Lãi suất huy động khó còn dư địa giảm thêm
Với lạm phát kỳ vọng năm tới ở mức 8% thì khả năng lãi suất tiết kiệm khó có cơ giảm thêm.
Hiện các ngân hàng được huy động kỳ hạn dài trên 1 năm với lãi suất 12,5-13%/năm
|
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đưa ra cho thấy, lãi suất huy động tiền đồng tuần qua tương đối ổn định so với tuần trước đó ở kỳ hạn dưới 12 tháng, giảm khoảng 0,5 - 1%/năm ở kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Tuy nhiên, trên thực tế thị trường hiện nay, cuộc đua lãi suất tiền gửi đang dần nóng lên. Mặc dù không công khai, nhưng thị trường vẫn âm ỉ chuyện “xé” trần lãi suất kỳ hạn tiền gửi dưới 1 năm. Trong đó, đối tượng đầu tiên phải kể đến là những nhà băng quy mô nhỏ, thị phần huy động còn khiêm tốn, việc “chi” ngoài cho khách hàng để hút tiền gửi tiết kiệm là giải pháp tốt nhất để giữ chân khách hàng.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng đang ồ tại tung khuyến mãi để thu hút tiền gửi, nhằm đảm bảo thanh khoản và đáp ứng vốn cho khách hàng trong dịp cuối năm.
Mặc dù các ngân hàng cho biết, thanh khoản hiện đã dồi dào so với trước và tín dụng khó tăng, nhưng không phải vì thế mà có thể điều chỉnh giảm lãi suất. Ngược lại, họ phải đẩy mạnh huy động mới có thể kỳ vọng hút được tiền nhàn rỗi trong dân cư.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM cho biết, trong tháng 8 - 9 vừa qua, huy động tiền gửi của hệ thống ngân hàng trên địa bàn giảm, nhưng tháng 10 huy động tiền gửi đã tăng trở lại. Thanh khoản của các ngân hàng trong tháng 10 đã tốt lên rất nhiều so với 2 tháng trước đó, do áp lực từ việc phải mua vàng để tất toán tài khoản không còn.
10 tháng qua, tăng trưởng tín dụng của các NHTM trên địa bàn TP. HCM đạt khoảng 2,2%, huy động tiền gửi tăng 6,21% so với đầu năm. Tuy nhiên, ông Minh cũng cho rằng, huy động vốn là vấn đề sống còn của các ngân hàng, muốn đảm bảo thanh khoản, đòi hỏi các ngân hàng phải luôn gia tăng thị phần huy động tiết kiệm. Mặt khác, theo chu kỳ vào thời điểm gần cuối năm, nhu cầu vốn của thị trường tăng, nên các ngân hàng đã tăng huy động để đáp ứng vốn cho DN. Nhưng theo quy định hiện nay, trần lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 1 - 12 tháng chỉ được áp dụng ở mức 9%/năm và thả nổi lãi suất kỳ hạn dài. Vì thế, bằng nhiều phương pháp khác nhau, không ít nhà băng đã “lách” bằng cách huy động kỳ hạn dài, lãi suất hấp dẫn, nhưng cho phép khách hàng rút tiền bất kỳ khi cần mà vẫn được hưởng lãi suất theo thời gian thực gửi.
Hiện các ngân hàng được huy động kỳ hạn trên 1 năm lãi suất 12,5 - 13%/năm, song do tâm lý khách hàng vẫn muốn gửi kỳ hạn ngắn và thậm chí bản thân ngân hàng cũng không thiết tha với việc huy động lãi suất 13%/năm ở kỳ hạn dài mà chỉ duy trì để “câu” khách bằng cách “lách” cho khách hàng gửi kỳ hạn trên 1 năm, nhưng được rút vốn linh hoạt 1, 2, 3 tháng, lãi suất vẫn được hưởng mức cao nhất 12,5 - 13%/năm.
Chia sẻ với các DN tại Hội thảo cập nhật tình hình kinh tế và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt
Nam
do Ngân hàng ANZ Việt
Nam
tổ chức ngày 14/11 tại TP. HCM, TS. Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, hiện không còn dư địa để giảm trần lãi suất huy động năm nay và kể cả năm tới. Bởi với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm sau ở mức kỳ vọng 8% thì lãi suất huy động tiết kiệm sẽ khó giảm so với mức trần 9%/năm như hiện nay.
Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cũng đưa ra nhận định, mặt bằng lãi suất trong nửa đầu năm 2013 sẽ giữ mức như hiện nay và cố gắng không để tăng trở lại. “Còn lãi suất có giảm tiếp hay không thì còn phụ thuộc vào tình hình lạm phát năm tới. Nếu lạm phát kỳ vọng năm 2013 được kiểm soát ở mức 8%, tôi cho rằng, lãi suất nếu giảm cũng chỉ có thể cắt thêm được 1%/năm”, ông Trung nói.
Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, CPI cả năm 2012 dự kiến ở mức từ 8 - 8,5% so với cuối năm 2011. Vì thế, lãi suất khó có thể giảm sâu hơn so với hiện nay, cả với lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Do đó, tín dụng khó có thể tăng và tình trạng nợ xấu vẫn là vấn đề nan giải nhất trong các vấn đề kinh tế vĩ mô hiện nay, nên khả năng hấp thụ tín dụng của DN là rất hạn chế.
Sở dĩ các ngân hàng phải tăng huy động là để đảm bảo thanh khoản, nhất là khi mùa kinh doanh cao điểm cận kề. Thế nhưng, điều này đã ảnh hưởng đến việc giảm lãi suất cho vay để có thể kích thích tăng trưởng dư nợ tín dụng từ nay đến cuối năm.
TS. Lê Thị Kim Xuân, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tại TP. HCM cho rằng, chính vì các NHTM có nhu cầu huy động vốn cao nên lãi suất huy động tăng và vì thế lãi suất cho vay cũng đang bị ngân hàng đẩy lên, thay vì giảm.
Chính vì thế, một lãnh đạo ngành ngân hàng khuyến cáo, DN đừng chăm chăm chờ lãi suất giảm thêm, mà nên quan tâm nhiều hơn đến điều kiện tín dụng của ngân hàng cũng như dự án đầu tư kinh doanh của mình có khả thi hay không.
Thùy Vinh
Đầu tư chứng khoán
|