Thứ Tư, 31/10/2012 20:30

Chuyên gia, nhà kinh tế nói về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Cho ý kiến về các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2013 đang được Quốc hội bàn thảo, một số chuyên gia, nhà kinh tế đánh giá các chỉ tiêu vĩ mô cơ bản năm 2013 được xây dựng đã gắn với mục tiêu dài hạn, bảo đảm kinh tế - xã hội tăng trưởng bền vững hơn.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Chỉ tiêu GDP khả thi

Đánh giá về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2013 là 5,5%, ông Nguyễn Bích Lâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, mục tiêu này hoàn toàn có tính khả thi.

Tổng cục Thống kê ước tính GDP năm 2012 đạt mức tăng trưởng khoảng 5,2%. Sang năm 2013 tình hình kinh tế khu vực và thế giới có nhiều dấu hiệu chuyển biến hơn năm 2012, thể hiện trên các mặt: Các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, khu vực đồng tiền chung Châu Âu đều cam kết thực hiện các chính sách kinh tế để giải quyết việc làm, thúc đẩy tăng trưởng. Ngoài ra, dựa vào các cân đối lớn của nền kinh tế như: cân đối giữa tích lũy và tiêu dùng; cân đối giữa để dành và tiêu dùng; cân đối các nguồn vốn đầu tư của nền kinh tế. Từ đó, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2013 đạt 5,5% là một mục tiêu hoàn toàn có tính khả thi.

Đồng tình với nhận định này, TS Trần Thanh Bé, Viện trưởng Viện Kinh tế xã hội TP Cần Thơ cũng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, biến động khó lường và chậm phục hồi của kinh tế thế giới, phát kinh tế - xã hội của đất nước năm 2013 tiếp tục phải đối mặt nhiều thách thức, Chính phủ đề ra mục tiêu phải đạt năm 2013 “ổn định và lành mạnh kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012” là phù hợp.

Đánh giá về triển vọng thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2013, PGS, TS Bùi Quang Bình, Trưởng Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế Đà Nẵng cũng cho rằng, chỉ tiêu này hoàn toàn khả thi và có khả năng sẽ vượt. “Chỉ tiêu này thấp hơn so với dự báo của các Tổ chức như Quỹ tiền tệ thế giới (5,9%) hay Ngân hàng Phát triển Châu Á (5,7%)”, ông Bình cho hay.

Theo phân tích của ông Bình, ba khu vực Nhà nước, công nghiệp-xây dựng và dịch vụ của nền kinh tế năm 2013 có triển vọng phát triển khá hơn năm 2012 khi Nhà nước vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng vốn có. Đáng chú ý, các chỉ số như chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp, chỉ số tồn kho, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp đang có dấu hiệu được cải thiện.

PGS, TS Bùi Quang Bình, Trưởng Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế Đà Nẵng
Các doanh nghiệp trong nền kinh tế năm 2013 cũng sẽ có những thay đổi lớn tích cực hơn. Các doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhất là xuất khẩu như năm 2012. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ được tháo gỡ những khó khăn được cho là cản trở nhất với hoạt động kinh doanh năm 2012 như về lãi suất vốn vay, lạm phát được kiểm soát và vốn cho kinh doanh; Chính phủ điều hành phù hợp chính sách tài khóa và tiền tệ cho khu vực sản xuất. Các doanh nghiệp nhà nước sẽ tiếp tục được tái cấu trúc một cách minh bạch hơn để các doanh nghiệp này chỉ tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh chính.

Tổng cầu năm 2013 sẽ có sự cải thiện nhất định nhờ sự nới lỏng chính sách có chọn lựa để tiếp tục cho những công trình đầu tư hạ tầng cơ sở. Sức mua của dân cư sẽ phục hồi nhẹ nhờ khu vực sản xuất có dấu hiệu phục hồi, ông Bình nhận định

Tỷ lệ lạm phát là phù hợp

Nhìn lại diễn biến tăng giá trong 10 tháng năm 2012, ông Nguyễn Bích Lâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng nếu Chính phủ đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát, các ngành đặt lợi ích toàn bộ nền kinh tế lên trên lợi ích ngành; phối hợp chính sách đồng bộ; khu vực doanh nghiệp tính đúng các loại chi phí sản xuất thì mục tiêu lạm phát dưới 8% là hoàn toàn khả thi cho dù có thể có một số yếu tố bất lợi từ bên ngoài.

Cũng theo nhận định của PGS, TS Bùi Quang Bình, Trưởng Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế Đà Nẵng, chỉ tiêu lạm phát trong khoảng 7-8% là phù hợp. Dù giá lương thực thế giới theo dự báo của ADB tăng trong năm 2013 và kéo giá lương thực trong nước tăng theo nhưng khả năng nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định, sản lượng lương thực ổn định nên Việt Nam vẫn chủ động trong kiểm soát giá.

Ngoài ra dù áp lực giá điện cùng nguyên liệu trong nước đang xu thế tăng nhưng vẫn trong lộ trình điều chỉnh không gây sốc…

Tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm và giá dầu không tăng lớn cũng sẽ tác động cho việc kiểm soát lạm phát ở Việt Nam. Tổng cầu trong nền kinh tế tăng nhưng chưa mạnh ngay cả khi chính sách tài khóa được nới lỏng. Trên thị trường tài chính lãi suất đang có xu hướng giảm và tỷ giá hối đoái ổn định cũng hỗ trợ nhiều cho thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Ông Phạm Sĩ An, Phó Trưởng phòng kinh tế vĩ mô, Viện Kinh tế Việt Nam

Chỉ tiêu giảm nghèo, tạo việc làm: Cần sự nỗ lực rất lớn

Chia sẻ quan điểm về vấn đề an sinh xã hội dưới khía cạnh các chỉ tiêu việc làm – thất nghiệp, y tế và giáo dục, ông Phạm Sĩ An, Phó Trưởng phòng kinh tế vĩ mô, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: Khi tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, thu nhập tăng và công ăn việc làm được tạo ra thì người dân sẽ có điều kiện tiếp cận nhiều hơn, nhu cầu tốt hơn về giáo dục và y tế.

Tuy nhiên, theo ông An, điều quan trọng hơn cho người dân, kể cả người có thu nhập trên trung bình là chất lượng của dịch vụ y tế và giáo dục chứ không phải ở mức đáp ứng đủ các dịch vụ này.

Ông An nói: “Bên cạnh các chỉ tiêu về số lượng như tăng trưởng, lạm phát, giảm nghèo, nhập siêu, thâm hụt ngân sách,… thì cần phải đưa ra các chỉ tiêu về chất lượng đi kèm”.

Còn ông Nguyễn Bích Lâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định, một số chỉ tiêu xã hội như tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 49%... là những mục tiêu cần phải có nỗ lực rất lớn của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và của toàn xã hội mới có thể đạt được.

“Nếu tính toán và đo lường theo đúng phương pháp và thông lệ quốc tế thì một số chỉ tiêu xã hội của năm 2013 mà Chính phủ đề xuất là khá cao. Tuy vậy các mục tiêu này đã thể hiện quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội”, ông Lâm nhận định.

Đồng quan điểm nêu trên, PGS. TS Bùi Quang Bình, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế Đà Nẵng cho rằng, chỉ tiêu tạo việc làm cho khoảng 1,59 triệu lao động khó có khả năng đạt được nếu không có sự nỗ lực lớn của toàn hệ thống.

TS Trần Thanh Bé, Viện trưởng Viện Kinh tế xã hội TP Cần Thơ

Mấu chốt là khâu thực thi, triển khai và điều hành

Hầu hết các ý kiến đều chung nhận định, những động thái gần đây cho thấy tín hiệu tích cực trong công tác điều hành chính sách của Chính phủ như vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, hàng tồn kho, những khó khăn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh từ phía doanh nghiệp,… đã được nhận diện. Các giải pháp đã được đưa ra. Vấn đề còn lại là khâu thực thi, triển khai và điều hành.

Theo TS. Trần Thanh Bé, để đạt được mục tiêu trên, rất cần có sự điều hành và những giải pháp quyết liệt, kịp thời hơn, đồng bộ hơn của Chính phủ cùng với sự vào cuộc toàn tâm toàn ý của cả hệ thống chính trị, tập trung vào ba đột phá chiến lược đã nêu “phát triển nguồn lực con người và khoa học công nghệ, xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và hoàn thiện hơn thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm đó là việc thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp để tăng tỷ lệ đóng góp của ngành này trong việc đạt được những chỉ tiêu kinh tế chung.

TS. Hà Phúc Mịch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam

Khẳng định những kết quả đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp là không thể phủ nhận, nhất là trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, TS. Hà Phúc Mịch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đề xuất, trước mắt Chính phủ cần tập trung việc đẩy mạnh hỗ trợ nông dân, trang trại, doanh nghiệp nông thôn vay vốn tín dụng với lãi suất và thủ tục hợp lý. Trong đó, cần ưu tiên tín dụng cho sản xuất nông nghiệp và triển khai nhanh các công trình kết cấu hạ tầng, giao thông nông thôn.

Theo TS Mịch cần có cơ chế ưu đãi phù hợp với tình hình mới để thu hút doanh nghiệp đầu tư về nông thôn nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, tạo ra những sản phẩm hàng hóa giá trị gia tăng cao.

Còn theo ông Trần Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản cho rằng “Không nhất thiết phải quá tập trung vào việc chỉ tiêu năm sau phải cao hơn năm trước. Cần coi trọng phát triển kinh tế theo hướng chất lượng phát triển hơn là theo số lượng phát triển”.

Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức, công dân

Chính phủ

Các tin tức khác

>   Không nên chạy theo CPI khi điều hành lãi suất (31/10/2012)

>   Bộ trưởng Kế hoạch: 'Muốn tăng lương, phải giảm đầu tư' (30/10/2012)

>   Đề xuất thành lập Ủy ban quốc gia tái cơ cấu kinh tế (30/10/2012)

>   Vực dậy niềm tin (30/10/2012)

>   ANZ: Dòng vốn từ Australia vào Việt Nam có thể sẽ tăng mạnh (30/10/2012)

>   Kinh tế 10 tháng và bốn vấn đề cần xử lý (30/10/2012)

>   Chỉ tiêu kinh tế - xã hội 2013 hoàn toàn khả thi (29/10/2012)

>   Bộ Công Thương: CPI cả năm sẽ ở quanh mức 8% (29/10/2012)

>   Nhà đầu tư Nhật Bản chiếm gần 50% vốn FDI của Việt Nam (29/10/2012)

>   Quyết liệt kiểm soát lạm phát, xử lý nợ xấu (29/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật