Thứ Bảy, 24/11/2012 16:00

Dự án Nhà máy Xi măng Thanh Sơn (Thanh Hoá): “Bất khả thi” khi còn dang dở

Hàng trăm lao động vùng giải phóng mặt bằng đã đi học nghề để phục vụ Nhà máy Xi măng Thanh Sơn (Thanh Hóa) lại đang... trồng ngô trên mặt bằng của dự án đã được triển khai 4 năm này!

Mặt bằng Nhà máy Xi măng Thanh Sơn đang được trồng ngô.

Bắc nước chờ gạo người

Là một dự án đàm phán vốn vay nước ngoài, Nhà máy Xi măng Thanh Sơn có tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng, công suất 1 triệu tấn/năm do Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thăng Long (Công ty Thăng Long) làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công từ tháng 3/2008, dự kiến hoàn thành trong quý IV/2014, nhưng hiện tại, mặt bằng của nhà máy xi măng này vẫn là... một cánh đồng ngô!

Báo cáo của Công ty Thăng Long cho biết, Dự án đã triển khai các hạng mục san lấp mặt bằng, xây tường rào bao quanh, xây dựng khu nhà điều hành, khoan đổ bê tông khoan nhồi đại trà 438 cọc bê tông, hệ thống rãnh thoát nước và cử đi đào tạo hơn 200 công nhân kỹ thuật. Số hạng mục hoàn thành trị giá 400 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, công nghệ được lựa chọn cho Dự án là công nghệ sản xuất theo phương pháp khô với hệ thống lò quay có tháp trao đổi nhiệt gồm 2 nhánh, 5 tầng xiclon, có buồng phân hủy (calciner)… Dây chuyền do tổng thầu EPC là Tập đoàn Sinoma Nam Kinh (Trung Quốc) cung cấp và lắp đặt.

Trong báo cáo của mình, phía Công ty Thăng Long khẳng định, lý do khiến Dự án Nhà máy Xi măng Thanh Sơn bị chậm tiến độ là do Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa giải ngân không đúng theo hợp đồng tín dụng đã ký kết. Thậm chí, trong Công văn số 66/BC-XMTS (ngày 27/7/2012) phía Công ty Thăng Long còn khẳng định: “Nếu Ngân hàng Phát triển Thanh Hóa giải ngân đúng theo hợp đồng tín dụng thì Dự án có lẽ đã hoàn thành”!

Nếu quả như vậy thì rõ ràng, phía ngân hàng đã làm khó Công ty Thăng Long. Vì vậy, phóng viên Báo Đầu tư đã làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa để tìm hiểu vụ việc. Tại buổi làm việc ngày 21/11/2012, những tài liệu được phía Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa cung cấp lại cho thấy một câu chuyện hoàn toàn khác.

ông Phương Ngọc Hà, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa cho biết, ngày 10/9/2008, Ngân hàng đã ký Hợp đồng tín dụng số 01/2008/HĐTD-NHPT cho Công ty cổ phần Xi măng Thanh Sơn vay 683 tỷ đồng, với lãi suất 6,9%/năm, thời gian ân hạn 2 năm và thời gian tính lãi trong 8 năm; đây là nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

Vào thời điểm ký hợp đồng, phía Thanh Sơn còn thiếu một số thủ tục, trong đó có Giấy phép khai thác mỏ. Trong hợp đồng giữa hai bên, điểm a, khoản 1, Điều 5 quy định: “Sau 12 tháng (ngày 10/9/2009), phía vay vốn phải xuất trình được Giấy phép khai thác mỏ thì Ngân hàng mới giải ngân”. Tuy nhiên, phía Công ty cổ phần Xi măng Thanh Sơn không đưa ra được giấy phép khai thác mỏ. Dù Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa đã chủ động xin chủ trương tiếp tục gia hạn đến ngày 31/12/2009, nhưng Công ty vẫn không thể hoàn thành các thủ tục để đáp ứng yêu cầu giải ngân.

Đầu năm 2010, Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa đã có công văn trả lời chấm dứt hiệu lực Hợp đồng tín dụng số 01/2008/HĐTD – NHPT với Công ty cổ phần Xi măng Thanh Sơn. Ông Hà cũng khẳng định, mặc dù rất ủng hộ chủ đầu tư thực hiện dự án này, nhưng nguồn vốn của Ngân hàng cho vay phải nằm trong kế hoạch giải ngân tổng thể do Chính phủ chỉ đạo, vì thế, hiện tại, nếu phía Xi măng Thanh Sơn có hoàn tất thủ tục, thì việc có bố trí vốn cho vay hay không là một quyết định vượt quá thẩm quyền của Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa.

Trước tình hình trên, chủ đầu tư đang tiến hành đàm phán để Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng TMCP An Bình cho vay phần vốn đối ứng còn lại của phía Việt Nam là 300 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam bảo lãnh phần vốn nhập khẩu thiết bị; Ngân hàng Cộng hòa SEC cho vay mua toàn toàn bộ thiết bị.

Như vậy, có thể hiểu rằng, điều kiện cần của Dự án lúc này là, Công ty Thăng Long đã nhóm lửa bắc sẵn “nồi nước” trị giá 400 tỷ đồng và điều kiện đủ sẽ là “gạo” để cho vào nồi, đó là sự chấp thuận của các ngân hàng. Tuy nhiên, ngay cả khi các ngân hàng chấp thuận khai thông nguồn vốn đầu tư cho Dự án, thì câu hỏi cần phải đặt ra lúc này là, có nên tiếp tục “nấu nồi cơm”?!

Liệu có lại là “dự án bất khả thi”?

Dù nhận được sự hậu thuẫn từ địa phương và ngay cả khi những đàm phán cuối cùng với các ngân hàng đối tác đạt được mục tiêu đề ra để hoàn tất nhà máy, thì vẫn có hai lý do để nghi ngờ về thành công của Dự án Nhà máy Xi măng Thanh Sơn.

Một là, dự báo năm 2012, thị trường trong nước chỉ tiêu thụ khoảng 55 triệu tấn xi măng, trong khi tổng công suất của toàn ngành là 72 triệu tấn. Ngay tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa, sau một thời gian vận hành đủ dài, hai nhà máy xi măng đã có chỗ đứng khá vững chắc trên thị trường xi măng trong nước là Bỉm Sơn và Công Thanh cũng phải giảm sản lượng.

Cụ thể, Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn có tổng công suất hơn 3,8 triệu tấn/năm, nhưng sản lượng năm nay chỉ ước đạt 2,55 triệu tấn, giảm đáng kể so với con số 3,6 triệu tấn của năm ngoái. Nhà máy Xi măng Công Thanh có công suất 1 triệu tấn/năm, nhưng phải giảm gần 31% sản lượng so với kế hoạch.

Hai là, với lượng vốn vay lên tới 1.000 tỷ đồng và gia nhập thị trường trong thời điểm thị trường bất động sản đóng băng, đầu tư công được điều chỉnh giảm với mức độ lớn như hiện nay, chủ đầu tư Dự án Nhà máy Xi măng Thanh Sơn có thể tham khảo các trường hợp của Nhà máy Xi măng Đồng Bành và Nhà máy Xi măng Cẩm Phả. Theo đó, Xi măng Cẩm Phả thua lỗ 1.259 tỷ đồng, Xi măng Đồng Bành phải đóng cửa vì không có khả năng thanh toán khoản nợ 1.298 tỷ đồng.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Sở Công thương Thanh Hóa cũng cho rằng, nếu Dự án Nhà máy Xi măng Thanh Sơn hoàn thành thì sản phẩm rất khó có chỗ đứng trên thị trường khi phải cạnh tranh với các sản phẩm tương tự, có thương hiệu và có thị trường truyền thống, trong khi giá thành sẽ cao do gánh thêm chi phí vận chuyển xa so với các dự án khác.

Một lý do nữa khiến ông Hùng cho rằng, Nhà máy Xi măng Thanh Sơn sẽ là dự án “bất khả thi” là, công nghệ của Dự án không phải là vượt trội. “Sản phẩm không có sự khác biệt thì sẽ rất khó có chỗ đứng trong thị trường”, ông Hùng nghi ngại.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa cũng đưa ra khuyến cáo, chủ đầu tư nên xem xét việc triển khai dự án khi còn chưa muộn, bởi nếu cố gắng đầu tư, trước những biểu hiện “bất khả thi” của Dự án thì chỉ thêm gánh nặng về tài chính và hệ lụy càng khó lường.

Sĩ Chức

đầu tư

Các tin tức khác

>   Giúp “quả đấm thép” giảm gánh nặng nợ nần (24/11/2012)

>   Dự án cảng biển tỷ đô có gây ô nhiễm? (24/11/2012)

>   Sai phạm hàng chục tỷ đồng ở dự án thủy điện Sê San 4 (24/11/2012)

>   Doanh nghiệp bị thâu tóm, nợ càng phình to (24/11/2012)

>   Thái Lan muốn rót gần 29 tỷ USD cho dự án lọc dầu tại Việt Nam (24/11/2012)

>   Tập đoàn mắc kẹt đầu tư ngoài ngành (24/11/2012)

>   Thủ tướng phê duyệt Đề án tái cơ cấu EVN (23/11/2012)

>   Tây Ninh tuồn hàng miễn thuế vào nội địa (23/11/2012)

>   Thủ tướng “sẽ sớm phê duyệt” đề án tái cơ cấu kinh tế Việt Nam (23/11/2012)

>   Tập đoàn lỗ khủng: Trăm sự tại khách quan? (23/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật