Mua tín phiếu, trái phiếu Kho bạc với lãi suất cực thấp: Ngân hàng đang “bí” đầu ra?
Chấp nhận mua tín phiếu, trái phiếu Kho bạc với lãi suất cực thấp, khả năng sinh lời từ hoạt động tín dụng của nhiều ngân hàng sẽ bị co hẹp mạnh trong giai đoạn cuối năm 2012.
Không có nhiều sản phẩm kinh doanh, hầu hết các ngân hàng đều tập trung vào nghiệp vụ chính là hoạt động tín dụng. Tuy nhiên, xét về hiệu quả kinh doanh thì chính các tổ chức này đang bị mắc kẹt trong nghịch lý “mua mắc – bán rẻ”.
Thống kê từ một số ngân hàng cho thấy lãi suất huy động thỏa thuận đối với kỳ hạn dài hiện dao động quanh mức 12 – 13%; trong khi đó, hiện tượng vượt trần lãi suất huy động (9%) lên 11 – 12%/năm vẫn còn hiện diện khá phổ biến.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy tính đến ngày 31/8/2012, tổng số dư tiền gửi ở các tổ chức tín dụng tăng 11.23% so với đầu năm. Tuy nhiên, hoạt động cho vay diễn ra khá “ì ạch” khi tăng trưởng tín dụng tính đến 20/09 chỉ tăng khoảng 2.35%.
Thay vào đó, các ngân hàng đang có dấu hiệu đẩy mạnh hoạt động kinh doanh vốn trên thị trường liên ngân hàng, OMO và trái phiếu Chính phủ với lãi suất khá khiêm tốn.
Ngày 17/10, NHNN đã phát hành 2,098 tỷ đồng tín phiếu trên thị trường mở (OMO) ở các kỳ hạn 28 ngày, 56 ngày, 91 ngày với lãi suất lần lượt chỉ là 4.5%, 5.8% và 6.2%/năm. Trong khi đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ở các kỳ hạn 1 – 3 tháng dao động trong khoảng 7 – 10%/năm.
Lý do nào có thể giải thích cho hiện tượng này?
(1) Các ngân hàng thương mại vẫn đang chủ trương tăng cường cạnh tranh huy động để gia cố thanh khoản cho mùa vụ cuối năm (dương lịch cũng như âm lịch).
(2) Để tìm kiếm lợi nhuận, áp lực tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm là khá cao. Tuy vậy, hoạt động khó khăn của doanh nghiệp và rủi ro thu nhập từ khối khách hàng cá nhân đã khiến cho nhiều ngân hàng e ngại giải ngân tín dụng trên thị trường dân cư.
(3) Sau Thông tư 21, hoạt động giao dịch trên thị trường liên ngân hàng đã không còn sôi động, một phần do nhóm ngân hàng lớn cũng khá e ngại cho vay trên thị trường này.
(4) Không còn cách nào khác, nhiều ngân hàng đang tìm đến giải pháp cho Chính phủ vay với lãi suất thấp, qua con đường mua tín phiếu và trái phiếu. Dù với lãi suất thấp, các ngân hàng vẫn còn có thể sử dụng các loại giấy tờ có giá này để thế chấp hay chiết khấu trong trường hợp cần thiết.
Như vậy, có thể thấy nhiều ngân hàng vẫn đang gặp khó trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và khả năng sinh lời từ hoạt động này sẽ bị co hẹp mạnh trong giai đoạn cuối năm 2012.
Hoàng Vũ (Vietstock)
FFN
|