Thứ Năm, 15/11/2012 10:01

Liên doanh trong bán lẻ: Tiềm ẩn nguy cơ thâu tóm

Ngay cả các DN có tên tuổi trên thị trường, trước áp lực cạnh tranh cũng chấp nhận “bắt tay” với hãng ngoại. Tuy nhiên, đằng sau những cuộc hôn nhân đầy toan tính, và những kỳ vọng của mỗi bên, thì nguy cơ tiềm ẩn “cá lớn nuốt cá bé” vẫn hiện diện.

Sau hơn 6 năm “chung sống”, liên doanh Lotte và Minh Vân đã tan rã với việc nhà bán lẻ Hàn Quốc mua lại toàn bộ 20% vốn điều lệ của Minh Vân, chính thức trở thành công ty bán lẻ 100% vốn ngoại. “Mối duyên” đứt gánh giữa Lotte và Minh Vân vốn đã được các chuyên gia trong ngành dự báo ngay khi thị trường bán lẻ của Việt Nam mở cửa hoàn toàn kể từ 1/1/2009, nhưng đến khi kịch bản hiện thực, không ít người vẫn còn “ngỡ ngàng” cho sự hợp tác từng được tô vẽ quá nhiều triển vọng.

Lotte đã mua lại phần vốn của Minh Vân thành DN 100% vốn nước ngoài.

Bài học chưa cũ

Sau nhiều năm đề nghị tăng thêm vốn điều lệ của Lotte đã không nhận được sự đồng thuận từ đối tác Việt Nam. Tuy nhiên Lotte vẫn tiếp tục duy trì sức ép. Phía cổ đông lớn chiếm đến 80% vốn cổ phần chỉ cho Minh Vân hai hướng đi để giải quyết, bám đến cùng với liên doanh chưa có lợi nhuận và phải tăng thêm vốn góp 10 triệu USD trong tổng số vốn tăng thêm dự kiến là 50 triệu USD của cả liên doanh, hay ra đi. Cuối cùng, Minh Vân buộc phải lựa chọn bán 20% cổ phần cho đối tác Hàn Quốc.

Việc bán toàn bộ cổ phần cho Lotte được xem là phương án lựa chọn khả thi nhất cho Minh Vân trong thời điểm này. Tuy nhiên, những người trong ngành lại cho rằng Lotte đã có được món hời sau những hợp tác với Minh Vân, như trường hợp của nhiều liên doanh trong quá khứ. Bởi nếu đầu tư vào Việt Nam với 100% vốn ngoại, hãng này không những gặp phải rào cản kỹ thuật theo quy định về “thẩm tra nhu cầu kinh tế” (ENT), mà còn chịu sự cạnh tranh khốc liệt ở một thị trường bán lẻ mới nổi còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo quy định về ENT, các nhà bán lẻ có 100% vốn ngoại sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để mở điểm bán đầu tiên, nhưng từ điểm bán thứ hai trở lên, nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn do những rào cản trong ENT quy định. Bên cạnh đó, mặc dù thị trường bán lẻ Việt Nam vốn được đánh giá là thị trường tiềm năng với nhu cầu tiêu dùng hấp dẫn, nhưng sức ép cạnh tranh giữa các hãng bán lẻ lại ngày càng khốc liệt.

Đánh giá về những động thái đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam, ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng: “Các nhà bán lẻ nước ngoài rất thận trọng khi đầu tư vào Việt Nam để thăm dò sức mua, thăm dò thị trường và cơ bản là thăm dò chính sách của Việt Nam trong việc mở cửa thị trường”. Do vậy, ông Ruệ cho rằng động thái cơ bản của các nhà bán lẻ khi vào thị trường Việt Nam là “không đầu tư trực tiếp mà thông qua liên doanh, liên kết, mua bán chuyển nhượng DN”.

Nhìn vào câu chuyện của Lotte có thể thấy, việc hãng này hợp tác với nhà bán lẻ nội thông qua liên doanh được đánh giá là một lựa chọn đầy khôn ngoan để tránh những rào cản và rủi ro khi thâm nhập thị trường. Bởi ngay sau khi hợp tác với Minh Vân, thương hiệu bán lẻ nổi tiếng của Hàn Quốc này đã nhanh chóng đưa vào khai thác hai trung tâm thương mại lớn tại TP. Hồ Chí Minh mang tên Lotte Mart.

Mặc dù hoạt động kinh doanh không được như kỳ vọng, nhưng hãng này liên tục đề nghị tăng vốn điều lệ, và từ sau khi trở thành DN 100% vốn ngoại, Lotte đã tăng vốn lên 120 triệu USD. Lãnh đạo Lotte còn cho biết, ngay trong năm nay hãng sẽ có mặt tại TP. Đà Nẵng và Biên Hòa (Đồng Nai), trong một chiến lược mở thêm 60 siêu thị trên toàn quốc đến năm 2020.

“Rộ” liên doanh và rủi ro tiềm ẩn

Việc thông qua thương hiệu Việt Nam để thiết lập hệ thống phân phối nhằm tránh các rào cản của ENT đang trở thành xu hướng đầu tư của DN FDI vào lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam. Thực tế này được ông Ruệ dẫn chứng ra với các liên doanh mới đây được thành lập giữa các thương hiệu bán lẻ nổi tiếng của Hàn Quốc, Nhật Bản... với các công ty bán lẻ nội. Điển hình phải kể đến như Tập đoàn Temasek Holding liên kết với SaigonCo-op; tập đoàn bán lẻ E-Mart thiết lập liên doanh với Tập đoàn U&I Việt Nam; Itochu liên doanh với Phú Thái để thành lập FamilyMart...

Ngay cả khi thị trường bán lẻ Việt Nam bị rớt hạng, không còn nằm trong top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, hoạt động đầu tư vào thị trường này vẫn diễn ra khá sôi động. Hàng loạt những tên tuổi lớn trong lĩnh vực bán lẻ của châu Á như AEON (Hàn Quốc); Takashimaya (Nhật Bản); Berli Jucker (Thái Lan)... đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam thông qua các liên doanh với các hãng phân phối nội. Cùng với đó, các nhà bán lẻ nội có tiềm lực như SaigonCo-op, Phú Thái, Pico, Trần Anh, Hiway... cũng đẩy mạnh mở rộng chuỗi hệ thống phân phối.

Theo các chuyên gia, việc đặt ra các ENT nhằm tạo thêm thời gian và cơ hội cho các hãng bán lẻ nội nâng cao năng lực cạnh tranh, trước khi mọi rào cản bị gỡ bỏ vào năm 2015. Tuy nhiên, cũng theo ông Ruệ, hiện các DN nước ngoài vẫn tính toán, âm thầm lách luật để thâm nhập sâu vào thị trường, đợi kinh tế Việt Nam sáng trở lại và thị trường được khôi phục. “Lúc đầu ENT được đưa ra, có tác dụng thì Bộ Công Thương lại chậm ban hành các tiêu chí liên quan, không có ENT nào chung cho các địa phương, các vùng nên không còn tác dụng. Do đó, khi ENT được đưa ra thì các DN đã có liên doanh, liên kết và mở điểm thứ hai, thứ ba ngon lành”, ông Ruệ giải thích.

Nhưng trong khi câu chuyện quản lý còn “bùng nhùng” giữa mục tiêu bảo vệ DN nội khỏi sự xâm lấn của những nhà khổng lồ ngoại, nhiều cuộc liên doanh trong lĩnh vực bán lẻ vẫn tiếp diễn. Ngay cả các DN có tên tuổi trên thị trường, trước áp lực cạnh tranh cũng chấp nhận “bắt tay” với hãng ngoại. Tuy nhiên, đằng sau những cuộc hôn nhân đầy toan tính, và những kỳ vọng của mỗi bên, thì nguy cơ tiềm ẩn “cá lớn nuốt cá bé” vẫn hiện diện.

Hà Sơn

THỜI BÁO NGÂN HÀNG

Các tin tức khác

>   Nguy cơ mất thị trường nội địa (15/11/2012)

>   Giải cứu doanh nghiệp: 60 triệu thì làm được gì? (15/11/2012)

>   “Hàng hóa dịch vụ” không được phép kinh doanh đa cấp (15/11/2012)

>   Tìm ánh sáng cuối đường hầm (15/11/2012)

>   Đắt như cước vận tải: Giảm sức cạnh tranh của hàng trong nước (15/11/2012)

>   Nguy cơ có cảng mà không có đường (14/11/2012)

>   Citi Việt Nam tài trợ khai thác bô xít và sản xuất alumin ở Lâm Đồng (14/11/2012)

>   Sẽ “chỉnh” doanh nghiệp đội lốt hợp tác xã (14/11/2012)

>   Chỉ định thầu với gói thầu thuộc trường hợp đặc biệt (14/11/2012)

>   Doanh nghiệp FDI: “Góp sức” không chỉ là vốn (14/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật