp báo cáo tài chính quý và năm đến cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan đăng ký kinh doanh và đại diện chủ sở hữu Nhà nước. Nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: 80% DN không gửi báo cáo cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Tình trạng TĐ,TCT tràn lan thành lập công ty con công ty cháu để đầu tư vào lĩnh vực đầy rủi ro nhưng “không có hệ thống chỉ tiêu giám sát vấn đề này”.
Đã vậy, một thực trạng buồn và đáng lo được CIEM chỉ ra: DN không báo cáo, thì cơ quan Nhà nước cũng chịu.
“Dẫu rằng hơi muộn, nhưng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2012/NĐ-CP quy rõ trách nhiệm của bộ quản lý ngành, Bộ tổng hợp, UBND cấp tỉnh”, ông Lê Mạnh Hùng - Phó cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.
Tuy nhiên, Nghị định vẫn chưa thỏa mãn yêu cầu của xã hội khi “nhiều kênh giám sát hiệu quả hoạt động của DNNN đang bị lãng phí”, bà Tống Thị Minh - Vụ trưởng Vụ Lao động – Tiền lương (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) có ý kiến. Theo bà, “ban quản trị và ban điều hành đang “ăn chung mâm”, kiêm nhiệm nhiều vai khác nhau, việc quản lý Nhà nước còn chưa làm xong thì khó có thể giám sát hiệu quả. Trong khi đó, tổ chức Đảng, Đoàn thanh niên, và các tổ chức chính trị xã hội khác có khả năng giám sát rất cao nhưng chưa được phát huy.
Thế Hưng – Ngọc Khanh
thời báo ngân hàng
|