Chặn thép Trung Quốc “đội lốt” cách nào?
Đến hết tháng 9-2012, VN đã nhập hơn 8,3 triệu tấn thép các loại và nguyên liệu với kim ngạch nhập khẩu gần 5,9 tỉ USD. Trong đó, phần lớn là nhập khẩu thép thành phẩm từ Trung Quốc (TQ).
Là nước sản xuất thép lớn nhất thế giới (chiếm 1⁄2 sản lượng thép của thế giới) với số lượng xuất khẩu hằng năm hơn 50 triệu tấn thép, khi kinh tế TQ năm 2012 phát triển chậm lại, lượng thép tiêu thụ trong nước giảm, các nước nhập khẩu thép lớn của TQ như Mỹ và Tây Âu... giảm nhập khẩu, thì việc đẩy thép sang VN và các nước Đông Nam Á là đương nhiên. Vấn đề là chúng ta phải có biện pháp đối phó như thế nào khi thép họ vào VN thoải mái, bài bản, còn thép VN đưa sang các nước chưa gì đã bị cảnh báo hoặc cáo buộc bán phá giá, bị kiện tụng triền miên?
Theo số liệu Hiệp hội Thép VN (VSA) thống kê từ năm 2010 đến tháng 7-2012, có khoảng 217.000 tấn thép xây dựng dạng cuộn, chừng 78.000 tấn thép xây dựng dạng cây, 130.000 tấn thép hình được nhập khẩu từ TQ. Nếu xét về mặt số lượng, con số này chẳng ảnh hưởng đến ngành thép trong nước. Nhưng nếu tính bảy tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ 2011, thép xây dựng dạng cuộn nhập khẩu từ TQ vào VN đã tăng 557,3%, thép xây dựng dạng cây tăng 122,7% và thép hình tăng tới... 1.612%!
Vì sao thép nhập khẩu từ TQ vào VN lại tăng vọt như vậy?
Thứ nhất, thép của TQ so với các nước trên thế giới đều có giá rẻ hơn do sản xuất nhiều, tự túc được phần lớn nguyên liệu như than, quặng, nhân công rẻ. Thứ hai, TQ có chính sách hỗ trợ xuất khẩu rất mạnh như thuế xuất khẩu thép là 0%, khi xuất khẩu được thoái thu thuế VAT (tới 9%) nên thép xuất sang các nước như VN có giá chênh với thép trong nước tới vài triệu đồng/tấn là điều hiển nhiên. Thứ ba, TQ tận dụng những quy định về thuế suất ký với các nước để tìm lợi thế và việc đưa nguyên tố boron (B) vào tất cả loại thép xuất khẩu là một ví dụ điển hình.
Theo tôi, cần lưu ý đặc biệt nguyên nhân thứ ba. Nếu thép cuộn (ö6, ö8mm) nhập vào VN phải chịu mức thuế suất thuế nhập khẩu là 10%, nhưng khi pha hợp kim B (với hàm lượng thấp 0,008% có giá thành rất rẻ) sẽ chuyển thành thép hợp kim với mức thuế suất nhập khẩu là 0%. Bằng biện pháp này, TQ đã đưa hợp kim B vi lượng vào hầu hết sản phẩm thép xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á như thép tấm, thép cuộn cán nóng, cán nguội, thép xây dựng, thép hình... gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất trong nước. Điều đó lý giải vì sao khi thép cuộn có chứa hợp kim B “vào” được đến VN thì mặc nhiên có giá rẻ hơn so với thép cuộn (nguyên chất) sản xuất trong nước tới 2 triệu đồng/tấn.
Để ngăn chặn tình trạng này, VSA đề xuất được kiểm tra 100% lô hàng ngay tại cảng nhập khẩu kèm truy xuất nguồn gốc lô hàng nhập khẩu. Đồng thời, Bộ Công thương và các cơ quan hải quan, quản lý thị trường cần theo sát số liệu thép nhập khẩu để bảo đảm không có gian lận thương mại, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn ban hành để không bị thép giá rẻ, thép phi chất lượng ảnh hưởng đến thị trường thép trong nước.
Xa hơn, cần học tập kinh nghiệm của các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Malaysia... đưa ra các quy trình kiểm soát chặt chẽ các đơn vị nhập khẩu, yêu cầu phải thực hiện việc đăng ký, có chứng nhận chất lượng theo thủ tục quy định nhằm hạn chế nhập khẩu tràn lan.
PHẠM CHÍ CƯỜNG (chủ tịch Hiệp hội Thép VN)
Tuổi Trẻ
|