Ðủ kiểu chạy vốn
Không trông mong vốn từ ngân hàng, nhiều doanh nghiệp có những giải pháp độc đáo để có tiền sản xuất, kinh doanh. Càng về cuối năm, khi kế hoạch sản xuất và kinh doanh những mặt hàng thiết yếu phục vụ dịp tết Nguyên Đán tới gần, nhu cầu về vốn của doanh nghiệp càng tăng cao. Cho dù còn không ít khó khăn và thách thức, nhưng dù sao đây vẫn là cơ hội để gỡ gạc lợi nhuận bù lại một năm kinh doanh đầy trắc trở.
Chủ động vốn từ các phía
Thông thường giai đoạn này, doanh nghiệp chỉ cần vay ngắn hạn để mua nguyên liệu sản xuất hàng hóa, tung bán vào dịp Tết Dương lịch và Nguyên Đán. Hàng bán nhanh, thu tiền nhanh nên nguồn vốn ngân hàng là điểm đầu tiên mà doanh nghiệp nhắm đến và ngân hàng cũng dễ dàng giải ngân vì rủi ro thấp, lợi nhuận tốt. Nhưng năm nay chắc không được vậy! Bằng chứng là tín dụng sau 9 tháng chỉ tăng 2,35% so với tháng 12/2011. Vì thế, tự xoay xở vẫn là lựa chọn tối ưu mà doanh nghiệp đang thực hiện.
Ông Trần Thanh Toàn, chủ cơ sở Bánh chưng Trần Gia (Biên Hòa, Đồng Nai) - đơn vị cung cấp bánh chưng có tiếng cho khách hàng Việt kiều - đã kêu gọi sự hợp tác của các nhà cung cấp nguyên liệu để gói bánh chưng. Theo đó, ông Toàn và các nhà cung cấp nguyên liệu bánh chưng cùng chung vốn để sản xuất, hàng bán được cùng chia lợi nhuận. Ông Toàn chịu trách nhiệm hoàn tất thành phẩm, tiếp thị và bán hàng, còn người góp vốn sẽ cung ứng lá dong, thịt heo, gạo nếp… Thay vì tự bỏ số tiền lớn để kinh doanh từ A đến Z, trong khi vốn đi vay phải chịu lãi suất rất cao "ăn" hết lợi nhuận, ông Toàn cho rằng, hợp tác kinh doanh là thượng sách. Ông cho biết thêm: "Thông thường, những đơn vị sản xuất phải chuẩn bị nguyên liệu gối đầu từ 2 - 3 tháng để sản xuất. Với lãi suất trên 20% như hiện nay, nếu sản xuất có lãi thì cũng chẳng được bao nhiêu. Tôi phải lật sang phương án hùn vốn, tức là mỗi bên lo một phần công đoạn sẽ có hiệu quả hơn". Vay vốn từ nhân viên để hỗ trợ cho vốn lưu động cũng là cách làm riêng của ông Đinh Văn Tú, Giám đốc Doanh nghiệp Bánh kẹo Hải Phong. Theo ông, để chuẩn bị hàng hóa cho mấy tháng cuối năm, Hải Phong cần lượng vốn lưu động khoảng 500 triệu đồng. Nếu vay ngân hàng phải chờ giải ngân khá lâu, có thể bỏ lỡ cơ hội mua nguồn hàng giá rẻ, chưa kể còn có nhiều điều kiện rắc rối đi kèm nên ông quyết định ký hợp đồng vay vốn từ người trong công ty với lãi suất cao hơn ngân hàng từ 2-3%. Với gần 200 nhân viên việc gom số tiền trên cũng không quá khó. Mặc dù lãi suất trả cao hơn một chút, nhưng đổi lại sớm huy động được vốn tiền mặt vì các nhân viên và người lao động hiểu hoạt động của công ty và họ cũng không đòi hỏi có sự thế chấp. Đây là cách họ chia sẻ khó khăn với công ty và đồng thời nỗ lực làm việc hết mình vì mục tiêu chung.
Đàm phán nợ cũng là một cách làm chủ động của doanh nghiệp để tăng dòng chảy vốn. Ông Đinh Anh Huân, Giám đốc kinh doanh hệ thống Thế giới Di Động cho biết, mặt hàng điện tử luôn có sức mua rất cao vào những dịp cuối năm. Để có lượng hàng lớn, dĩ nhiên cần có nguồn vốn lớn, vì thế công ty đàm phán gia tăng hạn mức nợ từ phía các nhà cung cấp. "Vào dịp cuối năm, sức tiêu dùng các mặt hàng điện tử sẽ tăng cao nên chúng tôi sẽ đặt ra mức doanh thu cao để hưởng những ưu đãi từ các nhà cung cấp. Việc thỏa thuận mức gia hạn nợ kéo dài hơn quy định sẽ giúp công ty tăng cường chính sách bán hàng hấp dẫn hơn, thu hút người tiêu dùng. Với chính sách này, hai bên đều có lợi. Chúng tôi có vốn ngắn hạn để hoạt động, còn nhà cung cấp sẽ tiêu thụ được một lượng hàng lớn", ông Huân nói.
Vay tiền nhà nước
Chương trình bình ổn giá đang được thực hiện tại TP.HCM đúng vào lúc các doanh nghiệp đôn đáo tìm vốn để sản xuất và kinh doanh cuối năm. Tham gia chương trình này, doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất 0% và mọi doanh nghiệp đều có thể tham gia nếu đáp ứng được những điều kiện do UBND TP.HCM đặt ra. Từ chỗ chỉ có vài doanh nghiệp tham gia vào những năm đầu thực hiện chương trình, đến nay đã có gần 50 doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Huân, Giám đốc Công ty Ba Huân, một doanh nghiệp có thâm niên tham gia vào chương trình này chia sẻ: "Mặc dù các điều kiện cho chương trình bình ổn khá khắt khe, ví dụ như: phải có hàng hóa với số lượng lớn và ổn định trong năm, có mạng lưới phân phối rộng; hàng hóa đảm bảo chất lượng và giá bán thấp hơn ít nhất 5-10% so với giá sản phẩm cùng loại tại từng thời điểm trên thị trường… nhưng đổi lại, doanh nghiệp khá yên tâm khi có nguồn vốn hoạt động ổn định, nhất là trong giai đoạn hiện nay lãi suất vẫn còn cao và ngân hàng ngại cho vay. Chưa kể, Thành phố còn hỗ trợ quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp, rồi cùng doanh nghiệp xây dựng nguồn cung nguyên vật liệu lâu dài và ổn định."
Trong suốt năm 2012 và dịp Tết Quý Tỵ 2013, TP.HCM tiếp tục bình ổn 9 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu với 49 doanh nghiệp tham gia với tổng vốn hỗ trợ là 311 tỷ đồng, dù giảm đến 100 tỷ đồng so với năm 2011, nhưng cũng là cơ hội ngàn vàng giúp một số doanh nghiệp thuận lợi hơn trong kinh doanh, nhất là sẽ góp phần kiềm chế sự tăng giá quá mức trong dịp Tết.
Ðể nắm được cơ hội làm ăn trong dịp Tết:
Kêu gọi sự hợp tác của các nhà cung cấp nguyên liệu; vay vốn từ nhân viên để hỗ trợ cho vốn lưu động; đàm phán gia tăng hạn mức nợ từ phía các nhà cung cấp và kể cả tranh thủ tiền vốn nhà nước cho "Chương trình bình ổn giá" là cách doanh nghiệp đang cố gắng làm.
|
Bài: Minh Phương - Ảnh: Hồng Thái
diễn đàn doanh nghiệp
|