Thứ Năm, 18/10/2012 13:19

Hút vốn huy động để nuôi nợ?

Tín dụng đang tăng trưởng khó khăn, nhiều NHTM kêu thừa vốn, nhưng trên thị trường tiền gửi các NHTM vẫn tăng lãi suất huy động và áp dụng nhiều chiêu khuyến mại để hút vốn tiền gửi. Điều này có vẻ như nghịch lý nhưng thực tế xuất phát từ chất lượng tăng trưởng tín dụng và những tồn tại cơ bản chưa được giải quyết ở các NHTM.

Nóng USD và VNĐ

Dạo quanh một vài NHTM trên địa bàn TPHCM, có thể thấy các NH vẫn niêm yết lãi suất tiền gửi VNĐ ngắn hạn trần 9%/năm theo quy định của NHNN, nhưng với khách hàng có khoản tiền gửi trên 1 tỷ đồng có thể thỏa thuận lãi suất với biên độ cộng thêm 1,5-2,5%/năm.

Đơn cử, tại một phòng giao dịch của NH D. khách hàng gửi 1 tỷ đồng kỳ hạn 3 tháng có thể nhận được lãi suất 12,5%/năm; gửi 2 tỷ đồng lãi suất 13,5%/năm cộng thêm chương trình tặng quà.

Tuy nhiên, để tránh bị NHNN kiểm tra, NH này chi tiền mặt cho khách, trên hợp đồng vẫn ghi lãi suất theo trần tiền gửi. Tại một chi nhánh NH S. khách hàng gửi kỳ hạn dài hay ngắn số tiền từ 500 triệu đồng trở lên sẽ được hưởng lãi suất vượt trần 13-13,5%/năm, nhưng trên hợp đồng sẽ làm theo kỳ hạn trên 12 tháng.

Giải thích cho việc này, nhân viên NH cho biết nhu cầu vốn cuối năm tăng cao, để giữ chân khách hàng tiền gửi nhiều NHTM buộc phải lách lãi suất dù thanh khoản của không quá căng thẳng.

Không chỉ VNĐ, nhiều NH cũng tăng lãi suất huy động đối với USD. Hiện nay, trần lãi suất huy động USD là 2%, nhưng nhiều NH đã bắt đầu tăng dần lên 3-4%, thậm chí 5%. Theo đó, khách hàng chỉ cần gửi 20.000-50.000USD có thể nhận được lãi suất 3-4%.

Mức tiền gửi cao hơn sẽ được điều chỉnh lãi suất thỏa thuận tăng lên. Theo một lãnh đạo NHTM, tiền gửi ngoại tệ của hệ thống NHTM dù có hồi phục trong tháng 9 nhưng tính chung 9 tháng vẫn giảm mạnh, trong khi đó nhu cầu tín dụng ngoại tệ giảm nhưng mức giảm thấp hơn tiền gửi ngoại tệ.

Chính vì vậy, nhiều NHTM bị mất cân đối trong huy động và cho vay ngoại tệ, khi dân rút ngoại tệ chuyển sang tiền đồng buộc các NH phải đẩy lãi suất huy động USD lên cao.

Ngoài ra, một số NHTM huy động vốn USD để chuyển hóa một phần làm nguồn vốn cho vay theo VNĐ thông qua các sản phẩm tín dụng. Đồng thời để đáp ứng nhu cầu cuối năm về nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng và sản xuất, các NH cũng chủ động tăng huy động USD lên cao.

Những tồn tại cũ

Theo một cán bộ lãnh đạo NHNN, cái gốc của vấn đề lãi suất tiền gửi hiện nay vẫn xuất phát từ những tồn tại cơ bản ở các NHTM chưa được giải quyết. Theo đó, tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng và số lượng trong những năm qua đã bộc lộ nhiều hạn chế trong hoạt động NH (tăng tín dụng nóng, cho vay bất động sản, tăng trưởng theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra…) làm gia tăng nợ xấu.

Đặc biệt, việc các NHTM khai thác và sử dụng vốn chưa hợp lý, hệ số sử dụng vốn cao, khi thị trường biến động, nợ xấu phát sinh… cũng ảnh hưởng nhiều đến thanh khoản. Đây là lý do khiến lãi suất tiền gửi của các NHTM vẫn chưa ổn định theo trần lãi suất.

Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia NH cho biết việc gia tăng vốn và tài sản tại các NHTM cho thấy có sự mất cân đối trong đầu tư và sử dụng nguồn vốn hiệu quả, trong khi môi trường kinh doanh NH hoạt động chính vẫn là tín dụng. Điều này làm xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh, tự làm giảm các điều kiện ràng buộc đối với khách hàng vay vốn và gia tăng nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản một cách quá mức.

Vị chuyên gia này kiến nghị NHNN nên giảm tỷ lệ nguồn vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, hoặc không cho phép thực hiện có thời hạn nhằm hạn chế rủi ro sử dụng vốn, tránh gây bất ổn cho hệ thống tiền tệ các NHTM.

Thủy Dương

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   “Các tổ chức tín dụng cũng có thể phá sản” (18/10/2012)

>   Ngân hàng Việt: Đóng cửa sửa sai với 'thù trong giặc ngoài' (18/10/2012)

>   Tỷ giá ngoại hối có xu hướng giảm (18/10/2012)

>   Khởi tố vụ án lừa chiếm đoạt tiền HSBC và VietCapitalBank (18/10/2012)

>   Tìm giải pháp xử lý nợ xấu thông qua vốn ngoại (18/10/2012)

>   Khối u ngân hàng bị bưng bít vì... Luật (18/10/2012)

>   Ngân hàng “nhóm 1” cũng đua lãi suất (18/10/2012)

>   Vốn chưa tìm thấy lối ra (18/10/2012)

>   CTG: Tổ chức huy động vốn hiệu quả nhất VN (17/10/2012)

>   Khi dòng tín dụng hướng vào sản xuất (17/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật