Tập đoàn nợ khủng nhưng không biết sợ
Vinashin nợ hơn 80 ngàn tỷ, Vinalines nợ hơn 40 ngàn tỷ và Tập đoàn Sông Đà dù đã giải tán cùng để lại số nợ lên đến hơn 10 ngàn tỷ… Những con số nợ thật khủng khiếp nhưng xem ra các tập đoàn vẫn không hề lo ngại. Phải chăng là DNNN rồi sẽ có nhà nước lo?.
Không chỉ các tập đoàn trên đây nợ lớn, trong một báo cáo trả lời chất vấn của đại biểu Quộc hội, Bộ Tài chính đã cho biết, tính đến thời điểm 31/12/2011, tổng số nợ phải trả của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là 1.292.400 tỷ đồng, tăng 18,9% so với 2010. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2011 là 1,77 lần. Đặc biệt, có đến 30 tập đoàn, tổng công ty tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Trong đó có 8 đơn vị có tỷ lệ trên 10 lần, 10 doanh nghiệp từ 5 - 10 lần, 12 tập đoàn, tổng công ty từ 3 - 5 lần.
Vốn chủ sở hữu/tổng tài sản theo báo cáo hợp nhất là 0,34 lần, tổng nợ phải trả/tổng nguồn vốn bình quân tính theo số liệu báo cáo hợp nhất là 0,62 lần. Với tổng tài sản/tổng nợ phải trả, theo báo cáo hợp nhất bình quân năm 2011 là 1,62 lần. Điều này cho thấy các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang hoạt động phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn vay, dẫn đến chi phí tài chính lớn và khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp.
Trong số các tập đoàn thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nợ quá hạn 10.149 tỷ đồng. Tập đoàn Dầu khí vẫn đang nợ quá hạn 1.731 tỷ đồng. Rồi nợ quá hạn của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam 467 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 là 128 tỷ đồng, Tổng công ty Rau quả nông sản 30 tỷ đồng.
Đáng lo ngại hơn, ông Lê Xuân Nghĩa cho biết, các DN nhà nước hiện đang chiếm đến 40% số nợ xấu và phần lớn là không có tài sản đảm bảo. Nghĩa là ngân hàng có các gì để siết nợ.
Điều này cho thấy, các DNNN đã được vay vốn một cách quá dễ dãi. Thông thường các ngân hàng sẽ không thể cho vay nếu không có tài sản nhưng với các DNNN thì các khoản vốn khổng lồ vẫn được đổ vào các dự án của DNNN mà rất nhiều trong số đó là hiệu quả thấp, triển khai chậm... Điều gì khiến các ngân hàng dám mạo hiểm nếu đối tác không phải là DNNN.
Ngoài ra, bên các tập đoàn còn đang vay nợ rất nhiều ở nước ngoài. Cụ thể, EVN nợ nước ngoài lên tới 99.260 tỷ đồng. Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam là 24.027 tỷ đồng.
Với nợ nước ngoài, trong trường hợp doanh nghiệp khó khăn Bộ Tài chính sẽ ứng tiền từ quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ thay. Các doanh nghiệp phải nhận nợ bắt buộc và có trách nhiệm hoàn trả dần số tiền được ứng cho quỹ. Thực tế, hiện nay, Bộ Tài chính đang đứng ra trả nợ đang ứng trả thay cho Tổng công ty giấy Việt Nam, Tổng công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà, Tổng công ty công nghiệp Xi măng, đều là các doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ bảo lãnh vay và đang gặp khó khăn trong việc trả nợ với tổng số tiền là 109,7 triệu USD.
Theo thông tin từ Bộ trưởng Tài Chinh thì các dự án trên hiện nay đang thực hiện tái cơ cấu và cam kết sẽ hoàn trả hết số tiền nhận tạm ứng trong 5 năm tới. Nhưng xem ra những cam kết này không có gì chắc chắn khi biết rằng, hàng loạt tập đoàn khi xin bảo lãnh vay vốn nước ngoài cũng tính toán kỹ lưỡng và cam kết rất chắc chắn nhưng cuối cùng thua lỗ, không trả được nợ đành tính bài quen thuộc là đẩy nợ cho Chính phủ lo mà mới đây nhất là các dự án xi măng của Sông Đà, Vinaincon. Đó là chưa kể đến những khoản vay của Vinashin đến nay chưa thể trả được đành phải khất hoặc phải cậy nhờ Chính phủ lo liệu.
Mới đây nhất, Chính phủ đã có chủ trương cho EVN phát hành trái phiếu để trả khoản nợ hơn 10 ngàn tỷ đồng còn treo. Tập đoàn TKV vay 300 triệu USD cho các dự án boxit khi mà nhà máy đầu tiên đã lợ hẹn mấy lần, nhà máy còn lại vẫn tiếp tục được đặt câu hỏi về hiệu quả. Hơn thế, ngân sách 2013 dù rất khó khăn vẫn tiếp tục bố trí cho 5 tập đoàn lớn 3.700 tỉ đồng.
Nợ lớn và một phần trong đó là nợ xấu nhưng cho đến nay, trong các báo cáo của các cơ quan quản lý và các DNNN đều chưa có một phương án cụ thể nào để xử lý nợ đối với các tập đoàn và DNNN. Thậm chí, ngay cả Vinashin, sau thời gian tái cơ cấu gần 2 năm vẫn chua có một con số cụ thể nào về sợ đã xử lý chưa xử lý và các bước tiếp theo sẽ phải thực hiện như thế nào. Thậm chí, số nợ hơn 10 ngàn tỷ của Sông Đà còn được nhận định chung chung là không quá lo lắng và không thể mất hết.
Tuy nhiên, với thực tế đang được phơi bày với đội tàu hàng chục triệu USD ngày càng xuống cấp neo đậu như bỏ hoang khắp các cảng biển trên cả nước, các nhà máy đóng tàu và các con tàu dang dở đầu tư hàng triệu USD bỏ mặc trong hoang tàn cho đến các nhà máy xi măng mới đầu tư đã thua lỗ nặng, các dự án chậm trễ và kém hiệu quả đang dang dở khắp nơi... cho thấy một sự bỏ mặc trong bất lực của các tập đoàn và DNNN.
Những dường như, điều đó không làm các tập đoàn lo ngại vì nếu có thua lỗ, nợ nần không trả được thì đã có cửa đi xin, cậy nhờ nhà nước... một đặc ân là không DN dân doanh nào có thể có được. Thậm chí, kể cả khi dự án đổ vỡ không triển khai được thì họ sẵn sàng dừng lại, trả về cho Chính phủ, thậm chí kể cả DN lâm nguy khó cứu vãn thì cũng không lo phhas sản vì cuối cùng cũng sẽ có nhà nước đứng ra gánh đỡ với hàng loạt ưu đãi từ cấp cứu trước mắt đến hỗ trợ dài hạn.
Có lẽ nhờ thế, dù nợ lớn những nếu có lớn hơn nữa các tập đoàn cũng không có gì phải lo ngại.
Lê Khắc
diễn đàn kinh tế VN
|