Áp lực tái cơ cấu đè nặng ngân hàng nhỏ
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là mục tiêu trọng điểm đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hướng tới.
Tiếp sau 3 ngân hàng hợp nhất vào cuối năm 2011 và vụ sáp nhập giữa Habubank vào SHB, theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, các ngân hàng nhỏ có tình hình thanh khoản yếu kém tiếp tục được đưa vào diện tái cơ cấu.
Nếu ngân hàng yếu kém không tự tái cơ cấu, NHNN buộc phải can thiệp bằng biện pháp mạnh
|
Chủ động tái cơ cấu
Trong đề án tái cấu trúc nền kinh tế thì Đề án cơ cấu hệ thống ngân hàng là một vấn đề lớn được Chính phủ phê duyệt và ban hành sớm nhất trong tất cả các lĩnh vực. Bởi thực tế khi thanh khoản của ngành ngân hàng suy kiệt sẽ có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.
Với chủ trương thực hiện Đề án tái cấu trúc ngành đã được Chính phủ phê duyệt, NHNN đã và đang trong quá trình xử lý các nhà băng yếu kém nằm trong danh sách kiểm soát đặc biệt. Sáp nhập, hợp nhất (M&A) là hình thức được sử dụng trong quá trình tái cơ cấu, nhằm cải tổ sâu đậm đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam. Áp lực tái cơ cấu đang đè nặng các ngân hàng quy mô nhỏ, yếu kém, trong bối cảnh diễn biến kinh tế khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp kéo theo nợ xấu ngân hàng gia tăng, thanh khoản bị đe dọa. Đây cũng chính là cơ hội thúc đẩy cho hoạt động M&A lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Quan điểm chỉ đạo của NHNN đối với việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã được Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, việc tái cơ cấu là tự nguyện của các nhà băng nhỏ, yếu kém. Nếu các ngân hàng yếu kém không có khả năng tự tái cơ cấu, NHNN buộc phải tính đến phương án hợp nhất hoặc sáp nhập các ngân hàng yếu kém, để cải tổ hệ thống. Thống đốc NHNN cũng cho biết, nhiều ngân hàng TMCP báo cáo có lãi nhưng qua thanh tra cho thấy, thực tế ngân hàng lỗ, mất vốn chủ, thậm chí không còn vốn điều lệ.
Đến thời điểm này, đã có 2 trong nhóm 4 ngân hàng thuộc diện phải tái cơ cấu từ nay đến cuối năm là Navibank và Trust Bank đã đề xuất phương án tự tiến hành tái cơ cấu.
Lãnh đạo Navibank cho biết, hiện Ngân hàng đã lập đề án tự tái cấu trúc trình NHNN. Thông tin này cũng được ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM xác nhận. “Hiện phương án tự tái cơ cấu của Navibank đã được chuyển lên NHNN để xem xét, bổ sung trình Chính phủ”, ông Minh nói.
Theo kết luận thanh tra, cơ quan thanh tra giám sát NHNN đã yêu cầu Navibank trích lập dự phòng rủi ro bổ sung vì nợ xấu tăng, tài sản đảm bảo chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, dự phòng các khoản tiền gửi liên ngân hàng… Điều đó dẫn đến vốn chủ sở hữu của Navibank còn lại là 2.513 tỷ đồng, thấp hơn mức vốn pháp định tối thiểu theo quy định.
Mới đây, trong công văn giải trình với Sở GDCK Hà Nội, Navibank cho biết, thực hiện kết luận của Cơ quan thanh tra giám sát, Ngân hàng đã triển khai các biện pháp nhằm giảm một số khoản nợ xấu theo kết luận thanh tra, phối hợp với khách hàng hoàn tất thủ tục pháp lý liên quan đến tài sản đảm bảo, yêu cầu khách hàng bổ sung thêm tài sản đảm bảo, mời đơn vị định giá độc lập để định giá lại các tài sản đảm bảo làm căn cứ và trích lập dự phòng rủi ro bổ sung. Kết quả, sau khi hoàn tất các nội dung trên, số dự phòng rủi ro phải trích bổ sung của Navibank đã giảm so với số dự phòng rủi ro theo kết luận của Cơ quan giám sát, vốn chủ sở hữu của Ngân hàng tại thời điểm 30/9/2012 là 3.027 tỷ đồng, cao hơn 27 tỷ đồng theo vốn pháp định.
Với TrustBank, trung tuần tháng 9/2012, NHNN đã có văn bản chấp thuận cho Ngân hàng triển khai phương án tái cơ cấu. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, hiện ngân hàng này đang gọi vốn từ cổ đông chiến lược trong nước với tỷ lệ cổ phần chi phối tương đối lớn, nhằm xử lý thanh khoản và cải thiện công tác quản trị rủi ro khi có sự tham gia của nhân tố mới.
NHNN sẽ mạnh tay xử lý
Theo chuyên gia kinh tế, đối với các NHTM cổ phần quy mô nhỏ, ngoài việc vốn điều lệ còn thấp, hệ số CAR (hệ số an toàn vốn) tối thiểu chưa cao. Hầu hết các ngân hàng có tỷ lệ vốn tự có trên tổng tài sản hiện chỉ hơn 10%, trong khi tỷ lệ này ở nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển vào khoảng 20%. Đây là một cảnh báo về sự yếu kém tồn tại trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Vì thế, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là một nhiệm vụ vô cùng cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Sau khi ngân hàng hợp nhất SCB ra đời (được hợp nhất từ 3 ngân hàng là SCB, TinNghia Bank và Ficombank) đến thương vụ Habubank sáp nhập vào SHB, mới đây, thị trường cũng rộ lên thông tin DaiA Bank sáp nhập vào HDBank. Phía NHNN cũng đã chấp thuận phương án sáp nhập của hai nhà băng này. DaiA Bank và HDBank từng ấn định ngày tổ chức ĐHCĐ bất thường để thông qua phương án trên, song cả hai nhà băng này đã hoãn lại ngày tổ chức Đại hội để đưa ra quyết định cuối cùng.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, NHNN sẽ can thiệp mạnh mẽ nếu các ngân hàng yếu không thể tự xử lý được mình trong thời hạn cho phép, chứ không chần chừ như trước đây. “Vì thế, khi còn thời gian, các ngân hàng nhỏ, hoạt động yếu kém phải tự tìm kiếm đối tác để thực hiện M&A”, ông Thành nói.
Thùy Vinh
Đầu tư chứng khoán
|