Thứ Bảy, 19/05/2012 15:03

CEO JPMorgan Chase đã tạm vượt qua cơn thử thách

Ngược lại với mọi đồn đoán, rằng sẽ bị “đánh” tơi bời, kết thúc đại hội đồng cổ đông thường niên của JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon đã thoát hiểm một cách khá ngoạn mục.

Jamie Dimon

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên của JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất Mỹ (xét theo tổng giá trị tài sản), tổ chức ngày 15/5 tại Tampa (bang Florida), đúng như dự đoán ban đầu, ông Jamie Dimon, 56 tuổi, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của JPMorgan Chase đã trở thành mục tiêu công kích và buộc phải trả lời chất vấn về nhiều nội dung, trong đó có trách nhiệm cá nhân của ông liên quan tới vụ lỗ 2 tỷ USD trong đầu tư gần đây.

Thế nhưng, ngược lại với mọi đồn đoán, rằng ông sẽ bị “đánh” tơi bời, thì kết thúc đại hội đồng cổ đông thường niên của JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon đã thoát hiểm một cách khá ngoạn mục, không hề bị tổn thương hay mất mát gì nhiều cả về mặt uy tín lẫn tài chính.

Thứ nhất, về việc bỏ phiếu truất quyền Chủ tịch của ông, chỉ có 40% phiếu thuận, 60% phiếu chống. Tức là ông tiếp tục được kiêm nhiệm đồng thời cả chức CEO lẫn Chủ tịch.

Thứ hai, câu chuyện tiền lương, thưởng năm 2011 của ông ở mức khoảng 23 triệu USD cũng được đưa ra bàn thảo, “mổ xẻ”. Nội dung này có tên nguyên văn tiếng Anh là “say on pay” (tạm dịch: bàn về tiền được trả). Nhiều người cho rằng, số tiền này là quá cao, nên cần phải xem xét, thậm chí yêu cầu ông hoàn lại một số tiền không nhỏ. Tuy nhiên, lại cũng có không ít ý kiến cho rằng, ông xứng đáng hưởng khoản thù lao như vậy, khi năm ngoái lợi nhuận của JPMorgan Chase đạt tới 19 tỷ USD. Cuối cùng, nội dung này cũng được đưa ra biểu quyết và kết quả là, có tới 91,5% phiếu đồng ý với mức thù lao mà Ngân hàng đã dành cho ông trong năm 2011.

Thứ ba là việc JPMorgan Chase bị lỗ 2 tỷ USD trong vòng vài tuần lễ gần đây. Sau khi ông  Jamie Dimon tiết lộ thông tin này vào ngày 10/5, giá cổ phiếu của JPMorgan Chase đã giảm tổng cộng hơn 12%, trong đó riêng ngày 11/5, giảm tới 9,3%. Kết quả là, giá trị vốn hoá thị trường của JPMorgan bị “bốc hơi” gần 20 tỷ USD, một con số mất mát quá lớn, đáng để các cổ đông “xót ruột” trút mọi nỗi giận lên đầu người có trách nhiệm cao nhất.

Ngay từ đầu, ông Jamie Dimon đã “thành khẩn” xin lỗi các cổ đông và hứa “chắc như đinh đóng cột” rằng: “Tình trạng này sẽ không còn được phép xảy ra nữa”. Ông cũng thông báo đã thực hiện các biện pháp kỷ luật đối với 3 nhân vật chính có trách nhiệm trong vụ này. Đó là bà Ina Drew, 55 tuổi, Giám đốc phụ trách mảng đầu tư của JPMorgan Chase, cùng với Achilles Macris, nhà quản lý cao cấp điều hành mảng đầu tư của Chi nhánh JPMorgan Chase tại London (Anh) và Javier-Martin-Artajo, một nhân viên dưới quyền. Cần phải nói thêm rằng, bà Ina Drew là một trong số những “ngôi sao” tinh tú nhất ở JPMorgan Chase được ông Jamie Dimon tin tưởng và trọng dụng. Năm ngoái, bà Ina Drew được trả lương, thưởng tổng cộng 15,5 triệu USD và là một trong số những phụ nữ được trả lương cao nhất ở phố Wall.

Dù buộc phải “trảm” bà Ina Drew, song Jamie Dimon không để bà này bị thiệt thòi về mặt tài chính. Do đã làm việc hơn 30 năm cho JPMorgan Chase với những đóng góp cụ thể được ghi nhận rõ ràng, Ina Drew được nhận khoản tiền đền bù “một cục” trị giá tới 32 triệu USD.

Sau khi đại hội đồng cổ đông của JPMorgan Chase tỏ ra khá “rộng lượng” với Jamie Dimon, thị trường và giới đầu tư ngay lập tức đã phản ứng khá tích cực. Vào cuối phiên giao dịch ngày 16/5 tại Sở GDCK New York, giá cổ phiếu của JPMorgan Chase đã tăng 1,3%, lên mức 36,24 USD/cổ phiếu.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, cho dù khoản lỗ 2 tỷ USD có thể nhanh chóng được JPMorgan Chase bù lại, song dẫu sao, đây cũng là bài học đắt giá cho công tác quản lý rủi ro của JPMorgan Chase. Từ trước đến nay, JPMorgan Chase luôn được xem là một trong số những ngân hàng thận trọng nhất và tốt nhất trong việc quản lý các rủi ro kinh doanh.

Nói chung, ông Jamie Dimon đã vượt qua được cơn sóng gió, song sắp tới, vẫn còn phải đối mặt với một số thách thức phải giải quyết một cách ổn thoả.

Giữa tuần này, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FDI) đã bắt đầu mở cuộc điều tra về khoản lỗ lớn tại JPMorgan Chase. Ông Robert Mueller, Giám đốc FBI đã xác nhận thông tin Đội phòng chống tội phạm tài chính của FBI tại New York đang ở giai đoạn điều tra ban đầu. Rồi Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng vào cuộc để tìm hiểu một cách tường tận về việc JPMorgan Chase đầu tư ra sao mà dẫn đến khoản thua lỗ lớn này.

Nguyên Giáo sư Đại học Harvard, hiện là ứng cử viên vào chức Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ ở bang Massachussett, bà Elizabeth Warren còn đề nghị cách chức thành viên FED ở New York của ông Jamie Dimon.

Ông Paul Krugman, nhà kinh tế học Mỹ đã được Giải thưởng Nobel về kinh tế cảnh báo, sai lầm của JP Morgan Chase trong việc đầu tư vào các sản phẩm phái sinh càng làm nổi lên vấn đề cần có các quy định chặt chẽ, ngặt nghèo hơn đối với các ngân hàng đầu tư vào lĩnh vực này.

Trung Hiếu (Theo báo chí nước ngoài)

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Châu Á ngày càng hấp dẫn với người dân Pháp (16/05/2012)

>   Mỹ: Những ngành kinh doanh thất thế (07/05/2012)

>   TEPCO trình chính phủ Nhật Bản kế hoạch tái thiết (27/04/2012)

>   Hãng Pfizer sắp đạt thỏa thuận 9 tỷ USD với Nestle (18/04/2012)

>   Khi CEO thu nhập bằng cả quốc gia (10/04/2012)

>   Wilbur Ross - Kền kền Phố Wall (09/04/2012)

>   Những nhân vật châu Á 'đình đám' thế giới (27/03/2012)

>   Anh có nền kinh tế dựa vào Internet nhiều nhất (19/03/2012)

>   Tây Ban Nha giải thể doanh nghiệp nhà nước thua lỗ (18/03/2012)

>   Chân dung 10 “nữ tướng” giàu nhất thế giới (08/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật