Fitch giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm Việt Nam ở mức “B+”, triển vọng “ổn định”
Fitch dự báo lạm phát Việt Nam vào khoảng 10% trong năm 2012
“Mức xếp hạng ‘B+’ và triển vọng ‘ổn định’ cho thấy thành công của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực giải quyết tình trạng mất cân bằng vĩ mô trong năm 2010 và 2011”.
Ngày 11/05, Fitch giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm nội và ngoại tệ của Việt Nam ở mức “B+” với triển vọng “ổn định”. Trần xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam cũng được duy trì ở mức “B+” và xếp hạng tín nhiệm ngoại tệ ngắn hạn ở mức “B”.
Ông Art Woo, Giám đốc Bộ phận Xếp hạng tín nhiệm châu Á – Thái Bình Dương của Fitch cho biết: “Mức xếp hạng ‘B+’ và triển vọng ‘ổn định’ cho thấy thành công của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực giải quyết tình trạng mất cân bằng vĩ mô trong năm 2010 và 2011”.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng dù các dấu hiệu gần đây cho thấy sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, chẳng hạn như lạm phát hạ nhiệt, cán cân tài khoản vãng lai tích cực hơn, tỷ giá ổn định hơn, nhưng cần phải có thêm nhiều chứng cứ rõ ràng về sự cải thiện này và quá trình tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước đang gây sức ép ngày càng lớn đến xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam”.
Lạm phát: Kể từ khi thực hiện các biện pháp thắt chặt tài khóa và tiền tệ nhằm khôi phục sự ổn định kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết 11 vào tháng 2/2011, Việt Nam đã đạt được tiến triển rất lớn trong việc kiềm chế lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 chỉ tăng 10.5% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm đáng kể so mức 23% trong tháng 8/2011. Fitch dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ ở vào khoảng 10% trong năm 2012, thấp hơn mức 18.7% trong năm 2011.
Tài khoản vãng lai và FDI: Nghị quyết 11 cũng giúp cán cân tài khoản vãng lai thặng dư 0.2% GDP trong năm 2011, trái với mức thâm hụt 4% trong năm 2010. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) duy trì ở mức cao, đạt tổng cộng 7.4 tỷ USD trong năm 2011 (tương đương 6% GDP). Những yếu tố này đã đem lại sự cải thiện trong cán cân thanh toán cũng như dự trữ ngoại hối, hai chỉ báo dễ bị ảnh hưởng bởi dòng vốn đầu tư trong thời gian gần đây, đặc biệt là khi kinh tế bất ổn. Thành công của Việt Nam trong việc thu hút FDI và các động lực của nền kinh tế là các yếu tố tác động tích cực đến xếp hạng tín nhiệm.
Dự trữ ngoại hối chính thức của Việt Nam, bao gồm vàng, tăng từ 12 tỷ USD vào cuối năm 2010 lên 14.1 tỷ USD vào cuối tháng 11/2011. Fitch ước tính dự trữ có thể đạt 16-17 tỷ USD vào cuối tháng 3/2012, tương đương 1.8 tháng nhập khẩu. Sự gia tăng này cũng chứng tỏ sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô và cán cân thanh toán dù mức dự trữ dưới 2 tháng nhập khẩu là tương đối thấp so với các quốc gia khu vực.
Hạ lãi suất: Trong tháng 3 và tháng 4, Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất bớt 1% khi GDP thực quý 1/2012 chỉ tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với mức 6.1% trong quý 4/2011. Fitch cho rằng động thái này không phải là đi ngược với các mục tiêu cơ bản của Nghị quyết 11 mà được xem là một chính sách ứng phó thích hợp trước sự giảm tốc của nền kinh tế và sự hạ nhiệt của lạm phát.
Ngân hàng: Tổ chức này còn cho biết lĩnh vực ngân hàng vẫn là yếu tố tác động tiêu cực đến xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Tỷ lệ nợ/GDP cao của lĩnh vực tư nhân, khoảng 115% trong quý 3/2011 đã đặt ra rủi ro tiềm ẩn đối với sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô và lĩnh vực tài chính. Hiện nguồn vốn của hệ thống ngân hàng còn thấp và chất lượng tài sản ngày càng sa sút. Những rủi ro này đi kém với sự yếu kém trong chất lượng công bố thông tin, bao gồm số liệu nợ xấu thấp hơn thực tế còn tỷ lệ nợ xấu chính thức vào cuối năm 2011 là 3.6%. Hơn nữa, các ngân hàng nhỏ cũng đang đối mặt với sức ép thanh khoản vì tín dụng tăng trưởng nhanh hơn so với cơ sở tiền gửi. Dù vậy gần đây Chính phủ đã tăng cường nỗ lực yêu cầu các ngân hàng yếu kém giải quyết nợ xấu và khuyến khích việc hợp nhất.
Theo Fitch, khả năng thực hiện đúng theo các biện pháp của Nghị quyết 11, qua đó tạo ra môi trường kinh tế vĩ mô cân bằng hơn với lạm phát thấp hơn, tăng trưởng GDP ổn định và cán cân thanh toán ổn định hơn sẽ tác động tích cực đến xếp hạng tín nhiệm Việt Nam. Tương tự, việc đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là liên quan đến đầu tư công và các doanh nghiệp nhà nước, cũng là yếu tố tích cực đối với xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Ngược lại, nếu tăng trưởng tín dụng quá mạnh và lạm phát trở lại mức hai con số, Việt Nam sẽ đối mặt với áp lực hạ bậc tín nhiệm. Ngoài ra, khoản thua lỗ nặng của lĩnh vực ngân hàng, qua đó phải cần đến sự hỗ trợ của Chính phủ, cũng có thể gây ra hành động tín nhiệm tiêu cực.
Phước Phạm (Vietstock)
Finfonet
|