Thứ Ba, 20/11/2012 06:15

Lãng phí tàu khổng lồ - Kỳ 2: Nhà máy đóng tàu chờ chết

Hàng loạt nhà máy đóng tàu nhỏ trước đây đã được “nâng cấp” thành tổng công ty, với tham vọng xây dựng ngành đóng tàu Việt Nam quy mô, tầm cỡ. Nhưng nay đa phần trong số đó đang rơi vào cảnh hoang tàn, đìu hiu.

>> Lãng phí tàu khổng lồ

Những đà tàu trơ sắt gỉ

Tại Hải Phòng, những “ông lớn” ngành đóng tàu như Tổng công ty (TCT) công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng qua Nam Triệu đến Phà Rừng nay im lìm trơ trọi sắt thép, vắng bóng công nhân. Cách đây vài năm, TCT công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng (Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin) tự hào vì những chiếc tàu chở khí hóa lỏng ethylene được bàn giao cho khách hàng nước ngoài thì nay bên hông nhà máy vẫn còn một bồn khí hóa lỏng nằm chỏng chơ màu trắng đục trên nền trời đông xám xịt. TCT công nghiệp tàu thủy Nam Triệu từng hào hứng với hợp đồng đóng tàu chở 6.900 ô tô cho đối tác Na Uy, hợp đồng ấy chưa biết bao giờ mới có thể bàn giao. Trong khuôn viên nhà máy (NM) là những phân đoạn của con tàu khổng lồ vẫn nằm chơ vơ thiếu ánh lửa hàn.

Những phân đoạn của con tàu đóng dở đang han gỉ nằm phơi mưa phơi nắng tại TCT công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng (Hải Phòng)

Cũng tại Nam Triệu, đà tàu 100.000 tấn nằm trên bờ sông Bạch Đằng, thuộc địa bàn xã Tam Hưng, H.Thủy Nguyên vẫn trơ trọi với 1 con tàu nằm dở dang trên đó đã 2 năm. Phía hạ lưu sông Bạch Đằng, cách đà tàu 100.000 tấn là triền đà 70.000 tấn cũng của TCT này với vốn đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng cũng chỉ là một bãi cọc chơ vơ. Cọc bê tông đóng sâu xuống nước nay đã trơ thép han gỉ. Người dân khu vực này phản ánh, thỉnh thoảng lại có người vào cưa trộm sắt ở các cột.

Bị “chết chìm” với NM đóng tàu là nhiều NM hỗ trợ như điện, thép cán nóng. NM điện diezel Cái Lân trị giá hơn 35 triệu USD được Vinashin đầu tư từ những năm 2003 đang nằm không hoạt động vì ngưng hoạt động còn đỡ lỗ hơn chạy máy do tiêu hao nhiên liệu quá lớn. Chịu số phận tương tự là NM cán nóng thép tấm Cái Lân, từng được đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng từ năm 2002 với tham vọng VN sẽ đóng tàu bằng chính thép tấm sản xuất trong nước. Nhưng NM này ì ạch mãi đến đầu năm 2010 mới chạy thử ra lò mẻ thép cán nóng đầu tiên, đúng vào thời kỳ suy thoái, khi nhu cầu thép đóng tàu giảm xuống cực thấp. Tính tới nay, NM cũng chỉ dừng lại ở việc chạy thử vài lần. Một cán bộ quản lý NM phân trần, về lâu dài, ngành đóng tàu vẫn cần một NM cán nóng thép tấm. Nhưng cái khó là không có đơn hàng đóng tàu nên nhu cầu tôn thép rất thấp, gần như không có. Chưa kể, ngay cả khi có đơn hàng thì với việc vẫn phải nhập phôi thép tấm từ Trung Quốc, giá thép sản xuất ra cũng chưa chắc đã cạnh tranh được với thép Trung Quốc. Bởi thế, ban lãnh đạo NM đành phải “treo lò chờ thời”.

Bán không ai mua

Từ tháng 11.2010 tới nay, việc tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vẫn đang được thực hiện. Theo đó, tập đoàn này đã được thu gọn quy mô, các DN thành viên như Nam Triệu, Bạch Đằng, Phà Rừng cũng được tinh giản. Tuy nhiên, kết quả tái cơ cấu này chưa được như mong muốn do nhiều nguyên nhân như vận tải biển thế giới suy thoái kéo dài, ảnh hưởng lớn tới đơn hàng của các đơn vị thành viên Vinashin.

Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo một NM đóng tàu của Vinashin (đề nghị giấu tên) cho rằng: “Với hoàn cảnh hiện nay, cái cần thiết là phải chấp nhận đau một lần, phải bán rẻ tài sản để cắt lỗ. Chính phủ cần mạnh dạn cho bán một số NM có vị trí đẹp nhưng làm ăn ít hiệu quả như NM đóng tàu Bạch Đằng rộng hơn 20 ha ở trung tâm TP.Hải Phòng để dồn sức vào 4-5 NM đóng tàu, sửa chữa tàu biển trọng điểm. Những NM có diện tích lớn nhưng không hiệu quả có thể bán cho DN bên ngoài để làm NM đóng tàu hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Những con tàu đang dở dang cần phải chấp nhận bán rẻ để thu hồi được đồng nào tốt đồng đó. Nếu vẫn cơ chế như hiện nay, không ai dám bán, vì bán sẽ dễ đi tù. Nếu cứ để vậy thì tài sản hao mòn, tôn sắt han gỉ, thiệt hại cũng là của nhà nước”.

Cùng quan điểm này, nhưng ông Chu Quang Thứ, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải VN nhìn nhận, bán để giảm lỗ là cần thiết, nhưng rất khó khăn do đây là tài sản của DN nhà nước. Những tài sản trước đây đầu tư hàng nghìn tỉ đồng nay chỉ còn lại vài chục, vài trăm tỉ. Để giải quyết được điều này, phải hình thành cơ chế rõ ràng: ai có quyền quyết? Nếu đây là DN nhà nước thì Chính phủ giao cho Bộ Tài chính chịu trách nhiệm bán hay giao trực tiếp cho DN được bán. Việc bán các tài sản này cũng liên quan đến việc đánh giá lại tài sản hiện tại, sát với thực tế hơn cùng với việc hạch toán lại sổ sách, các khoản nợ.

Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên chiều 19.11, ông Trương Văn Tuyến, Tổng giám đốc Vinashin cho hay, việc bán một số NM đóng tàu hoạt động không hiệu quả hay những con tàu dở dang quá hạn hợp đồng lâu rất khó khăn, vì bán không có ai mua. Không chỉ thị trường thế giới, mà ngay cả tại thị trường Việt Nam cũng không có nhà đầu tư nào mua lại các tài sản này. Thêm vào đó, theo ông Tuyến, việc thanh lý hay bán tài sản cũng đang vướng nhiều rào cản về mặt thủ tục, pháp lý, nên vẫn cần thận trọng, cân nhắc kỹ trong lộ trình tái cơ cấu của tập đoàn.

Doanh nghiệp đóng tàu tư nhân cũng “chết”

Không chỉ các công ty con của Vinashin, qua khảo sát, các công ty đóng tàu tư nhân tại Hải Phòng cũng đang lâm vào hoàn cảnh hết sức bi đát. Mới đây, Công ty TNHH đóng tàu Đại Dương (Đầm Triều, Quán Trữ, H.Kiến An, Hải Phòng) đã cho nghỉ phần lớn số công nhân, chỉ giữ lại khoảng 100 người, trước đây NM này có khoảng 500 công nhân. Theo một lãnh đạo công ty, thời gian tới NM cũng chưa có đơn hàng đóng mới.

NM đóng tàu Thái Sơn (xã Lê Thiện, H.An Dương, Hải Phòng) hiện có 5 tàu, trong đó có 3 tàu trọng tải 7.200 tấn đang đóng nhưng “chưa biết ngày nào bàn giao” - lời một cán bộ NM. Hiện số lao động toàn NM còn lại hơn 100 người, trong tổng số hơn 700 người trước kia.

Hải Đăng


Thiên Bình - Mai Hà

THANH NIÊN

Các tin tức khác

>   Năm tới, xuất khẩu sang EU sẽ tiếp tục khó (19/11/2012)

>   1.075 tỉ đồng bình ổn thị trường dịp Tết (19/11/2012)

>   Chuyển Tổng công ty Bưu chính Việt Nam về Bộ Thông tin và Truyền thông (19/11/2012)

>   DN thép Thổ Nhĩ Kỳ muốn liên kết với đối tác Việt (19/11/2012)

>   Làm rõ khái niệm doanh nghiệp nhà nước (19/11/2012)

>   Tâm thư của đại gia thủy sản vỡ nợ (19/11/2012)

>   Phát triển hạ tầng: Đã thấy "chìa", làm sao mở khóa? (19/11/2012)

>   Đà Nẵng: Doanh nghiệp chết, không “chôn” được (19/11/2012)

>   Tập đoàn nợ khủng nhưng không biết sợ (19/11/2012)

>   Lãng phí tàu khổng lồ (19/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật