Thứ Tư, 17/10/2012 10:47

Tín dụng ngoại tệ tăng khá mạnh

Tín dụng ngoại tệ đang tăng khá mạnh, khiến tỷ giá USD niêm yết tại các ngân hàng từ đầu tháng 10 tới nay nhiều phiên tăng kịch trần. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tỷ giá rất khó có thể diễn ra trong quý IV/2012.

Tín dụng ngoại tệ tăng

Ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, tín dụng ngoại tệ tại ngân hàng này đang tăng đáng kể. Với lợi thế vốn USD trung hạn lớn (10 triệu USD) được tài trợ từ Công ty Tài chính quốc tế (IFC), OCB đang cho vay xuất khẩu với lãi suất USD chỉ 5,5%/năm.

Tương tự, đại diện một số ngân hàng khác, như SHB, MB cũng cho biết, tín dụng ngoại tệ của các ngân hàng này tăng trưởng rất tốt. Dù chưa có số liệu cập nhật, song báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của hai ngân hàng này cho thấy, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ của SHB và MB đạt hơn 20%. Theo dự báo của các ngân hàng thương mại, từ nay đến cuối năm, tín dụng ngoại tệ còn tăng, do nhu cầu thanh toán các đơn hàng xuất nhập khẩu. Nhu cầu ngoại tệ tăng mạnh thời gian gần đây đã khiến tỷ giá tại các ngân hàng có chiều hướng nhích lên.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sở dĩ cho vay USD tăng là do nhiều doanh nghiệp (DN) chuộng vay USD hơn, do lãi suất thấp hơn lãi suất tiền đồng và rủi ro biến động tỷ giá cũng thấp, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cam kết không để tỷ giá biến động quá 3%. Tuy nhiên, năm nay, do NHNN siết chặt quy định vay ngoại tệ, chỉ những DN có nguồn thu ngoại tệ mới được vay ngoại tệ, nên tình trạng DN vay USD để chuyển đổi sang tiền đồng nhằm hưởng chênh lệch lãi suất giảm hẳn. Do đó, áp lực trả nợ ngoại tệ khi các khoản vay đáo hạn không căng thẳng như những năm trước.

Nhận xét về diễn biến tỷ giá ngoại tệ, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng VIB cho rằng, tỷ giá nhích nhẹ gần đây là bình thường theo chu kỳ mùa kinh doanh quý IV hàng năm. Tuy nhiên, theo ông Trung, sẽ khó có chuyện nhu cầu ngoại tệ tăng đột biến, bởi sức cầu của nền kinh tế vẫn rất yếu.

Cân nhắc kỹ việc điều chỉnh tỷ giá

Việc đồng USD rớt giá mạnh trên toàn thế giới đang khiến nhiều nước toan tính phá giá đồng nội tệ, nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho hàng xuất khẩu. Tại Việt Nam, một số chuyên gia kinh tế đã đưa ra gợi ý này, song hiện có rất nhiều ý kiến phản bác.

TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, hiện tại, chúng ta chưa chịu áp lực điều chỉnh tỷ giá. Theo ông Ân, tỷ giá năm nay sẽ khó vượt ngưỡng 21.500 đồng/USD.

Trong khi đó, ông Lê Quang Trung cho rằng, không nên phá giá tiền đồng chỉ để hỗ trợ xuất khẩu, bởi việc phá giá tiền đồng sẽ khiến niềm tin vào tiền đồng giảm, nên mục tiêu giảm lãi suất cho vay cũng trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, nếu việc điều chỉnh tỷ giá diễn ra, người dân sẽ tăng kỳ vọng vào đồng USD, kéo theo nhiều hệ lụy khác. Đó là chưa kể, việc phá giá tiền đồng cũng sẽ khiến hàng loạt mặt hàng nhập khẩu tăng giá, tác động đáng kể tới chỉ số giá tiêu dùng.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Anh Dương, Phó trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (thuộc Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương) phân tích: “Về mặt lý thuyết, phá giá đồng nội tệ sẽ làm tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hàm lượng nhập khẩu trong hàng hóa xuất khẩu rất cao. Việc phá giá nhẹ tiền đồng, tưởng như không ảnh hưởng gì đến xuất khẩu, song thực tế đã làm hàng hóa trao đổi của Việt Nam đắt hơn hàng nước ngoài. Bằng chứng là trong mấy năm vừa qua, dù tỷ giá đã được điều chỉnh tăng lên khá cao, nhưng đồ thị tỷ giá thực (REER) lại đi xuống, chứng tỏ hàng hóa xuất khẩu của nước ta đang đắt lên đáng kể”.

Cũng theo nhận định của ông Dương, có lẽ, NHNN đã nhận thấy vấn đề này, nên tỷ giá được giữ ổn định khá lâu trong thời gian qua. Với quan điểm như vậy, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ rất khó diễn ra trong quý IV năm nay, như động thái thường thấy ở quý IV các năm trước.

Hà Tâm

Đầu tư

Các tin tức khác

>   Cuối năm phá rào lãi suất: Bệnh cũ tái phát (17/10/2012)

>   Thận trọng với “bánh vẽ“ của ngân hàng (17/10/2012)

>   Ngân hàng trả giá vì nợ xấu (17/10/2012)

>   Đề cử Thống đốc Nguyễn Văn Bình là chiến sĩ thi đua toàn quốc (16/10/2012)

>   BIDV Tây Hà Nội bị khách tố chiếm 800 triệu đồng (16/10/2012)

>   Công khai từng phần kết luận thanh tra ngân hàng (16/10/2012)

>   Nên lập công ty duy nhất xử lý nợ xấu (16/10/2012)

>   Tôi đi “buôn”… tiền: “Một vốn bốn lời” (16/10/2012)

>   Nghịch lý ngân hàng “thừa vốn”, lãi suất huy động vẫn cao (16/10/2012)

>   VCB và BIDV Kiên Giang có nguy cơ mất 33 tỉ đồng vốn cho vay (16/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật