Thứ Năm, 01/11/2012 11:27

Hợp tác công - tư, liều thuốc hữu dụng cho đầu tư công

Để giải bài toán bất cập trong đầu tư công hiện nay chỉ có giải pháp xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng, trong đó hình thức hợp tác công - tư (PPP) là liều thuốc hữu dụng. Hình thức này chẳng những giảm được gánh nặng vốn phát triển hạ tầng cho ngân sách Nhà nước, mà còn gia tăng được hiệu quả đầu tư.

Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, tăng trưởng GDP năm nay dự kiến chỉ đạt 5,2%, mức rất thấp trong nhiều năm gần đây, thậm chí còn thấp hơn so với mức tăng trưởng của năm 2009 - năm mà nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Nguyên nhân của sự suy giảm này cũng đã được nói nhiều, trong đó nguyên nhân của mọi nguyên nhân là tổng cầu suy giảm, đặc biệt là cầu tiêu dùng. Tiêu dùng suy yếu dẫn đến hàng hóa sản xuất ra chậm tiêu thụ, hàng tồn kho tăng cao. Thực tế này chẳng những đẩy sản xuất đến chỗ khó khăn mà còn làm gia tăng nhanh chóng nợ xấu của hệ thống ngân hàng, gây ách tắc tín dụng, đẩy mặt bằng lãi suất tăng cao. Tín dụng tăng thấp, lãi suất cao cũng đẩy doanh nghiệp vào chỗ khó khăn. Hệ quả là số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng đột biến.

Thế nhưng, cho đến nay những giải pháp đưa ra cũng chỉ “kéo dài” thời gian “chờ chết” của doanh nghiệp. Theo TS. Nguyễn Đình Cung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, những giải pháp giãn, giảm thuế vừa qua của Chính phủ hiệu quả không cao. Bởi quy mô rất nhỏ so với mức độ khó khăn hiện nay của doanh nghiệp và người dân. Hơn thế việc giãn, hoãn nộp thuế chỉ giảm chuyển gánh nặng hiện thời của doanh nghiệp sang năm 2013 và các năm tiếp theo.

Đồng tình quan điểm này, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có một gói kích cầu như năm 2009. Thế nhưng, luồng ý kiến thận trọng hơn lại cho rằng, với tình hình ngân sách hiện nay không thể triển khai một gói kích cầu như vậy. Quả vậy, theo Tổng cục Thống kê, tính từ đầu năm đến 15/10/2012, tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính đạt 523,4 nghìn tỷ đồng; trong khi tổng chi ngân sách Nhà nước ước tính đạt 678,6 nghìn tỷ đồng. Như vậy, chỉ tính đến nửa đầu tháng 10, bội chi ngân sách đã lên tới trên 155 nghìn tỷ đồng, vượt hơn 10,7% kế hoạch bội chi cả năm 2012. Vay nợ để triển khai cũng không thể khi nợ công hiện đã chạm ngưỡng an toàn.

Thế nhưng những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp là không thể không cứu. Vấn đề là cứu bằng cách nào trong bối cảnh ngân sách eo hẹp như hiện nay. Theo hiến kế của nhiều chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hiện nay, cần tăng đầu tư công vào phát triển cơ sở hạ tầng. Bởi tăng đầu tư công vào cơ sở hạ tầng sẽ kích thích các ngành sản xuất như sắt, thép, xi măng... phát triển, từ đó lan tỏa sang các ngành khác và thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Hơn thế, hiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam cũng đang rất yếu kém. Vì vậy đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cũng là chuẩn bị cho tương lai của nền kinh tế.

Tuy nhiên, đến đây lại xuất hiện một băn khoăn, điều này có đi ngược với chủ trương tái cơ cấu đầu tư, đặc biệt là đầu tư công. Bởi ai cũng biết, những bất cập của nền kinh tế hiện nay, đặc biệt là lạm phát cao một phần cũng do đầu tư công quá dàn trải, hiệu quả thấp.

Xem ra để giải bài toán này chỉ có giải pháp xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng, trong đó hình thức hợp tác công - tư (PPP) là liều thuốc hữu dụng. Hình thức này chẳng những giảm được gánh nặng vốn phát triển hạ tầng cho ngân sách Nhà nước, mà còn gia tăng được hiệu quả đầu tư. Khi đó vốn Nhà nước chỉ tham gia với tư cách là vốn mồi để lôi kéo nguồn lực của các thành phần kinh tế khác đầu tư phát triển hạ tầng. Đó cũng chính là kiến nghị mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Minh Trí

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   CPI thấp nhưng giá không ngừng tăng (01/11/2012)

>   Chuyên gia, nhà kinh tế nói về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (31/10/2012)

>   Không nên chạy theo CPI khi điều hành lãi suất (31/10/2012)

>   Bộ trưởng Kế hoạch: 'Muốn tăng lương, phải giảm đầu tư' (30/10/2012)

>   Đề xuất thành lập Ủy ban quốc gia tái cơ cấu kinh tế (30/10/2012)

>   Vực dậy niềm tin (30/10/2012)

>   ANZ: Dòng vốn từ Australia vào Việt Nam có thể sẽ tăng mạnh (30/10/2012)

>   Kinh tế 10 tháng và bốn vấn đề cần xử lý (30/10/2012)

>   Chỉ tiêu kinh tế - xã hội 2013 hoàn toàn khả thi (29/10/2012)

>   Bộ Công Thương: CPI cả năm sẽ ở quanh mức 8% (29/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật