Thứ Năm, 18/10/2012 09:06

Tìm giải pháp xử lý nợ xấu thông qua vốn ngoại

Nợ xấu tăng cao là một trong những vấn đề lớn của quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng hiện nay, trong khi đó, nguồn lực để xử lý vấn đề này không dễ huy động. Nhiều quan điểm cho rằng, dòng vốn ngoại có thể là lựa chọn đáng lưu ý.

Con số nợ xấu chính thức cao

Ngân hàng triển khai nhiều gói hỗ trợ tín dụng, nhưng doanh nghiệp vẫn khó vay vốn. Điều này được thể hiện rõ trong con số tín dụng 9 tháng đầu năm tăng rất chậm. Theo số liệu công bố, tính đến cuối tháng 9, tín dụng chỉ tăng khoảng 2,5% so với cuối năm 2011. Tín dụng tăng chậm, song các ngân hàng vẫn đang quyết liệt huy động vốn, thậm chí nhiều ngân hàng âm thầm “lách trần” lãi suất bằng các chiêu khuyến mại, tặng quà, hoặc đẩy cao lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng.

Theo các chuyên gia, sở dĩ có câu chuyện như vậy là do thanh khoản của nhiều ngân hàng vẫn đang “có vấn đề”, mà nguyên nhân sâu xa là nợ xấu tăng nhanh. Mặc dù đến nay, vẫn chưa thấy có công bố nào khác ngoài con số nợ xấu tính đến hết tháng 3/2012, khoảng 202.000 tỷ đồng (tương đương 8,6% tổng dư nợ) được NHNN công bố. Thế nhưng, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước nhận định, con số nợ xấu thực tế còn cao hơn nhiều và vẫn có xu hướng tăng nhanh do “sức khỏe” của doanh nghiệp giảm sút nghiêm trọng. Vì lẽ đó, một lượng tiền không nhỏ bơm ra qua đường tín dụng đã không quay lại ngân hàng, cộng với căn bệnh “bóc ngắn, cắn dài” trong các ngân hàng chưa thuyên giảm, khiến các ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản. Chưa hết, nợ xấu không chỉ khiến một lượng vốn lớn của các ngân hàng bị chôn chặt, mà các ngân hàng còn phải trích ra một lượng tiền không nhỏ để dự phòng rủi ro.

Ông Trần Minh Hải, Luật sư về lĩnh vực tài chính - chứng khoán - ngân hàng (Công ty luật Basico) cho biết, đọc phần chỉ số về nợ và phân nhóm nợ trong báo cáo tài chính của một NHTM lớn niêm yết có tổng dư nợ 6 tháng đầu năm 103.812.525 triệu đồng là điều khó có thể tin được, bởi con số trên báo cáo không phản ánh được thực trạng dư nợ xấu. Có thể, một con số khổng lồ nợ xấu đã không được đưa vào trong tổng dư nợ. Có nhiều trường hợp, ngân hàng tài trợ hàng trăm tỷ đồng cho khách hàng, nhưng lách dưới vỏ bọc một giao dịch nào đó như tạm ứng thanh toán, đặt cọc giao dịch… cho khách hàng. Bên cạnh đó là những thủ thuật như mua bán nợ, ủy thác quản lý nợ… Điều này dẫn đến có một khối lượng nợ xấu thực sự đã không được “điểm danh”.

“Thanh tra NHNN cũng từng công bố nợ xấu thực của các ngân hàng khoảng 8,6%, một số tổ chức quốc tế đánh giá khoảng 13%, một vài chuyên gia trong nước từng đánh giá trên 14%. Nhưng đó là chưa kể nợ xấu của Vinashin, Vinalines nên chắc chắc con số nợ xấu chính xác không được thể hiện trên các báo cáo tài chính của ngân hàng thực tế còn lớn hơn nhiều”, ông Hải nói.

Bởi vậy, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nêu quan điểm: “Phương án cụ thể cho chính sách xử lý nợ xấu có thể khác nhau, nhưng chúng tôi khuyến nghị đưa ra phương hướng xử lý nợ xấu càng sớm càng tốt với nguyên tắc chủ đạo là nguồn lực để xử lý nợ xấu nên đến từ ngoài hệ thống NHTM. Điều này sẽ có ảnh hưởng tích cực tới hành vi của các ngân hàng ngay trong ngắn hạn, bất chấp việc thực hiện chính sách có phải diễn ra với một độ trễ nhất định”.

Nới room vốn ngoại cho ngân hàng

Để đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, lãnh đạo cao cấp phụ trách lĩnh vực tài chính - ngân hàng của một công ty kiểm toán cho rằng, NHNN nên nới room cho đối tác chiến lược nước ngoài để có luồng tiền mới giải quyết vấn đề nợ xấu. Bởi nếu để các ngân hàng tự xử lý, hoặc mua lại nợ xấu của nhau thì khối nợ xấu vẫn còn đó, có chăng chỉ là đổi chủ, trong khi dòng vốn của các ngân hàng vẫn bị chôn chặt vào nợ xấu.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, hiện các ngân hàng trong nước không tự giải quyết được vấn đề nợ xấu, nên đang có đề xuất thành lập công ty nợ quốc gia, nhưng câu chuyện này vẫn đang còn tranh cãi. Do đó, việc mở thêm room cho các ngân hàng nước ngoài vào là một ý tưởng tốt, nên làm, bởi xử lý nợ xấu cần vốn, cần kinh nghiệm mà DATC chỉ xử lý nợ xấu riêng lẻ, nợ xấu ở tầm quốc gia thì chưa có kinh nghiệm.

