Việc làm đang “đứng ngoài” chính sách vĩ mô?
Cùng với tăng trưởng GDP, chỉ tiêu tạo việc làm thêm một lần không về đích (1,515 triệu/1,6 triệu người) theo báo cáo mới nhất của Chính phủ về tình hình kinh tế, xã hội 2012. Điều này có lẽ không có gì bất ngờ, khi niềm tin về các con số liên quan đến thị trường lao động ngày càng trở nên mong manh với không ít vị đại biểu của cơ quan lập pháp.
Nhiều công ty giải thể, phá sản, làm ăn thua lỗ trong năm 2012 nên chắc chắn tỉ lệ thất nghiệp hiện nay không thể thấp được.
Cách đây một năm, khi xem xét con số 1,583 triệu người được tạo việc làm mới (chỉ tiêu Quốc hội giao cũng là 1,6 triệu) của năm 2011, TS Trần Du Lịch, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh là ông “không bao giờ tin con số này”. Ông Trần Du Lịch cho biết, vấn đề thống kê việc làm đã được ông nêu tại Quốc hội nhiệm kỳ trước, và câu trả lời của nguyên bộ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc khi đó là: “Việt Nam không tính được bao nhiêu việc làm mới tạo ra trong một năm”.
Vẫn theo đại biểu Trần Du Lịch, khi hệ thống thống kê không tính được con số đó, thì không thể nào lý giải được quan hệ giữa tăng việc làm và đầu tư, đặc biệt đầu tư ngân sách. Tại các nước, cái quan trọng nhất là bao giờ người ta cũng tính được số việc làm mới cỡ nào, mới tính toán được là đầu tư hay không nên đầu tư.
Theo bộ Lao động – thương binh và xã hội, con số đăng ký thất nghiệp trong bảy tháng đầu năm là 305.791 người, giảm so với số 335.901 người của năm 2011. Song uỷ ban Kinh tế nêu ý kiến quan ngại kết quả này là do một bộ phận người lao động nhảy việc để lợi dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Trước đó, phiên họp toàn thể để chuẩn bị báo cáo thẩm tra này cũng ghi nhận đề nghị nghiên cứu, để có thể thay chỉ tiêu về giảm tỷ lệ thất nghiệp cho chỉ tiêu tạo việc làm mới hàng năm.
Vừa được phát hành ngày 18.10, bản tin Kinh tế vĩ mô của Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận định rằng vấn đề việc làm ở Việt Nam đã có dấu hiệu căng thẳng hơn trong khu vực chính thức cũng như phi chính thức.
Số liệu đến hết tháng 6.2012 được dẫn tại đây cho thấy, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính đạt mức 52,7 triệu người, nhưng số lao động ở tuổi này đang làm việc trong nền kinh tế ước chỉ đạt 51,6 triệu người.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lao động trên phạm vi cả nước khoảng 2,29% trong sáu tháng đầu năm 2012, giảm 0,29% so với cùng kỳ năm trước, bản tin tiếp tục nêu con số ước tính.
Bên cạnh tỷ lệ thất nghiệp, cơ quan xây dựng bản tin cho rằng tỷ lệ thiếu việc làm cũng được đánh giá là một trong các tiêu chí quan trọng để đo sự biến động của thị trường lao động và việc làm. Con số này cũng đã giảm so với cùng kỳ năm trước 0,84%, ở mức 3,06% khi kết thúc quý 2.
Mặc dù vậy, bản tin cho rằng cũng đã xuất hiện dấu hiệu tiêu cực có nguy cơ dẫn tới sự căng thẳng trên thị trường lao động, và triển vọng đạt mục tiêu tỷ lệ thất nghiệp thành thị 4% vào cuối năm 2012 được cho là một thách thức không nhỏ.
Cũng liên quan đến biến động lao động và việc làm, báo cáo Kinh tế vĩ mô 2012 vừa phát hành mới đây đã chỉ rõ ở Việt Nam, trọng tâm của các cuộc thảo luận chính sách vĩ mô thường hướng vào tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ lạm phát, thâm hụt cán cân thương mại… mà chưa dành sự phân tích thích đáng đối với nhóm chỉ số về thị trường lao động, cho dù chúng là những chỉ báo vĩ mô quan trọng bậc nhất của nền kinh tế và được sử dụng như những tham số chủ chốt trong việc xây dựng và thực thi các chính sách vĩ mô như tiền tệ, tài khoá, tỷ giá…
Lý do chính của việc đưa ra gói kích thích QE3 vừa qua ở Mỹ cũng là vì giải quyết vấn đề lao động, thất nghiệp vì đó là mối lo lớn đối với các nhà hoạch định chính sách, báo cáo nhấn mạnh.
Sau phân tích này, bản báo cáo cho rằng, thực tế đã đặt ra sự cần thiết phải giải quyết một vấn đề khác mang tính dài hạn hơn. Đó là lồng ghép việc giám sát thường xuyên thị trường lao động vào quá trình hoạch định và thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô. Đây là một cách nhìn rất mới ở Việt Nam, vì từ trước đến nay vấn đề lao động – việc làm chủ yếu được xem xét dưới góc độ xã hội như đào tạo nghề, lương tối thiểu, điều kiện làm việc, quan hệ chủ – thợ… mà chưa được xem xét như một biến vĩ mô quan trọng.
Tại hệ thống chỉ tiêu sẽ được trình Quốc hội ở kỳ họp thứ 4 khai mạc vào ngày 22.10 tới đây, chỉ tiêu tạo việc làm mới là 1,59 triệu lao động, trong khi GDP được dự báo sẽ tăng khoảng 5,5%.
Và như thế, chắc hẳn sẽ là chưa cũ khi nhắc lại một câu hỏi không mới của đại biểu Trần Du Lịch, là “năm nào cũng áng chừng mỗi năm giải quyết việc làm 1,5 – 1,6 triệu, kinh tế cỡ nào cũng cỡ đó, thì Quốc hội quyết làm gì chỉ tiêu này?”
Hà Giang
sài gòn tiếp thị
|