Xử lý nợ xấu ngân hàng: Từ “chủ nợ”, “con nợ” đến trách nhiệm xã hội
Nợ xấu ngân hàng đang là vấn đề lớn cần xử lý để đưa vốn của nền kinh tế vào chu kỳ luân chuyển tốt. Dưới đây là một số mô hình để tham khảo, được dựa vào đặc điểm cụ thể của từng nhóm nợ xấu ngân hàng.
Việc xử lý nợ xấu phải đáp ứng những ranh giới tối thiểu sau:
Một là phải tôn trọng luật hiện có, nhất là Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản, Luật Ngân sách, Luật Các tổ chức tín dụng. Tinh thần những Luật trên xác định, hiệu quả từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp do doanh nghiệp tự chịu. Nếu “bể nợ” thì tiến hành quy trình phá sản, trong đó, tổn thất đầu tiên là chủ doanh nghiệp, kế đến là các chủ nợ.
Hai là ngân sách không bù lỗ cho doanh nghiệp. Ngân sách chỉ có thể “ứng tiền ra” nhưng phải có hướng “thu hồi về”.
Ba là Ngân hàng Nhà nước có thể “cho vay đặc biệt” đối với các ngân hàng thương mại gặp “khủng hoảng thanh khoản” với thời hạn khá dài và lãi suất “còn bỏ ngõ”.
Và bốn là Nhà Nước có trách nhiệm duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, việc làm người lao động, nguồn thu ngân sách thông qua vai trò hỗ trợ, thậm chí “bảo hộ”.
Như vậy, có thể tham khảo một số mô hình xử lý nợ xấu dưới đây, mỗi mô hình đưa ra sẽ dựa vào đặc điểm cụ thể riêng cho từng nhóm nợ xấu ngân hàng.
Mô hình tổng thể được đưa ra cho việc xử lý đa phần các loại nợ xấu là “Thanh lý trong bảo hộ" hay "Bảo hộ phá sản". Ở mô hình này, doanh nghiệp có nợ xấu lớn được tiến hành tái cơ cấu trước. Những tổn thất của ngân hàng sau "tái cơ cấu nợ xấu doanh nghiệp" sẽ quyết định việc có hay không việc "tái cơ cấu ngân hàng mất vốn lớn".
Trước tiên, các ngân hàng và chủ nợ lớn nên cùng ngồi lại để tái cơ cấu doanh nghiệp nợ xấu như mô hình SHB tái cơ cấu Thủy sản Bình An (BAF). Đó là việc chuyển nợ thành vốn góp. Mô hình này có lợi cho chủ nợ vì không thể hiện tổn thất vốn trên sổ sách. Nếu điều này không thể xảy ra thì Nhà Nước "bất dắc dĩ" phải tiến hành quy trình "Thanh lý trong bảo hộ".
Nếu xét thấy việc phá sản tự nhiên một doanh nghiệp làm "tổn thương" nền kinh tế, người lao động. Và quan trọng là doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động ổn định trong điều kiện "không nợ nần" thì Nhà Nước cần "bảo hộ phá sản". Đây là quá trình "hình thành doanh nghiệp sạch trong lòng doanh nghiệp nợ xấu". Một "doanh nghiệp cổ phần mới" được hình thành trên cơ sở tiếp quản cơ sở vật chất, nguyên nhiên vật liệu cần thiết cho sản xuất kinh doanh, người lao động, nợ người lao động. Doanh nghiệp này được một Ủy ban định giá. Cổ phần được đưa ra đấu giá với khởi điểm là giá được định trên.
Đến đây, điều then chốt sẽ được giải quyết khi Nhà Nước "bảo hộ", tức là một công ty kinh doanh vốn Nhà Nước sẽ đứng ra mua hết những cổ phần không bán được như dạng mua nợ xấu để đảm bảo có nguồn cho xử lý nợ xấu. Những tài sản còn lại được thanh lý, công nợ phải thu sẽ huy động Pháp luật đòi hộ. Tổng những nguồn trên được phân phối theo ưu tiên trong Luật phá sản. Đến đây, nợ xấu đã giải quyết, những tổn thất nếu có sẽ hạch toán vào lỗ ngân hàng hoặc doanh nghiệp chủ nợ.
Doanh nghiệp sạch, mới này cần được Nhà Nước "hỗ trợ" để phát triển tốt. Khi định giá, cần đưa vốn lưu động cần thiết vào giá trị được định nhằm đảm bảo đơn vị hoạt động không cần vốn vay trong thời kỳ đầu, Nhà nước cũng cần hỗ trợ miễn, giảm, ân hạn thuế đối với những doanh nghiệp trên. Khi doanh nghiệp đã ổn định, phát triển thì Công ty kinh doanh vốn tiến hành thoái vốn, cho "xã hội hóa" ngay khi có điều kiện.
Quá trình “thanh lý trong bảo hộ” trên sẽ phát sinh những tổn thất cho ngân hàng trong việc thu hồi. Đây là những tổn thất "ít nhất và thu nhanh nhất" trong thực trạng ngân hàng cho vay "thoáng" không thu được nợ. Thực trạng tổn thất từng ngân hàng sẽ quyết định việc có "tái cơ cấu trong bảo hộ" ngân hàng đó hay không. Tức là có hình thành một ngân hàng sạch trong lòng ngân hàng cần cơ cấu hay không.
Quá trình "thanh lý trong bảo hộ" trên sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường vốn. Những ông chủ doanh nghiệp, cổ đông sẽ tổn thất. Và từ đây, ông chủ, cổ đông trên thị trường sẽ có trách nhiệm "gắn bó sâu hơn" vào quản trị, điều hành doanh nghiệp để hạn chế xảy ra thua lỗ.
Mô hình xử lý nợ xấu thứ hai dành cho "nợ xấu bất động sản" hiện nay. Đó là thông qua ngân hàng cho vay, Ngân hàng Nhà Nước ủy thác "cho vay hộ" người mua nhà để thúc đẩy giải phóng tồn kho bất động sản, tất nhiên là đi kèm vật tư xây dựng, việc làm ..., làm nguồn xử lý nợ xấu. Đây là các khoản cho vay chỉ định đối với từng người vay cụ thể là người chưa có nhà, nhà được mua thuộc dạng xử lý nợ xấu.
Đến đây, mấu chốt của sự "hỗ trợ" của Nhà Nước chính là lãi suất cho vay "thấp" và "không thay đổi" trong suốt thời hạn vay. Tỷ trọng cho vay với giá trị nhà linh động để "vừa giải phóng hàng tồn, vừa hỗ trợ người dân có nhà ở". Thời hạn cho vay cũng cần linh động về độ dài để đạt yêu cầu trên. Đây là mô hình "khoản chi trả cuối cùng" trong việc xử lý khủng hoảng kinh tế, khác với mô hình "khoản chi trả đầu tiên" mà chúng ta thường áp dụng khi "hỗ trợ tín dụng cho sản xuất kinh doanh trong khi doanh nghiệp không bán được hàng, làm tăng tồn kho, sâu sắc thêm khủng hoảng".
Mô hình thứ ba là sử dụng công cụ kinh điển và quan trọng bậc nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô, đó là mặt bằng lãi suất. Một mặt bằng lãi suất hạ sẽ đẩy mạnh tiêu dùng. Tiền đến với nền kinh tế, doanh nghiệp qua cửa "bán hàng" thay vì "vay ngân hàng" như trước.
Chúng ta đang bị áp lực của suy nghĩ "lãi suất phải thực dương" mà chưa so sánh đến việc người gửi ngân hàng không thể "gom hàng loạt mặt hàng trong rổ tính chỉ số giá cả "về chất trong nhà cả năm để hơn thua với lãi suất tiền gởi. Chúng ta cũng ngại rằng lãi suất hạ sẽ dẫn đến số dư huy động ngân hàng giảm theo mà chưa nhìn thấy thực nghiệm không hẳn là như vậy vì người này rút tiền ra mua hàng thì người bán hàng lại đưa tiền vào ngân hàng qua cửa trả nợ hoặc gửi tiền.
Mô hình thứ tư cũng kinh điển như trên là đưa thêm tiền vào lưu thông. Lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế là lượng máu lưu thông trong một con người. Nếu lượng tiền dư thừa sẽ hình thành một cân đối mặt bằng giá cả mới (tăng giá) theo hướng tổng cung bằng với tổng cầu. Nhưng khi lượng tiền "thiếu hụt trong lưu thông" thì thường phải trả giá trong việc hình thành mặt bằng mới theo hướng "giảm giá". Sức ỳ này xuất phát từ việc doanh nghiệp sẽ thua lỗ, thậm chí phá sản nếu giảm giá hàng hóa. Vì thế, thiểu phát sẽ gây đình đốn kinh tế.
Vì đồng Việt Nam không chuyển đổi được và cơ bản chỉ sử dụng trong lãnh thổ Việt Nam nên sẽ thực sự đáng ngại nếu lượng tiền đưa thêm vào lưu thông không bằng hoăc cao hơn tổng lãi vay phát sinh của nền kinh tế. Lãi vay ngân hàng khổng lồ hiện nay đến 40,000 tỷ đồng/tháng. Nếu chỉ phát hành vốn qua cửa bội chi ngân sách khoảng 10,000 tỷ đồng thì cán cân tổng nợ lớn hơn tổng tiền hàng tháng đến 30,000 tỷ đồng. Đây là con số quá lớn và đi theo là phát sinh tăng lên nợ không có khả năng thanh toán.
Xử lý nợ xấu là vấn đề quá lớn và mọi người đều mong học hỏi thêm những điều hay mới, nhất là những bài học thành công qua thực nghiệm.
Nguyễn Đình Dũng (Vietstock)
FFN
|