“Việt Nam không có lựa chọn nào tốt hơn, nên có lẽ đây là việc bắt buộc phải làm. Nhưng mức mở room cần có 2 giai đoạn: trong vòng 4 năm tới, chỉ nới đến 49% để các ngân hàng Việt Nam vẫn có quyền kiểm soát tuyệt đối; từ năm 2016 - 2020, Việt Nam dần dần tiến tới bỏ room, theo đúng cam kết gia nhập WTO”, TS. Hiếu nói.

Ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, nới room cho các ngân hàng nước ngoài tham gia thị trường ngân hàng đã nằm trong định hướng của Chính phủ, NHNN, nhưng đến thời điểm này, chưa có hướng dẫn cụ thể. Các ngân hàng nước ngoài vẫn mong muốn được tham gia sâu thêm vào hệ thống ngân hàng, nên vẫn đang chờ đợi quyết định này.

Ông Hải cũng cho rằng, nâng room cho các ngân hàng nước ngoài ở các TCTD trong nước là biện pháp tốt để hỗ trợ giải quyết vấn đề nợ xấu. Ngoài ra, việc nâng room ở mức đủ lớn sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng ngoại thực sự điều hành các ngân hàng nội theo một chuẩn mực kinh doanh và quản trị rủi ro hoàn toàn mới. Điều này sẽ giúp giảm tính rủi ro của hệ thống ngân hàng. Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng cho thấy, tăng trần sở hữu của ngân hàng nước ngoài đối với một số ngân hàng nhỏ gặp khó khăn sẽ giúp ngân hàng trung ương tập trung vào giải quyết vấn đề của các ngân hàng lớn.

“Như vậy, không nhất thiết tất cả các ngân hàng cần nâng room mà NHNN, Chính phủ lựa chọn ra một vài ngân hàng yếu kém cụ thể, cần giải quyết nhanh. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị kỹ càng, dung hòa lợi ích trong nước và nước ngoài, đi từng bước nhỏ từ bây giờ và chọn một số ngân hàng phù hợp làm thí điểm. Nếu thí điểm tốt sẽ tạo niềm tin cho Chính phủ, NHNN và cộng đồng doanh nghiệp. Mức room nên được nâng lên 51%, bởi đây là điều kiện tỷ lệ sở hữu đủ lớn cho các ngân hàng nước ngoài để có thể tham gia vào điều hành ngân hàng”, ông Hải nói.

Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc VIB cho rằng, hạn chế room riêng lĩnh vực ngân hàng là 30% như hiện nay là một rào cản lớn. Nhìn vào thị trường ngân hàng Việt Nam, có bao nhiêu đối tác nước ngoài kết hợp với ngân hàng trong nước tạo thành sức mạnh tổng hợp? Nếu không là một cổ đông nắm quyết định kinh doanh, các ngân hàng trong nước đừng “mơ” các ngân hàng nước ngoài sẽ dốc hết tâm huyết, sức lực vào đầu tư.

“Đừng nghĩ hệ thống ngân hàng Việt Nam nợ xấu khiến không ai ngó ngàng tới. Trao đổi với một vài đối tác nước ngoài, tôi được biết, họ rất quan tâm đến thị trường ngân hàng Việt Nam, bởi thị trường này “có sức quyến rũ tiềm ẩn” nhưng cần mở rộng room để họ có quyền quyết thực sự. Do vậy, nới room là việc nên làm, không những giải quyết được câu chuyện nợ xấu mà còn tranh thủ được nguồn nhân lực, công nghệ, quản trị... Nhưng, quan trọng hơn cả là cải tạo chất lượng hoạt động hệ thống, giúp cho ngành ngân hàng minh bạch hơn, chuyên nghiệp hơn”, ông Trung nhấn mạnh.

Hồng Dung

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Khối u ngân hàng bị bưng bít vì... Luật (18/10/2012)

>   Ngân hàng “nhóm 1” cũng đua lãi suất (18/10/2012)

>   Vốn chưa tìm thấy lối ra (18/10/2012)

>   CTG: Tổ chức huy động vốn hiệu quả nhất VN (17/10/2012)

>   Khi dòng tín dụng hướng vào sản xuất (17/10/2012)

>   Ngân hàng mang tiền mua tín phiếu lãi suất 4,5-6,2%/năm (17/10/2012)

>   Ngoại tệ chảy vào ngân hàng (17/10/2012)

>   Tín dụng ngoại tệ tăng khá mạnh (17/10/2012)

>   Cuối năm phá rào lãi suất: Bệnh cũ tái phát (17/10/2012)

>   Thận trọng với “bánh vẽ“ của ngân hàng (17/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật