Tập đoàn mắc kẹt đầu tư ngoài ngành
Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề chính của tập đoàn đang gặp khó khăn. Với thực tế của thị trường hiện nay, việc thoái vốn nếu muốn nhanh chỉ còn cách bán rẻ, còn không phải chấp nhận chậm trễ.
Bán rẻ không ai mua
Phiên đấu giá bán 5,94 triệu cổ phiếu với giá khởi điểm 10.000 đồng/CP của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tại Công ty cổ phần Bảo hiểm SHB - Vinacomin (SVIC) ngày 3/10/2012 đã phải hủy vì chỉ có 1 nhà đầu tư tổ chức và 1 nhà đầu tư cá nhân đăng ký.
Thế nhưng, đến phút chót, nhà đầu tư cá nhân đã có đơn đề nghị hủy tham dự đấu giá mua cổ phần, chấp nhận mất tiền đặt cọc tương ứng với số lượng cổ phần đã đăng ký mua, bỏ đấu giá.
Cho đến nay, việc thoái vốn của Vinacomin tại SVIC vẫn phải tạm dừng và chưa có thông báo mới nào. Điều này đồng nghĩa với việc thoái vốn tại DN bảo hiểm này chưa có hồi kết. Hệ lụy là kế hoạch thoái vốn ở các lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc BIDV trong năm 2012 của Vinacomin có thể sẽ thất bại.
Kế hoạch thoái vốn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và các lĩnh vực còn lại của Vinacomin trong năm 2013-2014 có lẽ cũng không gặp thuận lợi trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn chưa có tín hiệu thoát khỏi tình trạng đóng băng, khối ngân hàng tài chính đang khó khăn và ngập trong nợ nần, nợ xấu.
Nhiều tập đoàn và tổng công ty Nhà nước khác cũng nằm trong tình cảnh tương tự khi mà số vốn đầu tư ngoài ngành là rất lớn và dàn trải nhưng việc thoái lui khỏi lại rất khó khăn, gần như chưa tìm ra lối thoát.
Trong một thông báo hồi cuối tháng 8/2012, Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam cho biết, kế hoạch bán hết hơn 159.000 cổ phiếu của CTCP Đại lý Liên hiệp Vận chuyển (GMD) đã không thành công. Lý do được Vinalines đưa ra là thị trường xấu, tính thanh khoản kém và giá bán chưa được như kỳ vọng.
Tương tự, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Handico) thoái vốn bất thành 1,25 triệu cổ phiếu (3,79%) CTCP Chứng khoán Hòa Bình (HBS). Được biết, Handico đăng ký bán số lượng cổ phiếu HBS nói trên khá nhiều lần nhưng chưa thành. Hôm 23/10, tổng công ty này tiếp tục đăng ký bán số cổ phiếu nói trên và ngày kết thúc giao dịch dự kiến là 23/11nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin về giao dịch.
Trước đó, hàng loạt các tập đoàn và tổng công ty cũng đã thoái vốn đầu tư ngoài ngành không thành. Cụ thể, PVFC thoái vốn bất thành tại PV2, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tính thoái vốn 100% vốn ở 40 công ty vẫn chưa có tiến triển nào đáng kể, EVN muốn thoái vốn Ngân hàng An Bình nhưng đang rất khó bán vì giá cổ phần của ngân hàng này trên thị trường OTC thấp hơn mệnh giá khá nhiều...
Ai dám bán rẻ vốn nhà nước?
Một trong những lý do khiến việc thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty diễn ra không suôn sẻ là do hoạt động của các công ty cần thoái vốn là không hiệu quả và TTCK đang ở trong giai đoạn ảm đạm.
Trong trường hợp Ngân hàng An Bình. Trong bối cảnh TTCK ảm đạm và hệ thống ngân hàng nhiều vấn đề thì việc giá cổ phiếu ở mức thấp là điều khó tránh khỏi. Trên thị trường OTC, giá cổ phiếu An Bình được cho là đang giao dịch ở mức giá thấp hơn mệnh giá khoảng 30%.
