Đừng biến nợ tư thành nợ công
Hay chính xác hơn, phải tối thiểu hóa việc biến nợ tư thành nợ công khi giải quyết nợ xấu. Theo Bộ Tài chính, nợ công của Việt Nam năm 2011 là 54,6 % GDP. Nợ của các doanh nghiệp nhà nước (mà thông lệ quốc tế coi là nợ công, còn Việt Nam không tính vào nợ công) có lẽ cũng hơn 50% GDP.
Nếu đúng vậy thì chúng ta đã vượt ngưỡng an toàn (60% GDP của các nước OECD) và ngưỡng khủng hoảng 90% GDP từ lâu rồi. Giải quyết nợ xấu được Quốc hội cho là vấn đề rất cấp bách. Rất đúng. Nguyên tắc quan trọng nhất trong giải quyết nợ xấu là đừng biến nợ tư thành nợ công. Vì nợ công tăng lên có thể dẫn đến sự vỡ nợ của Nhà nước Việt Nam.
Nói cách khác, trước tiên không được dùng tiền ngân sách để giúp các tổ chức kinh tế giải quyết nợ xấu do chính họ gây ra. Quốc hữu hóa các ngân hàng (hay doanh nghiệp) yếu kém là một cách biến nợ tư thành nợ công mà tôi đã phản đối trong một bài viết trên số 12.10.2012.
Rốt cuộc, ai gây ra nợ xấu phải dùng chính tài sản của mình để giải quyết, trong trường hợp xấu nhất kể cả bằng việc thanh lý toàn bộ tài sản và bị xóa sổ và buộc phải rút khỏi lĩnh vực kinh doanh. Đối với doanh nghiệp bình thường (dẫu thuộc sở hữu tư nhân hay nhà nước), việc này có thể làm nhanh chóng mà không ngại có ảnh hưởng dây chuyền lớn. Đối với các ngân hàng (do vốn tự có của ngân hàng chỉ là để dự phòng cuối cùng cho rủi ro, còn ngân hàng hoạt động bằng vốn vay [tiền gửi] của dân cư và các tổ chức kinh tế khác là chính) thì trình tự xử lý có thể khác đôi chút để đảm bảo quyền lợi của số đông nhân dân, nhưng nguyên tắc vẫn thế.
Nợ xấu liên quan đến bất động sản chiếm phần lớn nhất
|
Nợ xấu biến động hằng ngày tùy theo diễn biến. Tại diễn đàn Quốc hội ngày 30.10.2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, nợ xấu vẫn ở khoảng 10% của tổng dư nợ tín dụng- tức là cỡ 250 ngàn tỉ đồng.
Có thể thấy nợ xấu do hai nguồn chủ yếu gây ra, một là nợ xấu do Nhà nước (các chính quyền địa phương) đã không trả khoản nợ đọng xây dựng cơ bản 91.273 tỉ mà trong bài viết ngày 27.9.2012 trên tờ Lao Động cuối tuần, tôi đã đề cập và kiến nghị Nhà nước nên trả ngay. Ngày 30.10.2012, thống đốc cũng ghi nhận “nợ đọng tiền xây dựng cơ bản ở các địa phương lên tới hơn 90.000 tỉ đồng. Nếu giải quyết được số nợ này thì nợ xấu giảm được đáng kể”.
Việc Nhà nước phải trả các doanh nghiệp hơn 90 ngàn tỉ nợ đọng là việc cấp bách, còn việc truy cứu trách nhiệm gây khoản nợ đọng khổng lồ này có thể làm sau, không thể vì nó mà Nhà nước trì hoãn việc trả nợ của mình. Càng dây dưa trả khoản nợ khổng lồ này, Nhà nước càng làm cho đống nợ xấu tăng lên, khiến Quốc hội và dư luận phải mất quá nhiều thời gian bàn cãi và càng làm cho vấn đề nợ xấu phức tạp hơn, khó giải quyết hơn. Đấy là việc cấp bách thứ nhất mà Nhà nước có thể và phải làm. Tất nhiên, việc trả khoản 91.273 tỉ nợ đọng này của Nhà nước không biến nợ tư thành nợ công, bởi vì bản thân nó là khoản nợ công.
Nguồn thứ hai của nợ xấu liên quan đến bất động sản. Đây có lẽ là phần lớn nhất của nợ xấu. Giữa tháng 10, khi báo chí đưa tin Chủ tịch Quốc hội nghe nói tổng dư nợ bất động sản (khoảng 1 triệu tỉ đồng)- chiếm 50% tổng dư nợ đã làm nhiều người lo ngại, vì nợ xấu từ lĩnh vực này quá lớn. Ngân hàng Nhà nước giải trình lại cho Chủ tịch Quốc hội rằng, dư nợ bất động sản là 5% tổng dư nợ chứ không phải 50%, nhưng con số 5% là khó tin. Trong cuộc giải trình đó, một phó thống đốc khẳng định “theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước thì trong các phần nợ xấu đều có tài sản bảo đảm, giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn giá trị các khoản nợ”.
Nên nhớ rằng, chính sự sẵn lòng cho vay của các ngân hàng (khi ''bong bóng'' bất động sản hình thành) đã đẩy giá bất động sản lên, vì thế “giá trị tài sản đảm bảo lớn hơn giá trị các khoản nợ” lúc ấy; thì hiện nay có thể hóa ra thấp hơn giá trị khoản nợ rất nhiều khi ''bong bóng'' vỡ. Các nhà đầu tư bất động sản trúng lớn trước kia phải bị trừng phạt (kể cả bán hết tài sản đã tích lũy) và Nhà nước không nên cứu chúng bằng cách “mua lại nợ” với giá sổ sách. Các ngân hàng liên quan đã cho họ vay cũng vậy. Họ phải giảm vốn, giảm quy mô hoạt động cho hợp với vốn thực của họ. Tại sao lại không buộc một số doanh nghiệp nhà nước phá sản để làm gương?
Nhiều người lo rất khó giải quyết các ngân hàng có nợ xấu cao do đã cho các công ty ''sân sau'' của mình vay. Các ngân hàng như vậy nên bị xóa sổ càng nhanh càng tốt, vì chính chúng đã góp phần chủ yếu gây ra rắc rối hiện nay.
Trong giải quyết nợ xấu, trong tái cơ cấu doanh nghiệp đừng biến nợ của các doanh nghiệp thành nợ công, vì làm vậy có thể đẩy Nhà nước đến vỡ nợ. Phải chịu đau và ''chôn cất'' các doanh nghiệp đã ''chết'', không còn khả năng ''sống'', không có sức cạnh tranh một cách văn minh, đừng giữ chúng lay lắt và chiếm mất nguồn lực của các doanh nghiệp lành mạnh, có khả năng cạnh tranh và phát triển. Chỉ có thế mới có thể hy vọng vào một thời kỳ phát triển bền vững mới.
Nguyễn Quang A
Lao Động
|