Giải cứu doanh nghiệp: 60 triệu thì làm được gì?
Mấy chục nghìn tỷ đồng giải cứu DN nghe thì hoành tráng nhưng tác động thực sự lại quá nhỏ. Chính sách ban hành rất hay nhưng vẫn chưa được triển khai một cách thiết thực trên thực tế.
Hoành tráng, hóa còi cọc
Theo Bộ Tài chính, đến nay mới chỉ có khoảng 6.500 DN quay trở lại hoạt động. Con số này thật nhỏ nhoi so với khoảng 50.000 doanh nghiệp đóng cửa, giải thể trong năm nay, theo dự báo của Bộ KHĐT.
Có lẽ vì thế, mổ xẻ tại hội thảo “Về một số giải pháp phát triển sản xuất kinh doanh trong điều kiện hiện nay” do Đại học Đại Nam chủ trì tổ chức cuối tuần qua, hiệu quả của gói giải cứu DN đều không được các chuyên gia kinh tế đánh giá cao.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhẩm tính: “Thử chia 11.000 tỷ đồng tiền thuế VAT đã gia hạn cho hơn 190.000 DN, trung bình được 60 triệu đồng cho một doanh nghiệp. Thử hỏi, 60 triệu đồng thì làm được gì? Đấy mới chỉ là gia hạn cho DN, chứ không phải là giảm”.
Ông liệt kê: “Thuế thu nhập doanh nghiệp gia hạn hơn 3.000 tỷ, chia bình quân, mỗi DN được hưởng 43 triệu đồng. Nếu chỉ làm gia hạn mà các DN phải tốn kém thời gian đi làm thủ tục thì có đáng không? Gói “ghê” hơn là miễn, giảm thuế môn bài cho các hộ đánh bắt thủy sản, làm muối, tới 12 tỷ đồng nhưng chia cho 45 triệu hộ thì mỗi hộ chỉ được miễn có 276.000 đồng”.
“Ngay cả Nghị quyết 29 của Quốc hội ban hành tháng 6, miễn 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, tổng giá trị ước khoảng 7.000 tỷ đồng. Đến nay, Bộ Tài chính cho biết đã thực hiện được 6.500 tỷ nhưng không đưa con số cụ thể bao nhiêu DN được hưởng. Nếu chia bình quân cho hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn DN thì vài ngàn tỷ đồng đó cũng không đáng kể”, ông Ánh bày tỏ.
Theo vị chuyên gia này, “nếu đem ra báo cáo Quốc hội thì chính sách này có đáng ban hành ra không để cứu DN?”
Không những thế, nhìn vào những con số thành tích của đại sự cứu DN, các chuyên gia kinh tế còn bóc trần bản chất không mấy sáng sủa.
“Gốc của câu chuyện gia hạn thuế thu nhập DN chính là các DN trước đây vốn đã nợ thuế, “chẳng qua, không thu được nên giờ gia hạn, tức là cho nợ!”, ông Ánh nói.
TS Cao Sĩ Kiêm, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ bình luận: “cơ quan thống kê nói có một vài nghìn DN phục hồi, có lãi, rồi có thêm mấy chục nghìn DN được thành lập mới. Thực chất, cái mới đó không chừng là do cái cũ nợ nần, phải giải thể nên họ lập ra cái mới để vay vốn tiếp, chứ không hẳn là đã là sự phát triển rầm rộ, lành mạnh”.
Bức tranh này cũng được đại diện ngân hàng xác nhận. Ông Nghiêm Tiến Sỹ, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng GPBank bày tỏ, con số 100% DN đang chết hoặc khó khăn là rất chính xác. “Trong số tất cả các DN mà chúng tôi tiếp cận được thì ước 30% là “nghỉ”. 40% DN thực sự lâm nguy và 30% còn tốt theo quan điểm của ngân hàng, nghĩa là họ còn duy trì được 70% công suất”.
Mù mờ thông tin, cứu kiểu gì?
Mù mờ thông tin, không rõ chân tướng vấn đề là điều khiến nhiều chuyên gia kinh tế bức xúc nhất. Trong bối cảnh đó, thật khó để đề ra giải pháp cứu DN trúng, đúng, có tác dụng thực sự được.
Đơn cử như câu chuyện nợ xấu, hàng tồn kho hay việc tiếp cận tín dụng. Ông Ánh nêu nghịch lý: “gần 220.000 tỷ đồng nợ xấu khi công bố, không ai tin chỉ có thế”.
Ông phân tích: “Cơ quan thống kê nói sức mua suy kiệt nhưng rõ ràng, tốc độ tiêu dùng 10 tháng đầu năm nay vẫn tăng 6,8%, cao hơn năm 2011 là 4,7% (đã loại trừ giá), tức là, tiêu thụ vẫn tốt, vậy sao DN vẫn chết? Chưa kể, chúng ta nói giải phóng hàng tồn kho nhưng rõ ràng, tồn kho của sắt thép, xi măng vốn đã được nhìn thấy trước vì cung dư thừa, nên không thể đánh đồng với việc tồn kho hàng tiêu dùng, may mặc được”
Nhân chuyện này, nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Trương Đình Tuyển bình luận: “ Nợ xấu bao nhiêu thì có thể Ngân hàng Nhà nước biết. Trong số hơn 300.000 tỷ đồng, nợ xấu hầu hết là DNNN, từ các Tập đoàn Kinh tế, nhưng nếu công bố rõ ra là bao nhiêu thì sẽ là quả bom khủng khiếp. Cho nên ngân hàng nghĩ thà không công bố ra còn hơn?”
Trong khi đó, việc cứu cả DNNN và bất động sản như chính sách hiện nay bị chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phản ứng mạnh nhất.
Bà nói: “Bất động sản lời rất nhiều thời gian qua, họ đã “ăn” quá nhiều, “ăn đủ” rồi mà giờ kêu ca. DNNN vẫn sử dụng 50% nguồn lực quốc gia mà hoạt động kém hiệu quả nợ xấu nhiều. Họ tin mình là “cục máu đông” nên có tâm lý chờ đợi được cứu”.
“Bao nhiêu năm nay, những DN này được nhiều khoản lợi và đẩy khó khăn cho nền kinh tế . Giờ, Nhà nước phải bắt họ phải trả lại một phần cho nền kinh tế, chứ không phải là lúc Nhà nước cần bỏ thêm tiền cứu họ. Nếu bỏ tiền ra cứu, là không đúng đạo lý đối với mấy chục triệu người dân. Không thể bắt 80 triệu người cứu những người giàu được”, bà Lan nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Trương Đình Tuyển bày tỏ quan điểm khác: “DNNN lớn chết, kéo theo DNVVN chết theo. Cho nên, tôi đồng ý, DN nào đáng chết, kể cả Nhà nước hay tư nhân thì cho chết. Nhưng nếu không đáng chết thì phải cứu, kể cả DNNN để những DN này còn kéo vệ tinh, kéo nền kinh tế lên”.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là làm sao để chính sách “cứu DN” thực sự tác động đến được DN.
Từ góc độ quản trị DN, Chủ tịch HĐQT trường Đại học Đại Nam, nguyên TGĐ VPbank, ông Lê Đắc Sơn nhìn nhận: “Cũng như câu chuyện điều hành một doanh nghiệp, nếu đưa ra mệnh lệnh gì, mà lãnh đạo DN không quy trách nhiệm cụ thể thì không bao giờ có người làm và không thể thành công. Tầm quốc gia cũng vậy, chúng ta đưa ra rất nhiều chính sách hay như gỡ nợ xấu, gỡ khó cho DNVVN thì ai làm, phương án làm thế nào? Nếu người làm không được thì có để họ làm nữa không?
“Theo tôi, phải đi tận cùng câu chuyện, nếu người được giao việ không làm được thì nên cách chức ngay, như kinh doanh đổ vỡ thì Tổng giám đốc sẽ bị đuổi việc. Vừa qua, những chính sách đưa ra không được chỉ đạo đến nơi, đến chốn, không có người chịu trách nhiệm thực hiện mà chỉ dừng lại ở trên giấy”, ông Sơn nói.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan về cái khó của DN, ông Lê Đắc sơn cho rằng, nhiều DNVVN bật lên từ bản năng tự nhiên, có chút tiền, đi làm gia công, buôn bán nhưng không chú trọng tự đào tạo, nâng cao mình thì phải chấp nhận đào thải. Nhiều DN chết vì họ không đủ khả năng tự cứu mình. Họ đành chấp nhận cuộc chơi, thắng làm vua, thua làm giặc.
“Khó khăn hiện nay cũng là một cuộc sàng lọc, đào thải, những người đủ bản lĩnh sẽ tồn tại được. Nếu muốn thành công, DN phải học, có tầm nhìn chiến lược để DN mình đi đến đâu, để ứng phó với khủng hoảng, để tồn tại”, ông Sơn nói.
Phạm Huyền
vietnamnet
|