Tái cơ cấu, Cty đóng tàu Hạ Long cắt giảm 900 lao động
Thực ra, chẳng phải riêng số phận của 900 lao động này bị treo lửng lơ từ lâu trước cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Cty đóng tàu Hạ Long – có trụ sở tại phường Giếng Đáy, TP.Hạ Long, Quảng Ninh – vừa gửi danh sách 900 lao động trong diện cắt giảm biên chế lên Tập đoàn CN tàu thủy Việt Nam (Vinashin), theo yêu cầu tái cơ cấu của cả tập đoàn.
Đơn đặt hàng của Cty năm nay chỉ bằng 1/5 so với mọi năm.
|
3 năm mất nửa quân số
Nhìn vào con số cán bộ, công nhân của Cty ào ạt ra đi suốt 3 năm qua, có lẽ, con số 900 lao động thuộc diện cắt giảm biên chế là bình thường. Năm 2009, khi ngành đóng tàu còn làm ăn được, Cty đóng tàu Hạ Long có khoảng 5.700 lao động. Tháng 10.2012, quân số của Cty này chỉ còn 3.100 người. Ông Nguyễn Thế Anh – PCT Công đoàn Cty – cho biết, có năm, Cty mất khoảng 1.000 lao động. Không chỉ lao động phổ thông, mà cả cán bộ cũng xin ra khỏi Cty, bởi họ biết Cty còn lâu mới thoát ra được tình trạng vô cùng khó khăn như hiện nay.
Những người ở lại, suốt thời gian qua, phải thay phiên nhau nghỉ chờ việc, hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động với Cty, bởi Cty hết việc. Ở thời điểm hiện tại, vẫn còn 390 lao động đang tạm hoãn hợp đồng từ 3-4 tháng; số còn lại nay làm, mai nghỉ. Thực tế, dù có đi làm thì đồng lương cũng không đủ nuôi thân, huống gì công việc thất thường, nên quân số của Cty cứ rơi rụng dần. “Trong hoàn cảnh này, Cty luôn tạo điều kiện hết mức để lao động chuyển công tác, như hỗ trợ tiền trợ cấp thôi việc, sớm chốt sổ bảo hiểm...” – ông Thế Anh cho biết. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp tự ý bỏ việc, nên được hưởng các chế độ.
Có lẽ, số lượng công nhân xin nghỉ việc khả năng không dừng ở đó, ngoài con số 900 trong diện cắt giảm, bởi Cty đang ở giai đoạn khó khăn, mà theo lời anh P – công nhân Phân xưởng hàn – “đến quần áo bảo hộ, Cty còn nợ công nhân”.
Chính sách nào cho lao động mất việc?
Mất việc có lẽ không còn là chuyện lớn của người lao động ở đây, bởi thời gian qua đã chứng kiến sự ra đi ào ạt của hàng ngàn lao động khác. Vấn, đề ở đây là chính sách nào dành cho người thuộc diện cắt giảm biên chế? Đây cũng là câu hỏi mà công nhân lao động thuộc diện bị cắt giảm của Cty đóng tàu Hạ Long băn khoăn với Báo Lao Động.
Anh Bùi Văn Công – Phân xưởng làm sạch – vừa trở lại làm việc sau thời gian nghỉ không lương - tâm sự, hơn 20 năm làm việc, giờ chỉ muốn níu kéo để đủ năm rồi về hưu. Tuy nhiên, trước tình cảnh khó khăn của Cty, anh cũng xin vào danh sách lao động bị cắt giảm, nhưng không rõ sẽ được hưởng chế độ gì.
Cho đến hiện tại, chính lãnh đạo Cty đóng tàu Hạ Long cũng chưa biết sẽ được áp dụng chế độ nào cho 900 lao động trên, vì vẫn đang chờ câu trả lời của Chính phủ và các bộ, ngành. Cty không đủ khả năng tự giải quyết, bởi vẫn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội hơn 30 tỉ đồng, trong khi hằng tháng phải đi vay ngân hàng để trả lương cho công nhân. Ông Lê Văn Hải – Phó TGĐ Cty đóng tàu Hạ Long – cho biết: “Mấy ngày nay liên tục lên Hà Nội họp để tìm giải pháp, nhưng chưa thống nhất được. Bởi, Cty không cổ phần hóa, cũng không phá sản nên không thể áp dụng Nghị định 91 hoặc 41 được. Đây chỉ là việc thu hẹp sản xuất, nên Cty phải bỏ tiền ra hỗ trợ công nhân, mà ở thời điểm hiện tại thì Cty bất lực. Để hỗ trợ 900 lao động này, Cty cần khoảng 100 tỉ đồng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khá nhiều công nhân muốn được vào danh sách cắt giảm lao động theo đề án tái cơ cấu của Tập đoàn Vinashin, bởi nếu có tiếp tục gắn bó với Cty thì sẽ phải tiếp tục chịu cảnh nay làm, mai nghỉ, đồng lương ít ỏi chưa biết đến bao giờ. Họ đang trông chờ vào câu trả lời sớm, với chế độ đãi ngộ không quá thiệt thòi. Tuy nhiên, theo Phó TGĐ Lê Văn Hải, phải ít nhất 2 tháng nữa, Cty mới có câu trả lời cho người lao động.
Nguyễn Hùng
LAO ĐỘNG
|