Thứ Tư, 23/05/2012 11:27

DATC - Anh là ai?

Nói về thị trường mua bán nợ Việt Nam, TS Lê Đăng Doanh đặt câu hỏi: "DATC là… ai?" Có lẽ, vị tiến sĩ này ngụ ý đến năng lực tài chính thực tế so với sứ mệnh của doanh nghiệp này.

Trong giới tài chính, cái tên DATC (tên gọi tắt của Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính) không hề xa lạ. Nhưng không phải lúc nào DATC cũng được nhiều người nhắc tới. Chỉ đến khi Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco), được DATC đặt vấn đề mua lại các khoản nợ của nông dân để hỗ trợ tái cơ cấu, cái tên DATC mới được quan tâm nhiều hơn.

Rủi ro…

Một trong những nhiệm vụ chính của DATC là hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cơ cấu lại tài chính, bảo đảm cho doanh nghiệp có vốn tiếp tục hoạt động, đủ điều kiện để chuyển đổi sở hữu thông qua việc giảm trừ một phần nghĩa vụ trả nợ và chuyển nợ thành vốn góp tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc giải cứu không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Với phương thức mua nợ thông qua tiến hành thương thảo riêng biệt với từng chủ nợ và thanh toán nợ mua bằng tiền theo giá thỏa thuận, DATC không thể loại trừ được hết các rủi ro. Trong trường hợp không tìm kiếm được các nhà đầu tư hỗ trợ góp vốn hoặc không vận động được các tổ chức tín dụng tham gia, doanh nghiệp không được phép vay tín dụng để tái khởi động đầu tư kinh doanh, DATC đối diện với rủi ro là khoản nợ được DATC bỏ vốn ra mua có nguy cơ không thể thu hồi. Còn doanh nghiệp vẫn đứng trước khả năng phá sản. Đó là trường hợp của Nhà máy Gạch granite Long Hầu hay Công ty Kiveco… những đơn vị đã được DATC can thiệp tài chính, nhưng nay do thiếu vốn nên tài sản và tình hình tài chính của doanh nghiệp vẫn tiếp tục xuống cấp và khó khăn hơn.

Ngoài ra, do tiến trình đàm phán mua nợ, thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp thường kéo dài với thời gian tính bằng năm, thậm chí ở những doanh nghiệp quy mô lớn có thể mất tới vài năm, nên DATC một mặt vừa có thể hứng chịu rủi ro về số nợ tăng nhanh ngoài dự đoán của doanh nghiệp, khiến việc mua nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp khó khăn thêm gấp bội. Hoặc DATC sẽ mất đi cơ hội tiếp cận, mua nợ cấp thời cho những doanh nghiệp cần được giải cứu hay đẩy khách nợ có tiềm năng hồi sinh mạnh phải đi tìm những tổ chức mua nợ khác. Đơn cử như trường hợp CTCP Cafe Buôn Mê Thuột với nợ đọng lên tới hàng nghìn tỷ đồng hay CTCP Cà phê Đức Lập gần như phá sản phải vận đến những "chiêu sách" dọa bán thương hiệu để được vay vốn ngân hàng. Đây là 2 doanh nghiệp mà năm 2011 DATC đã và đang lên phương án mua lại nợ và tài sản. Hay như trường hợp nợ của các doanh nghiệp thuộc Vinashin. Trong lúc DATC đang phải xin ý kiến các cấp để được tiếp cận nợ của Vinashin thì tập đoàn này đã có lúc đứng trước nguy cơ phải ra hầu tòa quốc tế và những khoản nợ quốc tế của tập đoàn này đã được chuyển nhượng cho những chủ nợ thứ cấp của thứ cấp...

… và lợi thế

Chấp nhận rủi ro không ít, nhưng mặt khác DATC cũng có những lợi thế đáng kể. Nếu so với nhiều công ty xử lý và mua bán nợ của các NHTM (AMC) hay của một số công ty cổ phần quản lý quỹ hiện nay, với điểm chung là năng lực tài chính đều khá khiêm tốn, DATC vẫn có nhiều điều kiện hơn trong việc tiếp cận nợ xấu của các DNNN đã và đang nằm trong tầm ngắm của lộ trình cổ phần hóa.

Theo báo cáo tài chính quý I/2012 của một số NHTM, bên cạnh dư nợ cho vay sụt giảm, nợ xấu của nhiều ngân hàng đang tăng nhanh. Đáng chú ý, có những NHTM nhà nước như Vietcombank có tổng nợ xấu tính đến ngày 31/3/2012 lên tới 5.873,4 tỷ đồng, tăng 40,69% so với thời điểm 31/12/2011; hay Vietinbank có tổng số nợ xấu tăng 139%, tức là hơn gấp đôi, từ 2.165 tỷ đồng cuối năm 2011 lên 5.176,7 tỷ đồng chỉ sau 3 tháng… Bên cạnh đó, Chỉ thị số 3/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 3/1/2012 đã yêu cầu Bộ Tài chính ra hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy định phù hợp để đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước mà nhà nước không cần nắm giữ". Đây là những tiền đề để DATC "ra tay", bởi nếu không tính chuyện xử lý nợ xấu này thì không chỉ thanh khoản của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng, nhà nước mất đi một khoản vốn lớn mà các doanh nghiệp cũng không thể cổ phần hóa được.

