Thứ Hai, 29/10/2012 06:45

Quyết liệt kiểm soát lạm phát, xử lý nợ xấu

Không lấy vốn ngân sách trả thay các khoản nợ xấu

Ngày 28-10, Chính phủ đã họp thường kỳ tháng 10. Chiều cùng ngày, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo, cho biết: Về tình hình kinh tế - xã hội, đáng chú ý, tháng 9 CPI tăng đột ngột thì sang tháng 10, chỉ số giá đã ổn định trở lại.

Theo ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, tại phiên họp này, Thủ tướng tiếp tục khẳng định tinh thần chỉ đạo như từ đầu năm đến nay là kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô. Từ nay đến cuối năm, phải hết sức đề phòng lạm phát tâm lý có thể ảnh hưởng đến việc tăng giá.

“Các giải pháp đều đã có, vấn đề là phải quyết liệt thực hiện để đạt tới mục tiêu. Từ nay đến cuối năm phải hết sức chú ý trong vấn đề kiểm soát lạm phát, không để xảy ra như tháng 9, do chủ quan mà lạm phát đã tăng cao đột ngột”, ông Vũ Đức Đam cho biết.

Tại phiên họp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu giữ bằng được mục tiêu kiềm chế lạm phát của cả năm 2012 khoảng 8%. Tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá; đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa; không để giá cả lương thực, thực phẩm tăng đột biến trong dịp cuối năm, làm tốt công tác quản lý giá cả thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tăng giá, đẩy giá lên cao. Tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp xử lý nợ xấu bằng các giải pháp quyết liệt, triệt để. Song song với đó là cần sớm hoàn thiện Đề án tổng thể về xử lý nợ xấu.

Về xử lý nợ xấu, ông Đam cho biết, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng đề án tổng thể.

“Ngân hàng chưa trình được đề án không có nghĩa là chưa bắt tay vào việc giải quyết nợ xấu. Tất cả đều khẩn trương thực hiện. Chính phủ đã yêu cầu NHNN phải rà soát kỹ nợ xấu bao nhiêu, nợ ở lĩnh vực nào, giải pháp nào để giải quyết, với lộ trình nào”, ông Đam cho biết.

Về việc lập công ty mua bán nợ, ông Vũ Đức Đam nêu quan điểm, không phải tất cả số nợ xấu đều cần đến công ty mua bán nợ xử lý. Điều chắc chắn là Chính phủ không lấy vốn ngân sách để trả nợ thay các khoản nợ xấu.

Không khuyến khích người dân giữ vàng

Về vấn đề quản lý giá vàng hiện nay, ông Đam cho biết, người dân nước ta có thói quen giữ vàng như của để dành, trong thời gian dài. Đó là một sự lãng phí, không sinh lời. Trước đây giao dịch mua bán bằng vàng, đó là vàng hóa nền kinh tế, rất không tốt. Vì vậy, Chính phủ chỉ đạo triển khai các giải pháp để khơi thông dòng vốn vàng đang bị chôn trong dân. Một chính sách đưa ra bao giờ cũng có nhiều tác động, nhưng quản lý giá vàng đang đúng hướng, thể hiện qua quan hệ giá vàng - tỷ giá.

“Giá vàng chênh với thế giới nhưng tỷ giá rất ổn định, trong đó có nguyên nhân từ giải pháp quản lý giá vàng vừa qua của NHNN. Việc chuyển quan hệ huy động - vay mượn vàng sang quan hệ mua bán đang có tác động tích cực” - ông Đam nói. Hiện nay, ai có vàng bán ra thì có lợi, mà muốn mua vàng vào thì thiệt. Đó là tác dụng của việc điều hành giá vàng hiện nay, khuyến khích người dân không giữ vàng. Chính phủ đang bàn về Nghị định về vàng, theo đó tiến tới nhãn hiệu vàng SJC thuộc NHNN, tức là độc quyền của Nhà nước, chứ không phải độc quyền doanh nghiệp.

Tìm mọi cách giúp người thu nhập thấp mua được nhà ở

Tại buổi họp báo, về việc thí điểm các tập đoàn Nhà nước, ông Vũ Đức Đam cho biết, hiện có 11 tập đoàn và 10 tổng công ty Nhà nước. Trong số 21 tập đoàn, tổng công ty này, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành liên quan trình lên danh sách những tập đoàn mà Thủ tướng còn giữ lại một số quyền hạn, trách nhiệm của Thủ tướng đối với tập đoàn; còn lại sẽ giao về cho các bộ quản lý. Một số tập đoàn sẽ dừng thí điểm, khi không còn là tập đoàn sẽ tổ chức theo mô hình tổng công ty. Những tập đoàn được giữ lại sẽ phải tái cơ cấu lại theo hướng tập trung vào những ngành nghề chính, phù hợp với năng lực của tập đoàn.

Về thời hạn xử lý kỷ luật Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Đam cho biết, Chính phủ đã thành lập Hội đồng kỷ luật do Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng đã xem xét trách nhiệm các cán bộ có sai phạm. Hội đồng kỷ luật đang tiến hành các công việc, dự kiến tháng 11 sẽ họp để đưa ra kết luận chính thức.

Về thị trường bất động sản (BĐS), ông Đam cho biết hiện tồn đọng rất nhiều hàng hóa không bán được, cần phải khơi thông, tạo điều kiện để người dân có được nhà ở với giá cả phù hợp. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành có giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường BĐS. Bộ Xây dựng đã bàn thảo và đề nghị các DN phải chia sẻ bằng cách giảm giá bán để hạn chế tình trạng người có nhu cầu nhà ở thì không có tiền để mua; người mua nhà thì không có nhu cầu ở. Cũng theo ông Đam, có nhiều giải pháp đã được đưa ra: giảm giá bán; chia nhỏ diện tích căn hộ để bán. Chính phủ luôn tìm mọi cách để giúp người thu nhập thấp có cơ hội mua nhà ở.

Khi nào có đủ nguồn thu mới tăng lương

Về thời điểm tăng lương trong năm 2013, ông Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ rất chia sẻ việc một bộ phận lớn người dân hưởng lương hiện có đời sống khó khăn. Tuy nhiên do ngân sách khó khăn, nên khả năng nguồn thu để tăng lương từ 1-5-2013 chưa có. Chính phủ tập trung các nguồn thu, tiết kiệm các nguồn chi, khi nào có đủ nguồn sẽ thực hiện tăng lương. Hiện chi cho đầu tư phát triển đã được cắt giảm tối đa, không thể cắt thêm. “Để có nguồn tăng lương, hiện chỉ có thể tăng thu, hoặc cắt chi thường xuyên. Tăng thu trong bối cảnh hiện nay là khó vì DN đang chật vật. Phải siết lại các khoản chi thường xuyên. Chính phủ đã chỉ đạo tiết kiệm hết mức việc đi nước ngoài từ trung ương đến địa phương” - ông Đam thông báo.


Phan Thảo

sggp

Các tin tức khác

>   Kinh tế chưa thể khởi sắc trong năm tới (28/10/2012)

>   Tăng trưởng hợp lý, nhìn về 2013 (28/10/2012)

>   Đà Nẵng: CPI tháng 10/2012 tăng 0,54% (28/10/2012)

>   TPHCM: Thêm 200.000 tỉ đồng cho sản xuất cuối năm (28/10/2012)

>   Giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản chỉ đạt 9.500/15.000 tỷ đồng (28/10/2012)

>   Những khía cạnh đáng chú ý từ FDI 10 tháng (27/10/2012)

>   TPHCM: Các chỉ tiêu kinh tế giữ mức tăng hợp lý (27/10/2012)

>   “Hối hả” xuất ngoại đầu tư (27/10/2012)

>   Quốc hội nóng chuyện Dương Chí Dũng, 'bầu' Kiên (27/10/2012)

>   Ernst & Young: 'Việt Nam là một ngôi sao đang lên' (26/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật