Thứ Hai, 19/11/2012 09:22

Đà Nẵng: Doanh nghiệp chết, không “chôn” được

Cũng giống như số phận của một số con tàu thủy của Vinalines, Cty TNHH Một thành viên cơ điện và xây lắp CN tàu thủy - Sicemvina - thuộc Tập đoàn CN Tàu thủy VN - hiện cũng đang rơi vào tình trạng “mắc cạn” ở Đà Nẵng bởi DN này đã gần như phá sản, nhưng vẫn chưa có biện pháp giải quyết hậu quả.

Sicemvina giờ chỉ còn là bãi sắt gỉ hoang tàn. Ảnh: Thanh Hải

Gỉ sét hoang tàn

Sicemvina được thành lập từ năm 2001, với lực lượng cán bộ công nhân viên lành nghề đến... 500 người, là DN nổi trội ở khu vực miền Trung. Với các sản phẩm cơ khí chủ lực là sản xuất kết cấu thép, thiết bị nâng hạ, máy móc dây chuyền công nghệ, gia công cơ khí, trụ điện chiếu sáng... Sicemvina không chỉ cung ứng cho các DN ở hầu khắp các khu công nghiệp lớn ở miền Trung, VN mà còn xuất khẩu sang các thị trường Đông Nam Á, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc... với doanh thu hằng năm 20- 50 tỉ đồng. Thế nhưng thời vàng son này kéo dài chưa quá 5 năm và Sicemvina đã rơi vào cảnh chết yểu vì nợ nần.

Từ năm 2008 đến nay, DN này gần như ngừng toàn bộ hoạt động. Gần 500 cán bộ công nhân viên đã phải tứ tán, mất việc... nay chỉ còn vẻn vẹn 7 người (kể cả ban giám đốc và bảo vệ). Tọa lạc trên phần diện tích 47.000m2, ngay cửa ngõ phía bắc - đường vào TP.Đà Nẵng (đường Tạ Quang Bửu, KCN Liên Chiểu), Sicemvina giờ trở thành bãi phế liệu hoang tàn, gỉ sét theo mọi nghĩa. Cánh cổng chính với lôgô của Vinashin to vật vã - niềm tự hào của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN một thời, giờ cỏ dại phủ kín. Cống thoát nước ngay cửa vỡ toang, tạo thành hố sâu mất cả lối vào, nhưng không được sửa chữa từ nhiều năm nay. Chúng tôi phải vòng vào cổng phụ. Anh bảo vệ gầy còm, đơn độc với chiếc tivi cũ, giật thót người vì bỗng dưng... có khách. Mảnh đất rộng, phân xưởng lớn bây giờ càng ghê rợn bởi sự hoang vu. Căn nhà điều hành 3 tầng, hiện chỉ duy nhất 1 cán bộ phòng hành chính ngồi “trụ trì”, giữ của nợ. Cán bộ phòng hành chính Nguyễn Thị Sang giờ là “quản lý” chính của Sicemvina. Cô trơ trọi, lặng thinh ngồi thêu tranh hình chữ thập. Sang cho biết đã đơn độc như vậy gần 4 năm nay. Khi DN ngừng hoạt động, không thu hồi được nợ, từng người một rời bỏ Cty, rồi ào ạt ra đi... Đến nay chỉ còn ban giám đốc và 3 nhân viên. Trong đó, 1 chị phòng tài chính có bầu, nghỉ sinh, 1 chị bận việc nhà, nghỉ. Chỉ mình Sang là trung thành với mảnh đất hoang này, mỗi ngày cô đến ngồi chờ trong vô vọng. Trong khi đó, Ban GĐ Sicemvina gần như “mất tích”.

Không cho “chôn”

Ông Trần Quang Tuấn - Phó Tổng GĐ Vinashin, kiêm Tổng GĐ Cty xây lắp và công nghiệp tàu thủy miền Trung (Cty mẹ của Sicemvina) - tức đến nghẹn lời khi nói về cái chết và sự “phơi thây” của hàng loạt DN là đơn vị con, trực thuộc Vinashin tại khu vực miền Trung.

Ông Tuấn cho biết, Sicemvina nguyên là DN hoạt động có hiệu quả hàng đầu, chuyên cung ứng các sản phẩm cơ khí, điện công nghiệp cho khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), thế nhưng do cơ chế điều hành của tập đoàn, những hành xử trái khoáy của lãnh đạo Vinashin trong các hoạt động kinh tế, kế hoạch... đã dẫn DN đến chỗ chết.

Đến những năm 2009 - 2010, Sicemvina chỉ nợ chưa đầy 20 tỉ, phần lớn là nợ ngân hàng. Tuy nhiên, các DN khác nợ Sicemvina cũng trên 10 tỉ đồng. Thời điểm đó, tiềm lực của DN này còn lớn, có khả năng vượt qua khủng hoảng. Để khắc phục khó khăn, năm 2011, chúng tôi đã rao bán Sicemvina. Đã có nhiều DN ngoài ngành dặm mua với giá 55 tỉ đồng. Thế nhưng Tập đoàn Vinashin đã vô cớ không cho phép bán.

Hậu quả của việc không cho bán đó khiến DN “phơi thây” ròng rã trong nợ nần, lãi suất chồng chất, gỉ sét vật liệu, thiết bị... và giá trị tài sản hiện giờ thậm chí đã bị âm. Bây giờ, muốn giải quyết Sicemvina, chỉ còn biết chờ quyết định từ Bộ GTVT, Chính phủ và cách duy nhất là bán nợ. Chưa kể số phận của hàng trăm công nhân đã phải long đong, gánh nợ của Sicemvina bây giờ Nhà nước phải chịu trận. Đó chỉ là một trong số các DN của Vinashin đang chết dở tại miền Trung hiện nay.

Thanh Hải

Lao Động

Các tin tức khác

>   Tập đoàn nợ khủng nhưng không biết sợ (19/11/2012)

>   Lãng phí tàu khổng lồ (19/11/2012)

>   "Hậu Vinashin": Triền đà trơ cọc dở dang, ụ nổi phơi tàu gỉ sét (18/11/2012)

>   Kiểm soát độc quyền còn quá sơ sài! (18/11/2012)

>   Các tỉnh ĐBSCL thất thu 6.000 tỷ đồng do tôm chết (18/11/2012)

>   Xuất siêu, tỷ giá có khả năng hạ thêm (18/11/2012)

>   Nghị định mới về phân quyền sở hữu DN Nhà nước (18/11/2012)

>   Ngân hàng siết nợ, đại gia Phương Nam trắng tay (17/11/2012)

>   Dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A: Lợi bất cập hại (16/11/2012)

>   Holcim VN tự cung cấp điện cho nhà máy xi măng (16/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật