Nỗi đau Trung Quốc
Đà tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc đã và đang tác động tiêu cực đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp nước này cũng như của các tập đoàn quốc tế đang làm ăn tại đây.
Sau khi đạt tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra (chỉ đạt 7,4% trong quý III/2012), nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu phát ra những tín hiệu lạc quan.
Giao dịch trên thị trường bất động sản đã được cải thiện, đà suy giảm trong hoạt động sản xuất chậm lại. Tổng lợi nhuận của các tập đoàn công nghiệp lớn Trung Quốc tăng 7,8% trong tháng 9.2012 so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đã giảm 6,3% trong tháng 8, theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Thế nhưng, sự lạc quan này cũng không thể che giấu một thực tế: đà tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc đã và đang tác động tiêu cực đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp nước này cũng như của các tập đoàn quốc tế đang làm ăn ở Trung Quốc.
Xây dựng và cơ sở hạ tầng khốn đốn
Theo S&P Capital IQ, các khoản phải thu đã tăng mạnh tại 66% trong số các công ty niêm yết Trung Quốc đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2012.
Trước đó, nhiều công ty đã mạnh tay đầu tư với kỳ vọng Trung Quốc sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số. Nhưng với việc tăng trưởng chỉ 7,4% trong quý III/2012, quý thứ bảy liên tiếp tăng trưởng chậm lại, các doanh nghiệp này đã bị hụt hẫng.
Những doanh nghiệp bị tác động mạnh nhất rơi vào lĩnh vực xây dựng và cơ sở hạ tầng, trong đó có các nhà sản xuất máy móc thiết bị, nhà máy thép, các công ty xi măng và than đá. Nhà sản xuất máy móc Sany Heavy cho biết các khoản phải thu đã tăng 83% tính từ đầu năm 2012 đến cuối quý III, lên tới 21 tỉ nhân dân tệ. Lý do, theo Công ty, là một số đối tác đã chậm hoặc hoãn việc thanh toán tiền. Các công ty sản xuất máy móc khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Janet Zhang, chuyên gia kinh tế tại GaveKal Dragonomics, cho biết một số doanh nghiệp do dự không muốn cắt giảm sản lượng. Vì thế họ tiếp tục sản xuất và bán hàng thậm chí khi người mua không còn khả năng thanh toán.
Các nhà sản xuất kim loại và khai thác mỏ cũng dùng dằng không muốn cắt giảm sản lượng, mặc dù nhu cầu đối với hàng hóa của họ đã giảm mạnh. Nếu tình trạng này kéo dài, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng về vốn, dẫn đến thua lỗ và thậm chí phá sản.
May mặc cũng không khá hơn
Đà suy giảm của kinh tế Trung Quốc đã đánh mạnh vào sức mua của người dân nước này. Điều đó còn thể hiện rõ ở ngành may mặc.
Những năm qua, các nhà bán lẻ thế giới đã đặt nhiều kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ tại Trung Quốc, thị trường mà hãng tư vấn Boston Consulting Group dự kiến sẽ chiếm tới 30% tăng trưởng của cả ngành thời trang thế giới trong 5 năm tới. Hãng sản xuất túi xách và hàng may mặc Mỹ Coach năm ngoái cho biết sẽ đưa Trung Quốc trở thành thị trường số 1 của Công ty trong 3 năm tiếp theo, qua việc mở thêm nhiều cửa hàng lớn. Còn Macy (Mỹ) thì đã đầu tư 15 triệu USD vào một trang web của Trung Quốc.
Nhưng bây giờ họ sẽ phải thất vọng. Nike, hãng sản xuất trang phục và giày thể thao Mỹ, cho biết các đơn đặt hàng trong quý tài chính kết thúc vào tháng 8.2012 đã giảm 6% tại Trung Quốc, so với cùng kỳ năm ngoái.
“Có một thực tế là nhiều nhãn hàng sẽ phải lo xử lý mớ hàng tồn kho quá lớn”, Ben Cavender, chuyên gia phân tích cấp cao tại China Market Reseach Group, nhận xét.
Theo ông Yang Donghao, Giám đốc Tài chính của Vipshop, nhà bán lẻ trực tuyến hàng may mặc giảm giá hàng đầu của Trung Quốc, từ đầu năm đến nay, đã có tới hơn 3.000 nhãn hàng nhờ Vipshop bán đi mớ hàng tồn, tăng tới 58% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng không là ngoại lệ. Hàng tồn kho tại Shanghai Metersbonwe Fashion & Accessories Co. đã tăng mạnh, chiếm 50% tổng tài sản ròng của doanh nghiệp này vào năm ngoái.
“Thời tăng trưởng cao của ngành may mặc Trung Quốc đã chấm dứt. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ không bao giờ quay trở lại tốc độ tăng trưởng 2 con số như trước đây”, Han Weiwen, chuyên gia phân tích tại Bain & Co, nhận xét.
Tuy nhiên, Aidan O’Meara, Chủ tịch bộ phận châu Á Thái Bình Dương của VF Corporation, tin rằng sự đi xuống này chỉ là tương đối, vì tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh ở Trung Quốc sẽ giúp đẩy doanh số bán hàng may mặc lên cao trong dài hạn. Theo chuyên gia kinh tế Homi Kharas của Brookings Institution, có khoảng 247 triệu người, tương đương 18% dân số Trung Quốc, thuộc tầng lớp trung lưu, nghĩa là gia đình họ chi tiêu trung bình từ 10 USD đến100 USD mỗi ngày. Và con số này có thể đạt tới 607 triệu vào năm 2020.
Đối với các khoản phải thu tăng mạnh ở nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, một số chuyên gia kinh tế cho rằng vấn đề này sẽ được cải thiện vào cuối năm nay khi các chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ Trung Quốc bắt đầu phát huy tác dụng.
Hơn nữa, hệ thống ngân hàng Trung Quốc cũng chưa cho thấy dấu hiệu khó khăn về tín dụng. Tính đến tháng 6.2012, tỉ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng chỉ là 0,9%. Tại nhiều ngân hàng lớn của Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận vẫn đạt 2 con số. Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc cũng đồng thời tăng mạnh việc trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản cho vay khó đòi trong quý thứ ba liên tiếp. Trong quý III, Agricultural Bank of China đã tăng trích lập tới 311,20% các khoản nợ khó đòi, tăng 48,10 điểm phần trăm so với cuối năm ngoái. Điều này cho thấy tình hình tài chính cũng như khả năng trả nợ của doanh nghiệp chưa hẳn đã lạc quan, nhất là trong bối cảnh kinh tế vĩ mô cả trong lẫn ngoài Trung Quốc vẫn còn nhiều biến động.
Đàm Hoa - (Theo WSJ và FT)
nhịp cầu đầu tư
|