Xuất siêu, tỷ giá có khả năng hạ thêm
Tỷ giá USD/VND mua vào của các NHTM trong những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11/2012 duy trì ở dưới mức tỷ giá mua vào của NHNN. Đây chính là cơ sở để NHNN có thể tiếp tục mua vào ngoại tệ và cung ứng thêm VND ra thị trường.
Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan vừa được công bố cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ II tháng 10/2012 (từ 16/10 đến 31/10) đạt gần 10,51 tỷ USD, tăng 7,3% so với kết quả nửa đầu tháng. Tính từ đầu năm đến hết tháng 10/2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 187,54 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, xuất khẩu là 93,8 tỷ USD, tăng 18,9% và nhập khẩu là 93,74 tỷ USD, tăng 6,7%. Cán cân thương mại trong kỳ II tháng 10 thặng dư 662 triệu USD, giúp cả nước xuất siêu 64 triệu USD trong 10 tháng đầu năm, bằng 0,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau một thời gian dài tạm ngưng phát hành tín phiếu, thì từ đầu tháng 10/2012 đến nay, NHNN đã liên tục phát hành các đợt tín phiếu khác nhau. Tính từ 10/10 đến 7/11, cơ quan này đã phát hành tổng cộng 18.762 tỷ đồng để hút tiền về. Tuy nhiên, lượng tiền gửi vào hệ thống NHTM, đặc biệt là VND vẫn tiếp tục tăng nhanh. Nguyên nhân được các nhà quan sát nhận định chủ yếu do NHNN đã mua vào một lượng lớn tiền gửi ngoại tệ, khiến cho lượng tiền VND tương ứng được cung ra thị trường khá lớn.
Cụ thể, giai đoạn tháng 6, tháng 7/2012 thì hầu như tỷ giá mua vào của các NHTM đều thấp hơn tỷ giá mà NHNN công bố mua vào. Như vậy, các NHTM có hai lựa chọn: hoặc có thể mua vào ngoại tệ bán cho khách hàng, hoặc mua vào ngoại tệ để bán cho NHNN. Nếu nguồn cung ngoại tệ quá lớn, các NHTM cũng không thể giữ trạng thái, bởi xu hướng tỷ giá đi ngang, việc giữ trạng thái ngoại tệ sẽ khiến các NHTM bị thua lỗ về lãi suất, do lãi suất VND cao hơn lãi suất USD. “Vì vậy, các NHTM nếu dư thừa nguồn ngoại tệ mua từ khách hàng sẽ chọn cách bán ngoại tệ cho NHNN”, một chuyên gia kinh tế nhận xét.
Bản tin Thị trường ngoại hối tháng 10/2012 của Nhóm nghiên cứu - Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ của BIDV cho biết, giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài tháng 10 đạt 900 triệu USD, lũy kế 10 tháng đầu năm đạt 9 tỷ USD, với cơ cấu đầu tư tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực, hướng vào các hoạt động sản xuất công nghiệp chế tạo (chiếm khoảng 66,2%). Vốn ODA giải ngân trong tháng 10 ước đạt 340 triệu USD, lũy kế 10 tháng đầu năm đạt khoảng 3,22 tỷ USD, vượt 2,5% so với kế hoạch năm. Theo tính chu kỳ, quý IV, dòng kiều hối bắt đầu tăng dần. Nhóm nghiên cứu ước tính, lượng kiều hối tháng 10 đạt khoảng 800 - 900 triệu USD.
Đặc biệt, NHNN đã chính thức công bố chưa cho phép nhập khẩu vàng, đồng thời ban hành Văn bản số 7019/NHNN-QLNH không gia hạn thời điểm các tổ chức tín dụng phải ngừng huy động vàng là ngày 25/11, nhưng việc tất toán vàng được kéo dài đến 30/6/2013. Như vậy, mối lo ngại thị trường vàng luôn là yếu tố gây tác động khiến tỷ giá tăng mạnh trong những tháng cuối năm hiện không còn. Thậm chí, nếu các NHTM đóng trạng thái vàng tài khoản còn góp phần tăng nguồn cung ngoại tệ.
Tỷ giá USD/VND mua vào của các NHTM trong những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11/2012 duy trì ở dưới mức tỷ giá mua vào của NHNN. Đây chính là cơ sở để NHNN có thể tiếp tục mua vào ngoại tệ và cung ứng thêm VND ra thị trường. Do đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, có cơ sở để tỷ giá hạ thêm vào dịp cuối năm.
Nhuệ Mẫn
đầu tư chứng khoán
|