Thứ Hai, 22/10/2012 06:37

“Không nên tính chuyện huy động vàng!”

Như VnEconomy từng đề cập, việc ngừng hẳn huy động vàng cả với các ngân hàng thương mại lẫn Nhà nước là một trong những tình huống được tính đến sau mốc hẹn 25/11/2012.

Trước hết cần xác định rõ: huy động ở đây là nghiệp vụ mà các ngân hàng thương mại triển khai thời gian qua, theo các kỳ hạn và trả lãi suất, khác với khái niệm huy động một nguồn lực trong dân phục vụ cho những mục đích nào đó.

Trong Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng của Chính phủ, từ “huy động” chỉ xuất hiện duy nhất một lần, gắn với nội dung quan trọng: Ngân hàng Nhà nước được tổ chức huy động vàng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Còn trong Thông tư số 16/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn một số điều của nghị định trên, không thấy có một điểm nào đề cập đến huy động và cho vay vàng.

Bài toán khó giải

Khoảng một năm qua, thị trường chờ đợi đề án huy động nguồn lực vàng trong dân được cụ thể. Dự tính, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức huy động vàng qua phát hành một loại chứng chỉ, các ngân hàng thương mại chỉ là đại lý triển khai “hộ”.

Qua đó, Nhà nước có thể tranh thủ nguồn lực khoảng 300 - 500 tấn vàng trong dân, chuyển đổi một phần nào đó thành ngoại tệ để gia tăng dự trữ, hoặc sử dụng bằng nhiều cách có lợi cho nền kinh tế…

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VnEconomy, không triển khai hướng huy động trên cũng là một phương án mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra để nghiên cứu, vì có những bài toán khó giải, liên quan đến chi phí, rủi ro và trách nhiệm. Nếu vậy, sau mốc hẹn 25/11/2012, hoạt động huy động vàng có thể sẽ ngừng hẳn (nếu có gia hạn cho một số ngân hàng để tránh rủi ro thanh khoản hệ thống thì lại là chuyện khác).

Bài toán đó, về chi phí, nếu Ngân hàng Nhà nước đứng ra huy động vàng, chi phí bỏ ra là nút thắt đầu tiên. Giả sử hàng chục triệu lượng vàng được huy động, dù áp lãi suất rất thấp, hàng nghìn tỷ đồng phải trả mỗi năm lấy nguồn từ đâu?

Dĩ nhiên, nguồn vàng huy động được sẽ dùng để có thể tạo ra giá trị lớn hơn chi phí. Nhưng tạo ra như thế nào? Có nhiều cách, song rủi ro lớn luôn tiềm ẩn.

Bản thân vàng không trực tiếp đi vào đầu tư. Để sử dụng và tạo giá trị, Ngân hàng Nhà nước phải chuyển đổi. Nút thắt ở đây lại là rủi ro. Thực tế đã có quá nhiều điển hình rủi ro từ chuyển đổi vàng, như mức lỗ hơn nghìn tỷ đồng tại Ngân hàng Á Châu (ACB), hay hàng tỷ USD tại một số ngân hàng trên thế giới…

Nếu là doanh nghiệp, lời lỗ là đương nhiên trong kinh doanh. Nhưng đây là Nhà nước, là rủi ro ngân sách, gắn với trách nhiệm trước nhân dân. Cũng lưu ý rằng, huy động và chuyển đổi ở đây gắn với một quy mô rất lớn. Ngân hàng Nhà nước có gánh được trách nhiệm này không nếu để xẩy ra tổn thất?

Phía sau những bài toán trên còn là sự chuyển đổi vai trò cần cân nhắc: một cơ quan quản lý, điều hành thị trường bị đẩy vào tình thế phải hạch toán kinh doanh, phải chịu áp lực và trách nhiệm lời - lỗ như doanh nghiệp!

Cái giá phải trả?

Liên quan đến đề án huy động vàng trong dân, tại một hội thảo cuối tháng 9 vừa qua, chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí có bản tham luận với những phân tích đáng chú ý.

Theo TS. Phạm Đỗ Chí, nếu tính cả lượng vàng người dân tích lũy từ trăm năm nay, quy mô có thể lên đến cả ngàn tấn. Nhưng không phải cứ thấy nguồn lực lớn thì tính ngay chuyện huy động.

“Thử hỏi, nếu huy động được khối lượng vàng giá trị khổng lồ ấy vào nền kinh tế, các nhà hữu trách đã tính đến chuyện làm thế nào để phát huy được giá trị nguồn lực ấy giúp tăng trưởng kinh tế cho quốc gia, hay lại cho vào các dự án đầu tư công khổng lồ khi mà câu chuyện “nóng” của những Vinashin, EVN, hay Vinalines… vẫn ám ảnh đầu óc tất cả chúng ta?”, ông Chí đặt vấn đề.

Chuyên gia này cũng lưu ý rằng, trong hơn 30 năm theo dõi thị trường vàng quốc tế hay trong thời gian dài phục vụ tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông thấy rất ít chính phủ hay ngân hàng trung ương nào đứng ra huy động vàng của dân.

“Ngân hàng Nhà nước không nên tính đến câu chuyện này (huy động vàng - PV), vì rủi ro cho dân và cho ngân sách quốc gia là rất lớn… Sự lao đao mới đây của vài cá nhân lãnh đạo ngân hàng trong việc bán khống một số vàng lớn ở mức 1.550 - 1570 USD/ounce cách đây vài tháng đã đem lại vài món nợ khổng lồ cho họ và các ngân hàng của họ, là một bài học lớn cho cả hệ thống ngân hàng Việt Nam và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý thị trường vàng tương lai”, ông Chí khuyến nghị như vậy và nêu ví dụ.

Thực tế thị trường vàng luôn khó lường, có thể biến động không thể kiểm soát nổi chỉ qua một đêm, và cái giá phải trả là rất đắt cho những tính toán sai lầm. Phía sau đó, tất nhiên, đi cùng với thiệt hại vẫn là câu chuyện của trách nhiệm.

Huy động hướng nào?

Hiện chưa có hướng lựa chọn cụ thể của Ngân hàng Nhà nước được chốt lại và công bố. Làm sao tranh thủ được nguồn lực vàng trong dân vẫn là yêu cầu đặt ra.

Nếu tránh những vấn đề ở trên, “huy động” sẽ được hiểu theo khái niệm khác, chứ không phải là nghiệp vụ ngân hàng như hiện nay, có kỳ hạn và trả lãi suất, sau đó thực hiện chuyển đổi để sử dụng.

Trước mắt, cũng có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ tập trung vào việc điều hành và bình ổn thị trường. Một quỹ bình ổn quy mô đủ mạnh được định hình, là cấu phần của dự trữ ngoại hối, được bảo hiểm giá và trạng thái qua liên thông với tài khoản vàng ở nước ngoài, để sẵn sàng can thiệp khi cần. Các ngân hàng, doanh nghiệp tham gia kinh doanh được quản lý và giám sát chặt qua cơ chế giới hạn trạng thái để hạn chế yếu tố đầu cơ.

Mặt khác, không được hưởng lãi suất và phải trả phí khi gửi ở ngân hàng, chính sách lãi suất và giá trị VND được đảm bảo sẽ kích thích người giữ vàng chuyển đổi khi cân nhắc lợi ích nắm giữ. Đó cũng là một hướng để “huy động” sức vàng trong dân, như đã thành công đối với ngoại tệ trong hơn một năm qua.

Tất nhiên đó chỉ là một hướng lý thuyết giả định, gắn với yêu cầu ổn định được vĩ mô, giá trị VND được củng cố. Đáp ứng được yêu cầu đó trên thực tế luôn khó. Thế nên huy động vàng sẽ vẫn là câu chuyện phức tạp và lâu dài.

Minh Đức

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Techcombank: Bước lùi 6 năm của xếp hạng tín nhiệm (22/10/2012)

>   Ngân hàng “bắt tay” doanh nghiệp bất động sản (20/10/2012)

>   ACB: Quý 3 lỗ 1.251 tỷ từ kinh doanh vàng (20/10/2012)

>   Tín dụng Hà Nội tăng 4,7% so với đầu năm (20/10/2012)

>   Ðủ kiểu chạy vốn (20/10/2012)

>   Đến lúc làm ăn: Tìm vốn ở đâu (20/10/2012)

>   Cầu vốn ngoại tệ, đến hẹn lại lên (20/10/2012)

>   Tái cơ cấu ngân hàng, nhận diện những lực cản (19/10/2012)

>   Tất toán vàng: Ngân hàng vừa làm vừa nghe ngóng (19/10/2012)

>   “Sống” thế nào sau sáp nhập? (19/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật