Vực dậy niềm tin
Đại biểu Cao Sĩ Kiêm cho rằng, chỉ khi xử lý được các nguyên nhân gây nên hạn chế hiện nay của hoạt động kinh tế, cả với ngắn hạn và dài hạn, mới góp phần thúc đẩy động lực phát triển mới trong năm tới, là tiền đề tạo niềm tin, tạo động lực phấn đấu của toàn dân và xã hội.
Sáng 30/10, thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, các đại biểu Quốc hội đã nghe nhiều bài phát biểu góp ý về chủ trương phát triển kinh tế.
Nhiều ý kiến nêu bật quan điểm cho rằng, thời gian tới Chính phủ cần có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), vực dậy niềm tin thị trường.
“Chúng ta đã làm mất động lực phấn đấu...”, Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) đăng đàn phát biểu. Theo ông, nguyên nhân những yếu kém trong công tác điều hành của Chính phủ vừa qua có lý do từ việc nhận định tình hình chưa chính xác, với số liệu chưa tin cậy. Cho nên, một số chính sách có tính chất nửa vời, hay thay đổi.
Cũng theo ông Kiêm, đã xuất hiện tình trạng nghi ngờ chính sách. Cho nên, một phần hiệu lực chính sách bị hạn chế. Kết quả là một số DN bế tắc trong sản xuất kinh doanh, không thoát được khó khăn nên có tư tưởng trông chờ vào hỗ trợ của nhà nước; DN FDI có một số rời khỏi thị trường Việt Nam.
Đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) phân tích thêm rằng, do thất thoát trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh từ tham nhũng, lãng phí nên sản phẩm của DN Việt Nam cao hơn nhiều so sản phẩm cùng loại của các nước khác. Tình trạng nhà nước càng nỗ lực đầu tư cho phát triển, lãng phí càng tăng.
Nêu một thực trạng đáng quan ngại, ông Tiến lưu ý tới hàng chục tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước do tệ tham nhũng, quản lý kém đã từng bị phát giác dẫn tới “đột quỵ” trước tình hình hiện nay, làm ảnh hưởng đến đời sống người lao động và mất niềm tin xã hội.
So sánh những thất thoát từ trường hợp điển hình Vinashin, ông Tiến liệt kê hàng nghìn phòng học, hoặc trung tâm văn hóa, phòng bệnh… có thể được đầu tư nếu không xảy ra những mất mát đó.
“Không thất thoát thì không phải lùi tăng lương”, ông Tiến khẳng định.
Đề cập đến các giải pháp, ông Kiêm cho rằng, từ nay đến cuối năm và trong năm 2013 Chính phủ cần kiểm soát lại tình hình, đánh giá thực trạng vấn đề, nhất là các vấn đề đã được nhận ra tại Nghị quyết Trung ương IV.
Ông Kiêm cũng khuyến nghị cần phải nâng cao chất lượng dự báo bằng các con số “có trách nhiệm”. “Số liệu phải có địa chỉ cung cấp, có trách nhiệm giải trình”, ông nói.
Đại biểu Thái Bình cũng đề xuất xử lý cơ quan, cá nhân cung cấp tin sai gây hậu quả. “Chỉ có như thế mới có thể đánh giá sát, kiểm soát tình hình và đưa ra chính sách sát tình hình”, ông nói.
Cụ thể về giải pháp, ông Kiêm cũng đề nghị cần làm rõ các giải pháp mang tình thế hiện nay như xử lý tồn kho, nợ xấu, đơn giản hóa thủ tục hành chính... để hỗ trợ sản xuất. “Làm sao các chính sách này bắt nhịp với thực tiễn, theo thông lệ quốc tế, giải quyết căn bản vấn đề hiện nay như tồn kho, nợ xấu, các bức xúc xã hội...”, ông Kiêm lưu ý.
Đề cập đến các giải pháp tài khóa, Đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, Chỉnh phú cần thực thi các giải pháp hỗ trợ thị trường để hỗ trợ DN có sức vượt bão.
Ông Lịch cho rằng, khó khăn của cân đối ngân sách không phải “vô phương”. Chẳng hạn với chủ trương tăng lương, ông Lịch nêu quan điểm không lùi thời hạn áp dụng mà tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên, hạn chế đầu tư xây trụ sở… Thậm chí có thể phát hành thêm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công trình giải quyết bức xúc về giao thông qua đó xử lý tồn kho.
Cũng chia sẻ quan điểm này, Đại biểu Lê Hữu Đức (Khánh Hòa) cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp giải quyết hàng tồn kho bằng kích cầu tiêu dùng. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy đầu tư vào hệ thống giao thông vận tải để tiêu thụ sắt thép, xi măng.
Đại biểu Trần Du Lịch cũng đồng tình rằng, Chính phủ cần “mạnh dạn” hơn trong cho vay tiêu dùng. “Nếu bất động sản không ấm dần thì không giải quyết được nợ xấu”, ông kiến nghị cần quan tâm thêm đối với thị trường nhà ở.
Đề xuất thêm giải pháp hỗ trợ DN, ông Đức cho rằng, bên cạnh các giải pháp từ Chính phủ, DN cũng phải nỗ lực vươn lên tìm thị trường trong và ngoài nước; Nhà nước hỗ trợ bằng giải pháp tăng cường kiểm soát hàng hóa nhập khẩu, xử lý nợ khai thông vốn cho sản xuất...
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) thêm ý kiến, Chính phủ nên quan tâm xây dựng thương hiệu Việt cho các mặt hàng chủ lực xuất khẩu. Bộ Công Thương cần vào cuộc, thông qua sự hỗ trợ của các hiệp hội, cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài…
“Ngoài tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm tại nước ngoài, chúng ta phải có văn phòng giới thiệu sản phẩm tại các thị trường truyền thống, cả sản phẩm trong nước và gia công cho nước ngoài…”, ông hiến kế.
Đối với tầm nhìn dài hạn, ông Lịch cho rằng chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế tiếp tục được triển khai nhưng thay vì nêu mục tiêu và cân đối nguồn lực thực hiện năm một như hiện nay thì rà soát lại và xây dựng chương trình cho cả giai đoạn 2013 - 2015.
Ông cũng cho rằng, các chính sách phát triển phải hướng nền kinh tế đi từ gia công, khai thác tài nguyên… hiện nay sang sản xuất theo công nghệ cao. “Nếu không làm, không tái cơ cấu được”, ông nói.
Đại biểu Cao Sĩ Kiêm đồng tình rằng, chỉ khi xử lý được các nguyên nhân gây nên hạn chế hiện nay của hoạt động kinh tế, cả với ngắn hạn và dài hạn, mới góp phần thúc đẩy động lực phát triển mới trong năm tới, là tiền đề tạo niềm tin, tạo động lực phấn đấu của toàn dân và xã hội.
Anh Quân
thời báo ngân hàng
|