Thủ tướng “sẽ sớm phê duyệt” đề án tái cơ cấu kinh tế Việt Nam
“Quá trình soạn thảo về cơ bản đã hoàn tất và Thủ tướng sẽ sớm phê duyệt”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa ủy quyền Thủ tướng báo cáo Quốc hội việc thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế.
Là nội dung được yêu cầu bổ sung để phục kỳ họp nên bản báo cáo này chỉ vừa mới được gửi đến các vị đại biểu trong ngày 22/11.
Khó khăn lớn nhất trong tái cơ cấu đầu tư công, theo đánh giá của Chính phủ, là sự mất cân đối rất lớn giữa nhu cầu vốn có thể cân đối và nhu cầu đầu tư, nhất là của các địa phương.
|
Bên cạnh một số kết quả bước đầu, báo cáo cũng nêu không ít khó khăn, vướng mắc trong tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công.
Cho biết việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém chậm hơn so với kế hoạch dự kiến, Chính phủ cũng báo cáo với Quốc hội: một trong các khó khăn, vướng mắc là sự thiếu hợp tác, thậm chí chống đối từ phía cổ đông lớn của các ngân hàng thương mại yếu kém đối với các chính sách, biện pháp tái cơ cấu theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đã gây khó khăn cho quá trình tái cơ cấu hệ thống.
23/52 tập đoàn, tổng công ty được phê duyệt đề án tái cơ cấu
Trong lĩnh vực tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, theo báo cáo, đến ngày 22/10/2012 đã có 52 tập đoàn, tổng công ty nhà nước xây dựng đề án trình bộ chuyên ngành và Thủ tướng phê duyệt (trong đó có 16 đề án đã trình Thủ tướng). 23/52 tập đoàn, tổng công ty được phê duyệt đề án tái cơ cấu.
Đối với các doanh nghiệp địa phương, có 23 đơn vị đã xây dựng đề án trình ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, trong đó có 21 tổng công ty, công ty đã được phê duyệt đề án tái cơ cấu.
Về những vướng mắc, báo cáo nêu việc cổ phần hoá, chuyển một số đơn vị thuộc tập đoàn, tổng công ty thành công ty cổ phần đang gặp phải một số khó khăn liên quan đến kiểm toán, xác định giá trị doanh nghiệp, đối chiếu công nợ, đấu thầu chọn tư vấn định giá... đã làm cho quá trình cổ phần hóa kéo dài hơn tiến độ quy định.
Các đơn vị đã có quyết định cổ phần hoá đang gặp khó khăn về tài chính do ảnh hưởng của những khó khăn kinh tế trong nước và nước ngoài; giá trị cổ phần kém hấp dẫn nên việc cổ phần hoá không đảm bảo được đúng thời gian quy định.
Đáng lưu ý là việc thoái vốn đầu tư đối với các khoản đầu tư ra ngoài ngành sản xuất kinh doanh rất khó khăn, không bảo toàn được vốn nếu thực hiện thoái vốn trong điều kiện suy thoái kinh tế và tình hình thị trường chứng khoán đang suy giảm.
Trong năm 2013, sẽ hoàn thiện thể chế công khai, công bố thông tin đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhà nước theo các chuẩn mực tương tự như các công ty niêm yết, Chính phủ báo cáo.
2015 phải hoàn tất thanh toán nợ đọng đầu tư công
Ở lĩnh vực đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, kỷ cương trong lựa chọn, quyết định và phê duyệt dự án đầu tư đã được tăng cường; điều kiện để phê duyệt dự án đầu tư đã được thắt chặt; trách nhiệm của người đứng đầu đối với hiệu quả đầu tư nói chung và của từng dự án cụ thể nói riêng bước đầu đã được tăng cường. Do đó, tình trạng dàn trải, phân tán trong phân bổ vốn đầu tư công đã được khắc phục một cách rõ nét, nhất là ở các bộ, ngành Trung ương.
Nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước bước đầu cũng đã được thống kê, giải quyết theo hướng các bộ, ngành, địa phương phải ưu tiên bố trí vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và đến năm 2015 phải hoàn tất thanh toán số nợ đọng nói trên.
Khó khăn lớn nhất trong tái cơ cấu đầu tư công, theo đánh giá của Chính phủ, là sự mất cân đối rất lớn giữa nhu cầu vốn có thể cân đối và nhu cầu đầu tư, nhất là của các địa phương. Nhiều dự án đầu tư, kể cả trong các lĩnh vực ưu tiên đầu tư như kết cấu hạ tầng giao thông vẫn phải bị cắt giảm, đình hoãn; nhiều tuyến đường dở dang, xuống cấp... vẫn chưa cân đối được vốn để thực hiện do còn có những nhu cầu khác cấp bách hơn, quan trọng hơn.
Giải pháp được nhấn mạnh trong thời gian tới là tiếp tục cắt giảm các khoản chi chưa cần thiết, thực hành tiết kiệm chi để dành khoảng 20% tổng chi ngân sách cho đầu tư phát triển; góp phần huy động khoảng 30-35% GDP tổng đầu tư xã hội.
Ban hành Luật Đầu tư công (hay luật về quản lý vốn đầu tư nhà nước) thống nhất quản lý tất cả các loại vốn đầu tư nhà nước, bao gồm vốn đầu tư từ ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ, tín dụng đầu tư của nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp; tăng cường kỷ luật, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý chi ngân sách, kiểm soát chặt chẽ nợ công và giữ vững an ninh tài chính quốc gia là giải pháp tiếp theo.
Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền chỉ được quyết định đầu tư khi dự án đã được lựa chọn theo đúng quy trình và thứ tự ưu tiên, đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối, bố trí đủ vốn hoàn thành dự án đầu tư ở từng cấp ngân sách.
Đồng thời, thực hiện công khai hóa, minh bạch hóa thông tin về đầu tư. Tăng cường thẩm quyền và năng lực của hệ thống giám sát đối với đầu tư công, khuyến khích và tạo điều kiện cho hoạt động giám sát của cộng đồng đối với các dự án đầu tư công nói riêng và hoạt động đầu tư công nói chung.
Nguyên Hà
tbktvn
|