Trên thực tế, ABBank là một trong số ít các doanh nghiệp mà EVN đầu tư ngoài ngành có lãi (cùng với EVNFinance). Tuy nhiên, những khó khăn chung cùng với mặt chung cổ phiếu trên thị trường là rất thấp nên kế hoạch thoái vốn với mức giá gốc là 10.000 đồng/cp có lẽ là bất khả thi.
Còn với các vụ đầu tư vào doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả như Chứng khoán Hà Thành, EVN Land, Bảo hiểm toàn cầu... thì việc rút ra khỏi cuộc chơi và "lấy lại" được vốn ban đầu gần như là không thể.
Tình hình tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG, theo lộ trình thoái vốn của VRG, từ nay tới 2015, tập đoàn này sẽ thoái vốn 100% với 43 công ty, thoái một phần vốn ở 12 công ty. Số vốn thu hồi về dự kiến là hơn 2.500 tỷ đồng.
Xét về lộ trình, có thể nói đây là một kế hoạch thể hiện đầy quyết nhưng việc triển khai thực hiện như thế nào mới là quan trọng. Năm 2012 sắp kết thúc nhưng quá trình thoái vốn của VRG gần như chưa có tiến triển đáng kể nào. Hơn thế, trong đề án, VRG vẫn tính đến việc thoái vốn dựa trên điều kiện thị trường tài chính, kinh tế khởi sắc trở lại.
Việc thoái vốn của VRG, EVN hay nhiều tập đoàn, tổng ty khác chắc chắn sẽ gặp khó khăn, thậm chí không có lối thoát nếu các thị trường vẫn tệ hại như hiện nay. Giá đa số các cổ phiếu trên sàn và ngoài sàn đều dưới mệnh giá thì việc thoái vốn thu về bằng hoặc hơn số vốn bỏ ra là điều khó trở thành hiện thực.
Bán cố phiếu ở mức thấp hơn có lẽ là không thể, bởi việc bán rẻ tài sản của Nhà nước, thất thoát tài sản của Nhà nước sẽ liên quan tới vấn đề trách nhiệm. Ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm về những khoản đầu tư không hiệu quả lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng?
Báo cáo Tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2011; Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2012 - 2015 vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội, cho thấy, các tập đoàn và tổng công ty đầu tư gần 24.000 tỷ đồng vào ngân hàng, BĐS (tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với 2010).
Gần đây, trong đề án của mình, PetroVietnam đã xây dựng 4 nguyên tắc cơ bản để PVC và các đơn vị thành viên khác tiến hành thoái vốn, bao gồm: đúng luật, căn cứ vào tình hình thị trường, bảo toàn tối đa vốn của Nhà nước, trong trường hợp thua lỗ kéo dài không liên quan đến ngành nghề chính thì sẽ kiến nghị đề ra các phương án thoái vốn, sáp nhập hoặc phá sản...
Theo các nguyên tắc trên, những trường hợp thua lỗ kéo dài có thể bị sáp nhập hoặc phá sản. Tuy nhiên, điều mà nhiều người lo lắng là các tập đoàn, tổng công ty có mạnh tay làm như vậy hay không, hay vấn đề duy trì vị trí của các nhà lãnh đạo mới là quan trọng nhất.
Có thể thấy, trong một thời gian dài, nhiều tập đoàn đã dựa vào tín dụng ngân hàng dễ dãi, ít thế chấp, hoặc thậm chí không thế chấp để phát triển đa ngành nghề, vươn rộng ra khắp các lĩnh vực, từ BĐS, chứng khoán, cho tới sản xuất hàng tiêu dùng, xe máy, dầu gội dầu... Việc ôm đồm, phát triển không đúng sở trường đã khiến hiệu quả hoạt động quá kém. Việc rút gọn lại hoạt động, thoái vốn khỏi đầu tư ngoài ngành... có lẽ cần làm mạnh tay, triệt để và nhanh chóng. Cắt lỗ một lần còn hơn là để vấn nạn này kéo dài dai dẳng, để lại hệ lụy khó lường về sau.
Mạnh Hà
diễn đàn kinh tế VN
|