Tuy nhiên, việc đặt trọng trách tiếp nhận và xử lý hết nợ của khu vực DNNN từ nay đến năm 2015 lên vai DATC, một doanh nghiệp có số vốn điều lệ vỏn vẹn 2.481 tỷ đồng, xem ra là không khả thi. Vậy nên, rất khó để đoán biết DATC sẽ xử lý và đảm nhiệm trọn vẹn trọng trách này ra sao!

Cơ chế "tăng lực" cho DATC

Trả lời cho những hồ nghi về năng lực tài chính thực tế của DATC trong tương quan với sứ mệnh mà đơn vị này đang phải gánh vác, một lãnh đạo của DATC cho hay: tiền có thể rất cần, nhưng không phải là tất cả. Vị này muốn nói đến việc DATC vẫn bị bó buộc bởi cơ chế nên khó mà thực thi được tốt sức mệnh của mình. Với DATC, việc ràng buộc bởi cơ chế giảm trừ trách nhiệm trả nợ, cho vay hoặc bảo lãnh vay nợ đối với khách nợ, khiến doanh nghiệp này khó phát huy được các biện pháp kỹ thuật để hỗ trợ doanh nghiệp. Chỉ khi được cởi bỏ ràng buộc này, DATC mới có thể đảm bảo hoạt động mua bán nợ, tiếp nhận, thu hồi tài sản và xử lý nợ tồn đọng trong khối DNNN đạt được phần nào mục tiêu theo lộ trình đề ra.

Thêm nữa, nếu được bảo lãnh vay đối với khách nợ, DATC sẽ tận dụng được nguồn tín dụng đang ứ đọng trong các ngân hàng lớn để rót vốn cho những doanh nghiệp có khả năng tái cơ cấu, hoạt động tốt trở lại. Đó có lẽ cũng là một biện pháp cần thiết để hỗ trợ cho gói giải pháp tổng thể cứu doanh nghiệp mà Bộ Tài chính vừa đưa ra. Theo đó, DATC cũng có thêm cơ hội định vị vai trò của mình ở tầm mức đơn vị mua bán nợ quốc gia, mặc dù vẫn chỉ là "chàng David" với số vốn điều lệ nhỏ bé.

DATC làm được gì?

Từ năm 2004 đến hết năm 2011, DATC đã thực hiện 6 phương án mua bán nợ theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ và 112 phương án theo phương thức thỏa thuận để tái cơ cấu doanh nghiệp và thu hồi nợ. Giá trị sổ sách của các khoản nợ là 7.427,9 tỷ đồng, đã xử lý thu hồi được 2.323,6 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nợ thành vốn góp cổ phần là 453,9 tỷ đồng), tỷ lệ thu hồi đạt 99,4 % giá vốn.

Trong hoạt động mua bán nợ và tài sản tồn đọng. DATC đã ký được 20 hợp đồng mua nợ, giá trị sổ sách của khoản nợ là 1.094,9 tỷ đồng. Lũy kế 5 năm từ 2007 đến hết 2011 đã mua nợ để tái cơ cấu cho 72 doanh nghiệp khách nợ, với giá trị các khoản nợ theo sổ sách là 6.256,1 tỷ đồng, giá vốn mua nợ là 1.640,3 tỷ đồng (tỷ lệ mua nợ bình quân là 26,2%), đã thu hồi được 1.486,4 tỷ đồng, tỷ lệ thu hồi đạt 90,6%.

Trung bình mỗi năm DATC xử lý được 366,67 tỷ đồng.

Các phương án mua bán nợ và tài sản cho doanh nghiệp đang được DATC tập trung giải quyết là: Tổng công ty Dâu Tằm tơ Việt Nam, Tổng công ty COMA, Công ty Cà phê Buôn Mê Thuột, Tập đoàn Quốc tế Năm Sao, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Công ty chè Sơn La, Công ty Cơ khí ô tô thiết bị điện Đà Nẵng, Công ty Cà phê Đức Lập.

Bài: Trung Nhật

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   AFD sẽ tiếp tục cho Việt Nam vay với lãi suất thấp (19/05/2012)

>   Công ty thông tin tín dụng tư nhân đầu tiên xin cấp phép (16/05/2012)

>   Fitch giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm Việt Nam ở mức “B+”, triển vọng “ổn định” (12/05/2012)

>   Tài khóa và tiền tệ bước có cùng nhịp? (11/05/2012)

>   Chính sách vì... ngân hàng (08/05/2012)

>   Dự trữ ngoại tệ có thể đạt 20 tỷ USD (20/04/2012)

>   ADB quan ngại Việt Nam có thể nới lỏng chính sách quá nhanh (11/04/2012)

>   Chấp nhận VietinBank lập ngân hàng con tại Đức (09/04/2012)

>   Buôn lậu vàng, USD “hoành hành” thị trường (21/03/2012)

>   Nợ nước ngoài của Việt Nam không có nợ xấu (21/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật