Thứ Hai, 22/10/2012 13:48

“Né” tăng lãi suất cho vay

Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) đang chật vật với hàng tồn kho tăng cao, đầu ra thị trường thu hẹp và chi phí nguyên vật liệu tăng, nay phải tiếp tục gánh thêm lãi suất cho vay tăng trở lại. Điều này khiến cơ hội DN tiếp cận vốn vay NH với lãi suất hợp lý trong 3 tháng cuối năm càng trở nên xa vời.

NH lại thu phí

Theo số liệu mới nhất từ Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM, đến tháng 9-2012 cả nước có trên 40.000 DN đăng ký ngừng hoạt động, phá sản; riêng tại TPHCM có khoảng 12.558 DN giải thể và hơn 9.000 DN tạm dừng hoạt động.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TPHCM, đây là vấn đề đáng báo động và cấp thiết phải tiếp sức cho DN đang hoạt động, nếu không số lượng DN giải thể, phá sản từ nay đến cuối năm sẽ còn tăng lên.

Lãi suất ở nước ta hiện nay gấp đôi, gấp ba các nước khu vực ASEAN, đặc biệt gần đây lãi suất tiền gửi lại tiếp tục vượt trần. Như vậy làm sao giải quyết kích cầu tiêu dùng, giải quyết được hàng tồn kho? Kỳ vọng từ nay đến cuối năm chính sách kinh tế của Nhà nước ổn định và nhất quán, do vậy nên sớm tách “khối u” nợ xấu để các DN có thể tiếp cận được vốn giá rẻ, phục hồi, ổn định và phát triển.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân

Trong khi đó, tại cuộc tọa đàm mới đây, nhiều DNNVV cho biết đang gặp thêm khó khăn khi các chi phí đồng loạt tăng, đặc biệt là lãi suất cho vay của NH. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM, cho biết trước tình hình trên nhiều DN đã buộc phải thu hẹp sản xuất.

“Nếu các NHTM không sớm có giải pháp hỗ trợ vốn cho DN, tới đây các DN sẽ tiếp tục co cụm, không dám mở rộng sản xuất kinh doanh” - ông Minh cảnh báo.

Theo ông Trịnh Tiến Dũng, Chủ tịch CTCP Cơ khí Đại Dũng, hiện nay tiền trong NH nhiều nhưng DN cần vay lại không được vì không đủ điều kiện. Như vậy tiền vẫn nằm trong NH và hàng hóa thì nằm chết trong kho.

Vậy nhưng, DNNVV phản ánh gần đây nhiều NHTM đã tăng lãi suất cho vay trở lại với những khoản vay cũ thông qua nhiều hình thức như thu nhiều loại phí.

Cụ thể, có những khoản vay tăng lên 18-19%/năm, trong khi mức sinh lời của nhiều DN hiện nay rất thấp, thường không quá 25%. Mặc dù NHNN công bố đường dây nóng để phản ánh vấn đề lãi suất nhưng các DN cho biết không dám gọi điện để “tố NH”, bởi như vậy sẽ "hết cửa" để vay vốn sau này.

Vì cần vốn DN đành phải “ngậm đắng” chịu lãi suất cao. Nhiều DN không chịu nổi phải xoay sở, giảm giá hàng hóa bán ra để có tiền trả nợ trước hạn và thu hẹp sản xuất kinh doanh.

Kết nhưng chưa nối

Từ đầu năm đến nay NHNN chi nhánh TPHCM đã phối hợp với UBND TPHCM, Sở Công Thương và các quận, huyện để thực hiện kết nối cho DNNVV tiếp cận vốn vay giá rẻ. Cụ thể, đã có nhiều buổi lễ ký kết cho vay giải ngân hàng trăm tỷ đồng với trên 50 DNNVV trên địa bàn TP, lãi suất 13-14%/năm.

Tuy nhiên, tại một cuộc họp mới đây với Sở Công Thương, nhiều DN đã phản ảnh việc ký kết cho vay này thực chất chỉ là đảo nợ, DN không được vay mới.

Số dư nợ ký kết cũng chỉ là khoản nợ cũ, nên công tác kết nối NH-DN chỉ mang tính hình thức, hiệu quả mang lại cho DN không bao nhiêu.

Một lãnh đạo Sở Công Thương cho biết sẽ kiến nghị với NHNN chi nhánh TPHCM, các cơ quan chức năng thay đổi phương pháp kết nối vốn cho DN làm sao để hiệu quả và thiết thực hơn. Đặc biệt, khi thực hiện kết nối, NHNN nên tăng cường công tác giám sát các NHTM trong việc triển khai đúng như cam kết, tránh kiểu kết nhưng chưa nối vốn cho DN.

Nhiều DN cũng phản ảnh việc TPHCM có Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV nhưng rất khó tiếp cận. Các DN kiến nghị quỹ này nên tăng cường nguồn lực, chi phí hóa và tăng giải ngân, hỗ trợ bảo lãnh cho DN.

Tuy nhiên, ông Trần Bửu Long, Phó Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng TPHCM, cho rằng điều kiện để được xem xét bảo lãnh vay vốn ngắn hạn hay dài hạn là DN phải có dự án đầu tư, có phương án khả thi. DN có hàng tồn kho cao, không có đầu ra thì không thể vay vốn được.

Lý giải việc này, theo một chuyên gia NH, trong bối cảnh khó khăn hiện nay các NHTM ngại rủi ro nên có tâm lý ở thế thủ, ngại cho vay mới. Vì thế lãi suất những khoản nợ cũ bị đẩy lên để NHTM thu lợi nhuận được đồng nào tốt đồng đó.

Theo vị chuyên gia này, với cách này NHTM cũng không thể tăng trưởng bền vững và an toàn, bởi khi DN ở thế cùng cực, rủi ro trong tương lai NHTM sẽ phải gánh chịu. Thời điểm này, NHTM nào chấp nhận lợi nhuận giảm, chia sẻ chi phí, cùng DN vượt qua giai đoạn khó khăn mới là khôn ngoan, có cơ hội gia tăng lợi nhuận tín dụng những năm tới.

Thanh Như

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   “Chết trên đống vàng” (22/10/2012)

>   Không tăng tín dụng bằng mọi giá (22/10/2012)

>   Chuyện lạ về tiền Việt Nam (22/10/2012)

>   Mua tín phiếu, trái phiếu Kho bạc với lãi suất cực thấp: Ngân hàng đang “bí” đầu ra? (22/10/2012)

>   Doanh nghiệp xù nợ, ngân hàng sợ cho vay (22/10/2012)

>   “Không nên tính chuyện huy động vàng!” (22/10/2012)

>   Techcombank: Bước lùi 6 năm của xếp hạng tín nhiệm (22/10/2012)

>   Ngân hàng “bắt tay” doanh nghiệp bất động sản (20/10/2012)

>   ACB: Quý 3 lỗ 1.251 tỷ từ kinh doanh vàng (20/10/2012)

>   Tín dụng Hà Nội tăng 4,7% so với đầu năm (20/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật