Thứ Sáu, 19/10/2012 10:12

C.P. Việt Nam hiện thực hóa tham vọng

Sau hai cuộc đổi chủ, C.P. Việt Nam hiện thuộc sở hữu của Công ty Charoen Pokphand Foods (CPF, Thái Lan), một thành viên của C.P. Group. Với chủ mới này, C.P. Việt Nam đang nhắm tới thị trường thực phẩm Việt Nam.

Thương vụ đổi chủ lòng vòng

Giữa năm 2011, thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam xôn xao vì thông tin công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất Việt Nam (C.P. Việt Nam) bị Công ty C.P. Pokphand (CPP) của Hồng Kông mua lại với giá 609 triệu USD.

Thế nhưng, khi thị trường chưa hết râm ran, thì ngày 25/11, Công ty CPF của Thái Lan đã phát ra thông báo mua 74,18% cổ phần của CPP, với giá hơn 2 tỷ USD. Nếu như việc CPP mua lại C.P. Việt Nam chỉ được coi là động tác “đánh bóng tên tuổi” để nâng giá cổ phiếu trước khi chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông, thì việc CPF mua lại CPP, trong đó có C.P. Việt Nam, lại nằm trong chiến lược lâu dài của công ty này tại Việt Nam.

Trung Quốc và Việt Nam được CPF đặc biệt đánh giá cao về cơ hội tăng trưởng. Ông Adirek Sripratak, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CPF không giấu giếm tham vọng của CPF không chỉ trong lĩnh vực thức ăn gia súc, chăn nuôi, mà còn chế biến thực phẩm tại Việt Nam.

Việt Nam cũng là một trong 4 thị trường mà CPF chủ trương ưu tiên mở rộng trong vòng 5 năm tới, do dân số tăng nhanh, tiêu dùng đa dạng, ít đối thủ cạnh tranh và thiếu công nghệ nuôi.

Tấn công thị trường thực phẩm

Việc C.P. thâu tóm thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam đã được nói đến từ lâu. Với thị phần 18%, C.P. Việt Nam đang cùng một số doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khác chiếm tới 60% thị phần thức ăn chăn nuôi công nghiệp tại Việt Nam. Thế nhưng, không chỉ chi phối thị trường thức ăn chăn nuôi, C.P. còn chiếm lĩnh cả thị trường con giống, trang trại chăn nuôi và đích cuối cùng là thị trường thực phẩm, nhằm hoàn thiện mô hình chuỗi khép kín. Trong đó, tấn công thị trường thực phẩm là điểm cuối của chuỗi khép kín này.

Hiện tại, thị trường thực phẩm chỉ chiếm 10% doanh thu của C.P. Việt Nam, nhưng trong tương lai, tỷ lệ này chắc chắn sẽ tăng lên, do các mảng doanh thu khác của C.P. bị cạnh tranh khốc liệt hơn.

Ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg, Giám đốc điều hành C.P. Việt Nam khẳng định, thời gian tới, C.P. Việt Nam sẽ tập trung vào chế biến thực phẩm và thực phẩm ăn liền. Để hiện thực hóa tham vọng này, Công ty đang khẩn trương hoàn thành chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Hiện Công ty đã xây dựng được hơn 3.000 điểm bán lẻ trong tham vọng xây dựng chuỗi 10.000 điểm bán lẻ cung cấp thực phẩm sạch trên khắp cả nước.

Có thể nói, nhắm vào thị trường thực phẩm là cuộc tấn công bài bản, toàn diện, rất khôn ngoan, khoa học và hiệu quả của C.P. Điều này giải thích tại sao nhiều năm qua, C.P. Việt Nam đạt tăng trưởng doanh thu bình quân 29%/năm. Có thể điểm lại những bước đi mà C.P. Việt Nam đã tiến hành: năm 1993, C.P. Việt Nam xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi đầu tiên tại Việt Nam ở tỉnh Đồng Nai và mở rộng kinh doanh chăn nuôi khép kín, song song với việc xây dựng trại gà giống và nhà máy ấp trứng. Kế đó, năm 1996, công ty này tấn công ra miền Bắc, với mô hình tương tự. Sau đó, C.P. tấn công thị trường thức ăn thủy sản và tiếp tục mở rộng các nhà máy từ đó đến nay.

Sau khi đã chiếm lĩnh được thị trường đầu vào, C.P. bắt đầu chiến lược tấn công các trang trại, với việc thuê hàng ngàn nông dân làm “vệ tinh” chăn nuôi gà, lợn cho C.P. (thực chất là chăn nuôi thuê cho C.P.). Khi nguồn nguyên liệu đã sẵn sàng, năm 2001, C.P. bắt đầu xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm đầu tiên tại Đồng Nai. Năm 2006, Công ty chính thức mở rộng kinh doanh lĩnh vực thực phẩm chế biến và phân phối với nhiều sản phẩm: heo mảnh, heo giết mổ, trứng gà so, trứng gà thuốc Bắc, gà quay 5 sao, tôm chế biến, hệ thống cửa hàng C.P. Fresh Mart, C.P. Kiosk. Mới đây nhất, năm 2010, C.P. Việt Nam đã xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm tại Phú Nghĩa (Hà Tây cũ).

Doanh nghiệp nội hoang mang

Với tiềm lực tài chính to lớn, việc DN nước ngoài chiếm lĩnh thị trường chăn nuôi, phân phối thực phẩm sạch theo quy trình khép kín đã được dự báo. Thế nhưng, sự tăng tốc quá nhanh của C.P. vẫn nằm ngoài sự chuẩn bị của DN nội.

Mới đây, một DN trong nước là Masan đã chi 96 triệu USD để mua lại 40% cổ phần Công ty Proconco. Động thái này chứng tỏ Masan muốn tấn công mạnh hơn vào thị trường thực phẩm. Tuy nhiên, còn quá sớm để nói rằng, Masan có đủ sức cạnh tranh với C.P. trong lĩnh vực thực phẩm.

Với đa phần DN thực phẩm khác trong nước, khả năng theo đuổi mô hình khép kín như C.P. là không thể. Còn nếu chỉ hoạt động ở phần ngọn (giết mổ, chế biến, phân phối thực phẩm), thì việc lép vế trong cạnh tranh là chắc chắn.

Tuy nhiên, cũng có DN nội tự tin cạnh tranh với DN ngoại. Theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, điểm yếu nhất của DN trong nước là chưa có được quy trình khép kín giữa các khâu sản xuất, kinh doanh như DN nước ngoài. Tuy nhiên, Vissan cũng khẳng định, không lo ngại bị các DN thực phẩm nước ngoài ép sân.

Được biết, để tăng sức cạnh tranh với DN nước ngoài, Vissan đã chi khá nhiều tiền để nâng cấp hệ thống phân phối. Trong năm 2012, công ty này mở thêm 70 điểm bán thực phẩm tươi sống tại TP.HCM. Ngoài ra, công ty này cũng đang chuẩn bị bộ nhận diện thương hiệu mới, dự định sẽ công bố vào tháng 11/2012.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, DN Việt Nam vẫn có thể “thắng” DN ngoại, nếu bắt tay liên kết với nhau để sản xuất theo mô hình chuỗi khép kín. Tuy nhiên, giải pháp này được cả các DN chăn nuôi lẫn DN thực phẩm đánh giá là khó khả thi.

Ý kiến - nhận định

"Thị trường thực phẩm đang có nguy cơ bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm”

Ông Nguyễn Chí Nguyện, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực -Thực phẩm TP.HCM

Nguy cơ doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm thị trường chăn nuôi, thị trường thực phẩm là có. Tuy nhiên, chúng ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nên phải tôn trọng các quy định của tổ chức này, phải mở cửa thị trường. Chúng ta chỉ có thể hạn chế bớt các doanh nghiệp nước ngoài bằng việc dựng lên các hàng rào kỹ thuật, mà việc này chỉ có thể do Nhà nước thực hiện.

"Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang chiếm ưu thế về nhiều sản phẩm quan trọng”

Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam, như C.P. Việt Nam, Pronconco, New Hope, Cargill và Vietnams Green Feed. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực chăn nuôi hiện chiếm ưu thế so với các doanh nghiệp trong nước về nhiều sản phẩm quan trọng. Trong đó, về các sản phẩm thịt, riêng C.P. đã chiếm 50% thị phần trứng gà, 30% thịt gà và 7% thịt lợn trên thị trường Việt Nam.

Nếu Nhà nước không nhanh chóng có những chính sách hiệu quả để khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước để có đủ sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài, thì trong tương lai không xa, người tiêu dùng nước ta sẽ có thể phải ăn thịt và trứng nhập khẩu sản xuất ngay trên chính nước mình.


Hà Tâm

đầu tư

Các tin tức khác

>   Sẽ có một cơ quan chuyên quản doanh nghiệp nhà nước (19/10/2012)

>   Quản lý hoạt động tạm nhập tái xuất (18/10/2012)

>   Hyundai Vinashin xuất khẩu 10 tàu biển trọng tải lớn (18/10/2012)

>   Trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (18/10/2012)

>   Bộ Công thương vẫn đòi thu phí điều tiết điện lực (18/10/2012)

>   Giá sữa Việt Nam cao hay thấp? (18/10/2012)

>   Nippon Oil & Energy hâm nóng vốn Nhật vào Việt Nam (18/10/2012)

>   Một công ty VN thắng kiện tập đoàn quốc tế (18/10/2012)

>   Ùn ứ hàng tạm nhập tái xuất: Các cảng đã thông thoáng (18/10/2012)

>   TPHCM: Hơn 6.600 tỉ đồng chuẩn bị hàng hóa tết (18/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật